Những ngày ở Phong Toàn

04/09/2011 16:39

Địa chỉ đầu tiên mà tôi đặt chân vào nghề báo là mảnh đất Phong Toàn, lúc đó chỉ cách bến xe Vinh ba bốn cây số nhưng ngoằn nghèo, gập ghềnh đi bộ phải mất hàng giờ đồng hồ... Mấy dãy nhà tranh, những tờ giấy nâu cứng, cây bút và lọ mực mang nhãn hiệu Trường Sơn dẫn tôi vào nghề.

(Baonghean) - Địa chỉ đầu tiên mà tôi đặt chân vào nghề báo là mảnh đất Phong Toàn, lúc đó chỉ cách bến xe Vinh ba bốn cây số nhưng ngoằn nghèo, gập ghềnh đi bộ phải mất hàng giờ đồng hồ... Mấy dãy nhà tranh, những tờ giấy nâu cứng, cây bút và lọ mực mang nhãn hiệu Trường Sơn dẫn tôi vào nghề.

Thời đó, nữ phóng viên rất ít, cả Tòa soạn chỉ có 3 chị em vừa ra trường. Chị Thắng lớn tuổi hơn được bố trí một phòng nhỏ, tôi và nhà báo Thúy Liên được ở một gian khoảng mười mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc giường một, hai cái bàn nhỏ làm việc. Mỗi người được cấp một chiếc rương gỗ đựng đồ dùng cá nhân. Có vậy mà vui với nghề. Chỉ "nhập cơ quan" hôm trước, hôm sau cả hội được gọi ra mặt đường với dụng cụ quốc, xẻng, quang gánh để sửa sang đường đi, lối lại mà theo lớp đàn anh gọi là "lễ ra mắt".

Đã thế, lớp nhà báo cũ đa số lấy từ các ngành, nghề khác có năng khiếu hoặc là cộng tác viên nên đều cứng tuổi. Chỉ dăm ba phóng viên trẻ xấp xỉ ba bốn mươi và lứa chúng tôi mới ra trường vẫn "đòi" thành lập chi đoàn thanh niên. Vô tư, sôi nổi là phong cách của đa số thanh niên lúc đó. Nhớ những đêm trăng sáng vằng vặc ở những vùng quê chưa có điện, khi mọi người đang ngủ say, anh Văn Hiền gõ cửa từng nhà gọi dậy tập thể dục buổi sáng. Mọi người vùng dậy ra sân tập, chỉ riêng anh Nguyễn Trọng Liêng (quê ở Đô Lương, đã mất) trả lời "Mình bận tư duy". Tiếng hô, cười vui náo động cả vùng. Tập xong, có người còn ngủ một giấc dài mới sáng. Cứ thế thành quen, nghe tiếng hô của bí thư đoàn là ai cũng có mặt. Những buổi tập thể dục dần trở thành phong trào rèn luyện sức khoẻ khuấy động cả vùng quê yên tĩnh. Vui nhộn nổ trời nhưng báo vẫn ra đều đặn và có những bài viết sinh động, sắc sảo được lãnh đạo tỉnh quan tâm, ghi nhận.

Có đêm làm việc khuya, những anh chị em nội trú được bác Nguyễn Tường - quản lý nhà ăn chuẩn bị một chảo đậu phụ rán. Mọi người xoay quanh chiếc mẹt mà hàng ngày chị em cấp dưỡng dùng sảy gạo, nhặt lúa, đá, tay cầm đậu phụ chấm nước mắm dầm ớt khen ngon nức nở và cảm ơn bác "Soóc Tường" (vì bác hay mặc quần soóc). Có ngày nhà bếp bồi dưỡng đĩa cá đồng rán, hoặc lòng luộc mua từ cửa hàng thực phẩm mà vẫn chén gọn cả xoong cơm (gọi cơm cho oai chứ thực ra là một phần cơm hai phần ngô xay hoặc mì hạt).

Rồi còn nhiều chuyện vui đáo để! Cháu Vinh (con trai chị Tỵ cấp dưỡng) thích nghe đài. Cứ mỗi lần Tổng biên tập Nguyễn Hường mở nghe tin tức là cháu lẫm chẫm đứng ở cửa tròn xoe mắt, há miệng. Biết được sự ham thích của cháu, nhà báo Thanh Phong kiếm đâu được hòn gạch (gạch lúc này cũng hiếm), buộc dây treo vào cổ và bảo cháu: đài đấy. Cứ thế cháu Vinh mang khoe khắp cơ quan là bác Phong cho đài, làm mọi người cười đau cả bụng. Lại còn chuyện các anh xa nhà của tổ Văn xã: Bùi Quỳnh Lưu, Nguyễn Đình Phương, tôi và thêm anh Văn Hiền (Tổ công nghiệp) cứ vào ngày Chủ nhật đi ra ruộng, hì hục bắt được dăm mươi con cá tràu bằng cán dao nhỏ về làm thịt, lấy khúc giữa kho mặn, phần đầu, đuôi băm nhỏ vo viên rán sơ rồi nấu với dưa chua, có thêm ít cọng rau ngổ cải thiện. Mấy anh em ngồi thì thụp húp khen ngon...!

Xin được kết thúc những dòng kỷ niệm về địa chỉ Phong Toàn lưu luyến bằng chuyện Tổng biên tập Nguyễn Hường viết xã luận. Lúc này, tờ báo luôn lấy xã luận làm hướng chỉ đạo đường lối mà chỉ các anh trong Ban biên tập được phân công viết. Nhà báo Hồ Sỹ Thái được Tổng biên tập gọi đưa xã luận xuống xưởng in. Lần đầu cầm nửa bài xã luận trên tay, anh Thái ngỡ ngàng, lưỡng lự. Đang có ý chờ đợi phần sau, Tổng biên tập đã dục: Đi đi tôi sẽ đưa phần sau tiếp. Sợ ý lệch nhau anh Thái hỏi lại: Anh nhớ phần tiếp rồi chứ? Với phong thái tự tin, đĩnh đạc Tổng biên tập trả lời: Yên tâm đi! Và các bài xã luận vẫn khớp ý, khớp lời và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự chỉ đạo của tỉnh, của tờ báo với các huyện, thành và hơn cả là diễn đàn của nhân dân Nghệ An thời bao cấp. Tổng Biên tập đầu tiên của chúng tôi ở địa chỉ Phong Toàn là như thế đó.


Minh Phúc

Mới nhất
x
Những ngày ở Phong Toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO