Những nét văn hóa của cộng đồng người Khơ Mú: Bài 3:Tế trâu cho tổ tiên
(Baonghean) - Trong bài viết trước chúng tôi đã nói về ngôi nhà và căn bếp thiêng của người Khơ mú. Có một nghi lễ trong căn bếp thiêng gọi là “ăn trâu” mà mỗi người đàn ông trong đời ít nhất phải tổ chức một lần.
TIN LIÊN QUAN
Có điềm dữ, phải mổ trâu
Một người kể chuyện khá cuốn hút trong cộng đồng người Khơ mú ở bản Cha Ca 1, xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) là ông Xeo Phò Mạnh. Cũng như ông Cụt Văn Đào ở bản Ca Da mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết đầu tiên của chuyên đề, ông Mạnh cũng là già làng uy tín, một thầy mo có tiếng ở Bảo Thắng (Kỳ Sơn).
Trong một buổi trưa vắng, nắng gay gắt, câu chuyện của ông Mạnh khiến không khí trong căn nhà gỗ rộng năm gian bớt oi bức. Biết chúng tôi muốn hóng chuyện tập tục của người Khơ mú, ông cụ tỏ ra hứng khởi, gương mặt già nua chợt giãn nở. Sau khi rót cốc nước thuốc nấu bằng thứ cây rừng nghe bảo uống vào sẽ “ăn được cơm” mời khách, ông Mạnh bắt đầu câu chuyện về lễ “ăn trâu”. Trong cuộc đời một người đàn ông khi đã trưởng thành phải phải có một lần làm lễ này cho tổ tiên. “Lễ này cũng như đi bộ đội. Ai chưa làm coi như chưa hoàn thành nghĩa vụ với tổ tiên.” - ông Mạnh chia sẻ.
Dụng cụ đựng đồ cúng Then trong nhà ông Xeo Phò Mạnh. |
Những ai chưa làm lễ “ăn trâu”, tổ tiên có thể “nhắc nhở” bằng cách tạo ra một điều kỳ lạ nào đó khiến chính người trụ cột trong gia đình gặp phải. Chẳng hạn như anh ta có thể nhìn thấy một con rắn hoặc con tê tê bò đi trong đám cháy đốt nương. Lửa đang cháy rừng rực mà nó vẫn thản nhiên sống bình thường. Người Khơ mú ở đây cho rằng đó là tổ tiên về báo điềm gở, liền tìm đến một thầy mo nhờ “xem” giúp. Nếu thầy mo bảo rằng: “cha mẹ về đòi ăn trâu” thì nhất thiết nhà đó phải tổ chức lễ tế trâu trong một thời gian sớm nhất.
Đã 65 tuổi nhưng ông Xeo Phò Mạnh chỉ mới làm lễ tế trâu cách đây 3 năm. Ông nhớ lại hôm ấy vào buổi chiều khi trên rẫy trở về, vừa bước vào chân cầu thang đã thấy một vệt màu đỏ như tiết gà kéo dài theo các bậc thang lên nhà, đến tận cửa buồng có căn bếp thiêng của gia đình. Vốn là một thầy mo nên ông bấm đốt ngón tay nhẩm tính thấy điềm báo “ma nhà muốn ăn trâu”. Sau khi những người am hiểu việc tâm linh trong bản cũng đồng ý rằng cần phải tế trâu cho tổ tiên, ông Mạnh mới trở về nhà để chuẩn bị cho ngày làm lễ “ăn trâu”. Đây là một nghi lễ tốn kém nên không phải nhà nào cũng làm được. Bởi thế cần có thời gian dài để chuẩn bị. Hàng ngày phải luôn nhắc nhở cho tổ tiên biết rằng mình không quên việc phải làm chỉ bởi gia đình còn nghèo khó.
Trước khi ăn sáng để lên nương và khi ăn bữa tối, người Khơ mú có tập tục dọn cho tổ tiên “ăn” trước. “Người ăn gì thì ma ăn nấy”, thức ăn và cơm được dọn ra mâm, bày lên bàn thờ rồi khấn mời. Lời hứa tế trâu cũng được nhắc lại cho tổ tiên biết là mình vẫn nhớ, sớm muộn gì con cháu cũng sẽ mổ trâu để trả ơn sinh thành và nuôi nấng của cha mẹ, ông bà đã khuất. Vì gia cạnh nghèo khó nên không ít người phải “khất lần” hết từ năm này sang năm khác.
Một nghi lễ tốn kém
Dù phải chuẩn bị trong vòng một hay vài năm thì cuối cùng lễ tế trâu vẫn phải diễn ra. Người ta cho rằng làm lễ “ăn trâu” là để tạ ơn ông bà, cha mẹ, những người đã trực tiếp nuôi ta khôn lớn. Ngoài tổ tiên ra thì những vị thần linh, là các Then ở trên trời cũng có phần trong lễ ăn trâu. Theo ông Xeo Phò Mạnh, các Then cũng là những đáng sinh thành, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta từ khi chào đời cho đến lúc chết đi. Đó là khi người đã xong nhiệm vụ ở mường người và các Then gọi về mường trời.
Lễ “ăn trâu” nhất thiết phải được tổ chức vào ngày giỗ của người đã khuất từng là trụ cột của gia đình, bố hoặc ông nội của gia chủ chặng hạn. Đối với người Khơ mú ở Bảo Thắng, ngày giỗ cũng là một ngày kiêng. Trong ngày hôm đó người ta nghỉ việc lên rẫy, vào rừng và các hoạt động kinh tế khác. Nếu đi ra khỏi nhà cũng không được đóng cửa chính vì cho rằng nếu đóng cửa ma nhà về ăn giỗ sẽ không vào được trong nhà. Lẽ đương nhiên thì ngày làm lễ “ăn trâu” cũng là một ngày thiêng.
Để chuẩn bị cho lễ “ăn trâu” quả là một kỳ công. Trước tiên một con trâu để hiến tế đã được chủ nhà nuôi chờ sẵn. Ai không có trâu thì phải đi mua. Riêng đối với dòng họ Cụt ở bản Ca Da (Bảo Thắng - Kỳ Sơn) thì lại hiến tế bò thay cho trâu. Những chiếc sọt nhỏ bằng tre hoặc nứa đã được đan chờ sẵn. Thường thì trong khi làm lễ phải có 3 cái sọt nhỏ treo trên 3 thanh xà để đựng thịt cho các Then. Thanh xà phía ngoài ở ngay cửa chính đi vào nhà là chỗ của Then Lo. Đây là vị thần đã tạo ra cuộc sống cho con người. Chiếc sọt thịt treo ở thanh xà tiếp theo nối giữa gian ngoài và gian nhà thứ 2 là phần của Then Liệng, vị thần cho con người cơm ăn, áo mặc. Cuộc sống của người được no hay đói, giàu hay nghèo đều do Then Liệng ban cho. Chiếc sọt treo ở thanh xà kế tiếp là phần của Then Chư, là vị thần bảo vệ con người vượt qua mọi khó khăn, tai ách trong suốt cuộc đời.
Vào sáng sớm ngày tế trâu những thanh tre vót nhỏ như chiếc cần câu được chuẩn bị sẵn, đêm đến cắm trên các lối đi vào bản. Đầu mỗi que có treo một sợi chỉ, một đầu buôc chiếc vòng tay được bện bằng cật nứa. Mục đich của việc làm này là để ma nhà biết được trong bản có lễ ăn trâu mà về.
Vào ngày lễ “ăn trâu” cả người, ma nhà và các Then đều không dùng bát đũa như ngày thường. Trước đó những chiếc ống tre, ống nứa được đẽo gọt làm chén uống rượu và bát ăn cơm. Cơm, canh, thịt trâu đều được đựng trong chén bát bằng tre và nứa. Người Khơ mú gọi đó là những cái “chốc”. Những chiếc rá lớn thay cho nồi đựng cơm.
Đến giờ đã định, thầy mo sẽ đọc bài cúng lễ để “chém trâu” (phăn thrac - tiếng Khơ mú). Sau khi thịt trâu được xẻ thành từng miếng lớn liền được gánh về căn bếp thiêng của gia đình nấu nướng. Ngày thường, căn bếp này bị cấm, khách ngoài không được bén mảng đến thì ngày này ai cũng có thể ra vào thoải mái. Lễ cúng mời tổ tiên về ăn trâu cũng diễn ra tại căn bếp này. Người cúng lễ tại đây nhất thiết phải là chủ nhà. Nếu không biết cúng thì trước đó phải học từ thầy mo. Không thuộc được hết cũng phải nhớ được một cách căn bản.
Sau khi tổ tiên đã “ăn” xong xuôi thì mới đến lượt cúng cho các Then. Then Chư, vị thần bảo vệ cuộc sống con người được cúng trước tiên. Sau đó đến Then Liêng, người nuôi nấng, và cuối cùng là lễ cúng cho Then Lo có công đưa con người đến với cuộc sống nơi dương gian. Lễ cúng trâu diễn ra trong 3 ngày liền. Vào các bữa cơm sáng, và tối tổ tiên của gia đình và các Then đều được cúng thịt trâu. Tất cả có 6 lần cúng trong suốt cuộc lễ.
Ông Xeo Phò Mạnh chia sẻ rằng: Để làm được một lễ ăn trâu là rất tốn kém, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay, 1 con trâu làm lễ có giá khoảng 20 triệu đồng. Thế nhưng, vì “trách nhiệm” với tổ tiên và các Then nên người đàn ông Khơ mú khi trưởng thành cho đến về già ít nhất phải tổ chức một lần. Chính vì thế có nhà đã trở nên nghèo hơn sau lễ “ăn trâu”.
Hữu Vi - Đào Thọ