Những người “đặc biệt” ở Kẻo Bắc

Hữu Vi – Đào Thọ - Hồ Phương 05/06/2018 19:00

(Baonghean.vn) - Ở đó, trong lớp học chỉ với 6 học sinh tại một điểm trường xa xôi, những mơ ước vẫn tiếp tục bùng cháy dù năm học đã khép lại. Chặng đường vì nghiệp chữ của những học trò người Mông nơi đây vẫn còn rất dài.

Có lẽ trong khi tôi đang gõ những dòng này, kỳ nghỉ hè của Xồng Bá Phổng đã bắt đầu. Phổng là cậu học trò ở điểm trường bản Kẻo Bắc. Lớp 5C của Phổng chỉ 6 cô cậu học trò.

Lớp 5C, Trường TH Na Ngoi 1 xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đứng chân tại một cộng đồng thuần người Mông. Nơi đây có độ cao trên nghìn mét so với mực nước biển. Từ ngôi trường của Phổng trông lên là dẫy Trường Sơn nơi có đỉnh Pù Xai cao thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau đỉnh Phanxipang. Từ hơn một năm nay, đã có một con đường nhựa chạy qua sát hàng rào và bầy trò đã có thể đạp xe đến lớp, nhưng ngôi trường của Phổng và 36 học trò khác ở bản Kẻo Bắc vẫn rất tạm bợ. Trường có 5 phòng học. Một phòng đóng kín vì năm nay không có học sinh lớp hai. Tất cả lớp học đều lợp bằng ván gỗ. Tôi nhận thấy những mảnh ván gỗ cong lên trong cái nắng hè và mái nhà lộ ra hàng loạt các kẽ hở. Thầy cô phải phủ lên một lớp bạt mỏng để phòng học đỡ dột khi có mưa.

Phổng là một cậu trò đặc biệt

Chỉ ít ngày nữa là em xong bậc tiểu học nhưng Phổng thậm chí thấp hơn một học sinh lớp 1. Thầy Hoàng Minh Hiếu, chủ nhiệm của em bảo cậu trò gặp vấn đề về sức khỏe ngày còn là một đứa trẻ sơ sinh khiến thể chất em phát triển chậm. Gần 12 tuổi nhưng Phổng chỉ cao khoảng 1 mét. Song tầm vóc không phải là vấn đề lớn ngăn cản Phổng giao tiếp với bạn bè cũng như tiếp thu bài vở. Trong giờ ra chơi của một buổi học cuối năm tôi chứng kiến các bạn cùng bản khá thích thú với cậu bạn cùng lứa. Bọn trẻ thi nhau cõng Phổng chạy khắp các phòng học như là một trò đùa nghịch lành mạnh.

Trong cuộc trò chuyện ngắn, Phổng đã chứng mình sự nhanh nhạy của mình. Cậu bé nhìn vào cuốn sổ của tôi và kêu lên : “Chú viết sai rồi! Dấu hỏi. Phổng mà!” Tầm vóc nhỏ bé vậy nhưng Phổng là anh cả trong nhà. Sau Phổng còn 3 đứa em đều đang học cùng trường với anh trai. Dù làm anh nhưng cậu lại thấp bé nhất nhà. Dẫu vậy thì từ hai tháng nay, Phổng đảm đương vai trò ông anh lớn thực sự khi cả cha và mẹ cậu đều đang đi làm công nhân cao su mà cậu bảo chẳng biết ở đâu. Sáng sớm, khi con gà vừa gáy lần ba, Phổng đã thức dậy cùng ông bà nội nấu bữa sáng cho đàn em. Sau đó cậu đánh thức mấy đứa em dậy ăn sáng rồi cùng đến lớp.

“Sau này cháu sẽ làm nghề gì?” Tôi hỏi khi nhận thấy cậu vẫn đang háo hức muốn chuyện trò cũng những vị khách lạ mà ban đầu cậu tưởng là giáo viên nên cất tiếng “chào thầy”.

“Cháu muốn lái máy bay bay trên trời. Phi công” – Cậu nói đầy vẻ nghiêm túc. Cặp mắt nhìn thẳng vào tôi chứ không nghịch ngợm như lúc ban đầu. Khả năng diễn đạt bằng tiếng phổ thông của Phổng tốt hơn nhiều bạn cùng lứa. Lũ trẻ hưởng ứng bằng những cái vỗ tay. Có lẽ nhóm bạn của Phổng đều cho rằng, ước muốn là phi công của cậu là nghiêm túc và có thể thực hiện được trong nay mai.

Ở lớp 5C, Vừ Y Lù cũng là một học trò đặc biệt. Lù 13 tuổi, lớn tuổi nhất lớp và cũng là học sinh nhiều tuổi nhất ở điểm trường Kẻo Bắc. Lù thích mặc sơ mi dài tay, đeo chiếc nơ lớn màu vàng sau gáy, kiểu trang phục này cũng tỏ ra trưởng thành hơn những bé gái còn lại tại điểm trường. Cô bé gặp vấn đề về giọng nói và phát âm rất khó khăn. Đôi mắt rất sáng của Lù dường như luôn muốn nói nhiều hơn những gì em thốt ra. Hiện tại cô bé ở chung với cậu ruột cùng 11 thành viên khác trong một ngôi nhà chật hẹp. Lù cho hay bản thân rất thích đi học. Dù nắng hay mưa cũng không chịu nghỉ buổi nào. Nhà chật chội nên phòng học tại điểm trường trở thành địa điểm ôn tập bài cũ duy nhất của em.

Thầy Hiếu cho hay dù chậm chạp trong việc phát âm, nhưng Vừ Y Lù có học lực khá. Em tiếp thu bài bình thường như những bạn nhỏ khác. Đôi khi Lù còn như người chị lớn tuổi, sẵn sang đỡ đần các bạn khác việc quét sân trường, hay lau bảng.

Thầy giáo Hoàng Minh Hiếu và cô giáo Nguyễn Thị Diệp cũng là những nhân vật đặc biệt ở Kẻo Bắc. Họ là một trong số không nhiều những cặp đôi giáo viên tiểu học gắn bó với mảnh đất Na Ngoi suốt 15 năm trời. Hai người gặp nhau khi còn đang là sinh viên sư phạm ở thành phố Vinh. Ra trường, sau đám cưới, họ dắt nhau lên Kỳ Sơn xin việc. Thế rồi hai người cùng được phân công giảng dạy ở Na Ngoi, một vùng đất hoàn toàn mới lạ với cả hai người. Dù chuyển qua nhiều điểm bản nhưng anh chị luôn được lãnh đạo trường tạo điều kiện để được ở gần nhau. Năm học 2017 – 2018, anh Hiếu, chị Diệp là 2 trong số 4 giáo viên đứng lớp ở điểm trường Kẻo Bắc.

Bà Nguyễn Thị Hội và anh Vi Văn Son cũng là những người đặc biệt ở ngôi trường bản Kẻo Bắc. Họ đến đây từ đầu năm học. Thế nhưng không ai trong số họ là giáo viên. Bà Hội từ xã Thanh Tường (Thanh Chương) lên Na Ngoi trông cháu ngoại cho con gái dạy học. Từ ngày vợ trở lại giảng dạy sau nghỉ sinh, anh Son cũng theo vợ vượt gần trăm cây số lên trường trông con.

“Ban đầu tôi chẳng thể quen với kiểu thời tiết ở đây.” – Bà Hội nhớ lại. Mái tóc bà đã bạc trắng nhưng vì công việc của con bà bảo là chẳng vì thế mà quản ngại. Từ đầu năm học, bà Hội ở trong căn phòng gọi là ký túc xá cùng con gái là cô giáo Đoàn Thị Thủy. Căn phòng thưng bằng gỗ và vải bạt, mái lợp ván gỗ nom tạm bợ. Còn vợ chồng anh Son thuê lại nhà của một người dân trong bản ngay sát cạnh ngôi trường. Khi tôi ghé thăm, anh Son đang bồng đứa con thứ hai vừa tròn tuổi rưỡi. Anh tỏ ra vui mừng khi có người cùng ngồi nói chuyện bằng tiếng Thái. Không biết tiếng Mông khiến Son gặp khó khăn khi giao tiếp với cư dân nơi đây. Đại bộ phận người dân ở Kẻo Bắc chỉ nói tiếng Mông. Họ gần như không biết tiếng Thái. Trừ những học sinh và cánh đàn ông là thạo tiếng phổ thông. Còn lại đều bập bõm. Anh chị còn một cậu con trai đang học tại điểm trường Kẻo Bắc. Minh Quân có cái tên lạ nhất và cũng là học sinh người Thái duy nhất ở bản.

Một ngày của anh Son, bà Hội cũng như Xồng Bá Phổng đều bắt đầu từ năm giờ sáng. Trong khi Phổng đang bắt tay vào nấu bữa sáng cho các em thì bà Hội và anh Son cũng đang cùng người nhà của họ chuẩn bị bữa sáng để các cô giáo vào buổi giảng dạy mới. Họ có thể dậy muộn hơn vào cuối tuần.

“Cháu thấy bình thường.” – Phổng nói ngay khi tôi hỏi bản thân có thấy vất vả khi phải nấu ăn cho đàn em không? Tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi bày tỏ sự sẻ chia về nỗi vất vả của những người phải đi trông trẻ ở Kẻo Bắc như bà Hội, anh Son. “Tất cả đều vì công việc của vợ mà.” – Anh Son nói bằng tiếng Thái. Còn bà Hội chỉ cười một cách nhẹ nhõm.

Cuộc chuyện trò của chúng tôi ở khoảng sân nhỏ trước ngôi trường bị gián đoạn bởi một cơn mưa rừng bất chợt ập đến. Lũ trẻ hò nhau chạy tuốt vào lớp học. Có một số chỗ ngồi vẫn bị nước mưa tìm đến. Bọn trẻ giúp nhau khiêng bàn tránh những tia nước. Chỉ một lúc sau là cơn mưa qua. Thầy Hiếu bảo khi hè đến, Na Ngoi thường mưa bất chợt vào trưa và chiều. Những cơn mưa ở đây cũng thật đặc biệt, bất thần kéo đến, diễn ra trong mươi phút rồi tạnh. Bầu trời lại quang quẻ như chưa hề có một cơn mưa đi qua.

Hôm nay, bầy trẻ ở Kẻo Bắc học buổi cuối cùng của năm 2017 – 2018. Năm tới Xồng Bá Phổng và Vừ Y Lù sẽ vào lớp 6. Đó sẽ là một thay đổi lớn với những cô cậu học trò ở Kẻo Bắc khi chúng được chuyển đến một ngôi trường mới.

Cạnh khu kí túc xá, thầy Hiếu dựng một chỗ để để ô tô bằng vải bạt. Chiếc bán tải được thầy sắm từ đầu năm học cũng là một thay đổi lớn đối với gia đình người giáo viên vùng biên này. Thầy bảo, khi có đường mới, thầy đã dành cả số tiền hai vợ chồng tích cóp hơn chục năm dạy chữ ở Na Ngoi và vay mượn thêm họ hàng nội ngoại nữa mới đủ sắm ô tô. “Người thành phố sắm xe để thể hiện đẳng cấp, mình sắm xe cốt để việc đi lại của vợ chồng đỡ vất vả hơn.”

“Đỡ vất vả hơn” cũng là niềm mong mỏi của các học trò ở Trường TH Na Ngoi 1, nơi có 6/7 điểm trường đang trong tình trạng tạm bợ.

Mới nhất
x
Những người “đặc biệt” ở Kẻo Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO