Những mùa dưa tha hương

Dẫn chúng tôi sang vùng Trại tù ở xã Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) mục sở thị cuộc sống du mục, tha hương của các chủ trại dưa, anh Trần Quốc Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn chia sẻ: “Khoảng những năm 2002, 2003, cây dưa đỏ bắt đầu bén đất Nghĩa Sơn, cho hiệu quả kinh tế thấy rõ, gấp 3-4 lần trồng lúa và các cây hoa màu khác. Nhưng cái khó của việc trồng loại dưa này là ưa ruộng lạ, đất đã trồng 1-2 mùa, nếu trồng tiếp mùa thứ 3 sẽ rất  khó chăm sóc kém cả về sản lượng lẫn chất lượng, bán không được giá, thu nhập giảm. Không chịu mất đi nguồn lợi kinh tế mà cây dưa hấu mang lại, người dân Nghĩa Sơn năng động nghĩ đến việc sang các xã lân cận, các huyện trong tỉnh và sang cả tỉnh bạn thuê đất trồng dưa. Ban đầu, cũng gặp khó khăn và nhiều trắc trở. Nhưng với sự năng động, chịu thương, chịu khó, họ đã vượt qua trở ngại, chinh phục đồng đất xứ người, cho ra những mùa dưa ngọt… Câu chuyện về những người trồng dưa tha hương dài lắm, nhà báo cứ sang đó, tiếp xúc với họ để hiểu và cảm nhận”.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Lê Văn Hiến (xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn). Anh là một trong những hộ đầu tiên ở Nghĩa Sơn đi sang các huyện khác thuê đất trồng dưa. Lão nông này đã có thâm niên 15 năm rong ruổi theo những mùa dưa. Với vẻ ngoài “bụi bặm”, phong trần, nhìn tướng anh có vẻ hợp với cuộc sống du mục. Anh khoát tay chỉ về đồi dưa rộng gần 2ha đang vào mùa thu hoạch, giọng rổn rảng: “Cái giống này ưa lạ, kén đất. May mắn là vùng đất Xuân Hòa này hợp với nó. Cây dưa trên vùng đất này sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, quả to, độ đường cao và thơm đặc trưng. Nó ưa đất lạ nên người trồng đành “nay đây, mai đó” theo những mùa dưa. Năm ni thuê ở quả đồi này, dựng lán ở đây nhưng năm sau lại cuốn gói tìm vùng đất mới. Mỗi mùa dưa là một vùng đất khác nhau. 15 năm ni, mỗi năm một chỗ ở khác nhau, dựng đến 15 cái lán”.

Năm đầu, anh thuê đất vùng Bãi Trành, giáp ranh với Nghĩa Sơn (quê anh), vùng ngoài họ đã thuê hết cả, anh phải vào tận vùng sâu, nơi không có điện, không có sóng điện thoại, cuộc sống hầu như biệt lập với bên ngoài. Dựng lán xong, anh chở lên đó tạ gạo, thực phẩm khô và sắm những vật dụng cần thiết như đèn dầu, đèn pin, máy phát điện. Máy nổ, chạy tốn dầu, chỉ ưu tiên bơm nước từ khe, suối lên tưới cho dưa. Còn người thì chịu nóng bức, ăn cơm tối dưới bóng đèn pin mờ hoặc đèn dầu leo lét. Đàn ông, vốn quen được vợ lo cho chuyện ăn uống, giặt giũ, lên đây, anh phải tự tay làm tất. Cuộc sống “cơm niêu, nước lọ” nơi đất khách khó khăn, cơ cực trăm bề. Cơm nấu bếp củi bữa khê, bữa choẹt; cá khô rang mặn và rau thì luộc “vừa nhanh vừa tiện”. Nhưng, cái ăn không đáng lo, cái đáng lo hơn là chuyện an toàn của bản thân. “Ban đầu, cũng hơi chờn chợn. Một mình nơi đất khách, của nả thì không đáng chi, nhưng gặp người xấu gây hấn, biết kêu ai? Nhưng may, dân ở đây cũng lành, mình cũng dần quen. Anh em làm dưa tha hương đều là dân Nghĩa Sơn nên cũng rất đoàn kết, có chuyện gì thì ới nhau một tiếng. Giờ, thuận lợi hơn khi có điện thoại di động, có gì liên lạc được ngay…”. Những mùa sau, anh thường thuê một vài thanh niên bản địa, mỗi tháng từ 4,5 đến 5 triệu đồng làm và canh ruộng dưa, vào những đợt quan trọng như thụ phấn, ra quả và thu hoạch anh mới vào ở lán.

Còn anh Nguyễn Văn Công, 3 cậu cháu chung vốn thuê đất trồng dưa cả chục năm nay. “Buôn có bạn, bán có phường” cậu cháu rủ nhau lên đây thuê đất làm ăn, có người nhà nên đỡ lo chuyện này, chuyện nọ. Ban đầu lên đây, lạ nước lạ cái, mình rủ người dân bản địa trồng chung, anh chịu quỹ đất, anh chịu vốn, lời lãi chia theo phần trăm. Nhưng chỉ mấy mùa đầu, sau họ rút vì thấy bọn mình “liều”, đổ tiền vào đất mà không biết được – mất thế nào. Cuối cùng còn lại 3 cậu cháu bám trụ.

Mỗi mùa thuê một vùng đất, dựng lều xuống giống, ươm bầu và trồng dưa. Trong 3 tháng trời ròng rã đó, anh em thay nhau chăm dưa. Sáng dậy lúc 2h để tưới dưa. Tưới xong 3ha dưa thì cũng quá trưa, lúc đó lại lo chuyện nấu nướng. Nhà còn con nhỏ nên vợ phải ở quê chăm sóc các con. Mỗi mình tui bám trụ ở đây”. Lán của cậu cháu anh Công có vẻ kiên cố hơn những lán khác xung quanh. Có vách thưng và mái lợp, trong lán có điện thắp sáng, quạt và cả tivi. Ngoài ra, anh còn nuôi cả chó, cả gà “để cho vui và tận dụng thức ăn thừa”. Cái lịch của họ không tính theo ngày tháng mà tính theo chu kỳ sinh trưởng của cây dưa, từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch. Niềm vui của họ cũng gói ghém theo sự được – mất của những mùa dưa.

15 năm sống đời du mục, lặn lội tha hương mưu sinh, sống tạm trong lán trại nhưng đổi lại, nhờ trồng dưa, anh Hiến mua được đất trồng rừng, mở nhà hàng và cho con trai đi xuất khẩu lao động. Anh chia sẻ: “Nhờ cây dưa cả. Cuộc sống dư dả như hôm nay là nhờ vào những mùa dưa. Vất vả, khổ cực nhưng bù lại là có cả cơ ngơi. Giờ làm dưa quen rồi, sống du mục quen rồi, ở một chỗ không quen, thấy buồn chân, buồn tay lắm”. Thế nên, nhà hàng ăn uống, anh giao lại cho vợ quản lý. Còn anh vẫn rong ruổi theo những mùa dưa.

15 mùa dưa ấy, có những mùa anh trúng đậm. Đó là năm 2008, 2ha dưa đem lại cho anh 760 triệu đồng tiền lãi, anh đầu tư gần 400 triệu mua đất trồng rừng. Nhưng cũng có không ít mùa dưa đắng. “Mất trắng không ít đâu. Có năm thuê phải vùng đất xấu, xuống giống, cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh nhưng đến kỳ ra hoa đậu quả thì không thành. Cả trăm triệu tiền thuê đất, cày bừa, giống, phân bón, thuê nhân công và 3 tháng ròng rã ăn lán, ở trại coi như đổ sông đổ bể. Mất trắng! Cũng cay đắng lắm nhưng biết làm sao! Trồng cây dưa đỏ coi như “đánh bạc với trời”, thời tiết thuận lợi, đất phì nhiêu, nguồn nước sẵn thì coi như “ăn cả” còn ngược lại là mất. Làm ăn là phải chấp nhận”.

Vụ dưa năm nay, gia đình anh Thủy Sỹ (xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn) thuê 3ha đất ở Bãi Trành trồng dưa. Cây dưa đến thời kỳ ra quả thì tự dưng chết khô, chết héo không rõ lý do. Vậy là trắng tay! Cũng có những mùa, dưa được mùa nhưng do rớt giá, lại bị tư thương ép nên không tiêu thụ nổi, người trồng dưa chấp nhận chịu thua lỗ.

Vợ chồng lão nông Tài Hòa (xóm Sơn Liên, Nghĩa Sơn) đi thuê đất trồng dưa 7-8 năm nay. Vợ chồng ông được coi là “mát tay” bởi chưa năm nào phải lỗ. Vụ dưa năm nay, gia đình ông thuê 1,2ha đất trồng dưa, sau 3 tháng, cho thu hoạch 35 tấn dưa loại 1, với giá bán đầu mùa là 6.000 đồng/kg, gia đình ông thu về 220 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 150 triệu. Ông Tài chia sẻ: “Nghề trồng dưa bấp bênh lắm. Được mùa mất giá, được giá mất mùa. Bỏ ra 70-80 triệu xuống đất, sau 3 tháng, đến khi dưa chuyển lên xe cho thương lái, cầm tiền trong tay mới biết lời lỗ thế nào. Cái chính là phải nắm vững khoa học kỹ thuật, chọn đúng loại giống tốt, chăm sóc đúng quy trình để cây dưa sinh trưởng tốt, sạch sâu bệnh, cho quả to, chất lượng. Thứ nữa, khi “mở trại” (thu hoạch dưa) phải đúng thời điểm: khi các loại hoa quả khác chưa rộ mùa, vào ngày tuần (Rằm, Mồng Một) thì dưa được giá hơn, bán dễ hơn. Nhờ đó, thu nhập cao hơn”.

Những người quanh năm rong ruổi mưu sinh cùng những mùa dưa đã nhận được mùa quả ngọt nhưng có nhiều lúc nhận về “trái đắng”. Sống cuộc sống nay đây mai đó, bỏ công chăm sóc, bỏ vốn đầu tư, nếu mùa dưa thất bát, phủi tay khóc ròng… Ngọt – đắng, buồn vui là những trạng thái vốn có ở bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng với những người trồng dưa nơi đất khách, quê người là cả một hành trình chinh phục thiên nhiên, chăm lo lao động đáng trân trọng.

[author]Bài và ảnh: Thanh Phúc – Khánh Ly
Thiết kế- Kỹ thuật: Hà Giang[/author]