Những người lính quân hàm xanh “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong  cách Hồ Chí Minh” bằng những cách làm sáng tạo, hợp lòng dân. Qua đó để lại ấn tượng sâu đậm về những người lính “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt” ở cả hai tuyến biên giới…

Mẹ mất do ăn lá ngón, bố đi tù vì buôn bán chất ma túy, em Xồng Bá Cha (SN 2006) ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương và 3 đứa em (đứa lớn nhất kém Cha một tuổi, đứa út sinh năm 2013) phải chịu cảnh bơ vơ. Trước hoàn cảnh đó, những người lính quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Tam Hợp đã cùng với chính quyền địa phương lên phương án chăm lo cho những đứa trẻ. Theo đó, Cha và các em được những người thân trong dòng họ đón về chăm sóc, còn Đồn Biên phòng Tam Hợp góp gạo tiết kiệm để nuôi dưỡng. Hàng ngày, đồng chí nuôi quân lúc lấy gạo nấu ăn cho bộ đội sẽ bớt ra 1 bát gạo bỏ vào hũ  riêng để cuối tuần mang đến cho 4 cháu nhỏ. Ngoài hũ gạo tiết kiệm, Đồn còn phối hợp kêu gọi một số doanh nghiệp ủng hộ chăn, màn, quần áo, hỗ trợ học phí để các cháu yên tâm học tập.

Clip: Lãnh đạo Đồn Biên phòng Tam Hợp trao gạo cho các cháu mồ côi ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp.

Ông Xồng Bá Lỳ – Trưởng bản Huồi Sơn cho hay: Hũ gạo tiết kiệm chỉ là một trong rất nhiều việc tốt mà Đồn Biên phòng Tam Hợp đã triển khai để giúp đỡ người dân ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Huồi Sơn vốn là một bản do BĐBP vận động dân sống du canh, du cư ở các cánh rừng giáp biên giới Việt- Lào về  tái định cư từ năm 2002. Để giúp dân ổn định cuộc sống, BĐBP Nghệ An đã lập tổ mộc dựng nhà cho dân ở;  san lấp mở đường và hướng dẫn dân phát triển kinh tế. “Khi mới lên chỉ có vài ba hộ trồng lúa nước, dần dần với sự cầm tay chỉ việc của những người quân hàm xanh, cả bản có 17-18 hộ trồng lúa nước ở 3 vùng. Bên cạnh làm rẫy, làm lúa, bà con biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng gừng phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng khởi sắc nên đồng bào Mông ta biết ơn bộ đội nhiều lắm”, Trưởng bản Xồng Bá Lỳ bày tỏ.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ người dân làm kinh tế.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ người dân làm kinh tế.

Luôn tâm niệm “đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Quang (Tương Dương) đã có những việc làm thiết thực giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Minh chứng là ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khi chúng tôi đến thăm, đã chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sỹ đang tập trung giúp người dân bản Tùng Hương làm đất để chuẩn bị gieo vụ lúa mới trong ánh nắng vàng rực vắt ngang các sườn núi, tiếng cười, nói vui vẻ khuấy động cả một khoảng không gian yên bình của bản làng. Thượng tá Hoàng Thanh Quyền – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quang cho hay: Hàng năm, đơn vị đã trích từ nguồn tăng gia sản xuất và số tiền quyên góp của cán bộ, chiến sỹ để mua cây, con giống, hướng dẫn KHKT giúp đỡ 12 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 59,74% (năm 2012) xuống còn 4,18%.

Từ việc tăng cường bám địa bàn, bám dân, BĐBP đã xác định được người dân cần gì để giúp đỡ, ví như ý tưởng phối hợp với Phòng Giáo dục huyện và chính quyền địa phương mở “Lớp học tình thương” xóa mù chữ cho bà con, trong đó chủ yếu là phụ nữ cũng xuất phát từ việc bám nắm cơ sở. Lớp học thu hút 34 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 – 45 ở 3 bản giáp biên (Tùng Hương, Tân Hương và Liên Hương) tham gia, do các sỹ quan biên phòng trực tiếp đứng lớp 1 tuần 2 buổi vào ban đêm. Sau 7 tháng được các thầy giáo quân hàm xanh kiên trì uốn từng nét chữ, luyện cách phát âm, nhiều chị em đã đọc và viết thành thạo, đi làm các giấy tờ tùy thân hay vay vốn ngân hàng không cần điểm chỉ như trước nữa. Cũng theo Thượng tá Quyền: Điểm nhấn được Đồn Biên phòng Tam Quang xác định trong thời gian tới là việc phân công đảng viên biên phòng phụ trách giúp đỡ 125 gia đình chính sách tại 12 thôn, bản trên địa bàn nơi đóng quân, mỗi đảng viên giúp đỡ từ 2-3 hộ, với mục tiêu giúp các hộ thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm ăn để thoát nghèo và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đời sống của người dân bản Huồi Sơn khá hơn nhờ trồng gừng.
Đời sống của người dân bản Huồi Sơn khá hơn nhờ trồng gừng.

Còn ở Hải đội 2 đóng chân ở  phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), bên cạnh việc thực hiện “mỗi tuần một việc tốt” giúp dân, cán bộ, chiến sỹ Hải đội còn phát động phong trào “tiết kiệm bản thân, để phần người khó” để hỗ trợ người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, đối tượng chính sách trên địa bàn.

Tại nhiều đơn vị biên phòng khác dọc tuyến biên giới và tuyến biển, người dân nhắc nhiều tới Chương trình “Nâng bước đến trường”, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ mồ côi, học sinh nghèo vượt khó đang ngày càng được nhân rộng. Đồn Biên phòng Diễn Thành là một trong những đơn vị thực hiện tốt chương trình này. Không chỉ hỗ trợ về kinh phí với mức 500.000 đồng/ mỗi em/ mỗi tháng cho 4 học sinh hoàn cảnh khó khăn, cán bộ được phân công phụ trách địa bàn còn liên hệ chặt chẽ với nhà trường, địa phương và gia đình để theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của các em, đề nghị miễn giảm các khoản đóng góp, kêu gọi hỗ trợ học bổng để các em yên tâm tới trường. Là một trong số học sinh được Đồn Biên phòng Diễn Thành nhận hỗ trợ. Em Trần Thị Kim Oanh, học sinh lớp 11, trú tại xóm 12, xã Diễn Thịnh (Diễn Châu), xúc động chia sẻ: “Bố mẹ em mất sớm, 3 chị em phải sống nương tựa vào bà nội đã 73 tuổi, những năm qua sự động viên, chia sẻ của các chú BĐBP chính là nguồn động lực để em vượt qua mất mát, vươn lên trong cuộc sống”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Diễn Thành hướng dẫn các cháu mồ côi (đồn nhận giúp đỡ) học tập; Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang thăm hỏi đối tượng chính sách.
Cán bộ Đồn Biên phòng Diễn Thành hướng dẫn các cháu mồ côi (đồn nhận giúp đỡ) học tập; Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang thăm hỏi đối tượng chính sách.

Được biết đến nay, lực lượng biên phòng toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 99 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 20 cháu học sinh nước bạn Lào).

Có thể nói, những việc làm “dân vận khéo” của những người lính mang quân hàm xanh đã  góp phần làm “lòng dân yên, biên giới vững”, cuộc sống của người dân đổi thay theo chiều hướng tích cực.

Các bản làng ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đang từng ngày khởi sắc.
Các bản làng ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đang từng ngày khởi sắc.

Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đi vào chiều sâu, bên cạnh phong trào “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”,  Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo lập “Sổ đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho đội ngũ đảng viên, sổ “Nhật ký đoàn viên làm theo lời Bác” cho đoàn viên thanh niên trong toàn quân.

Theo đó vào đầu tháng, các đảng viên chủ động đăng ký, lựa chọn nội dung làm theo phù hợp, sát với vị trí chuyên môn, điều kiện công tác của mình và tự giác thực hiện. Từ việc  xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt, đến việc thực hành tiết kiệm; Quản lý, khai thác vũ khí, thiết bị bền, an toàn; tích cực bám nắm địa bàn, bám nắm cơ sở giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết tốt các vụ việc phát sinh; đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn biên phòng… Trong đó, đặc biệt nêu cao tính gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu đơn vị. Các chi, đảng bộ chịu trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện nội dung đăng ký học tập và làm theo của cán bộ, đảng viên.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang thăm hỏi người có uy tín bản Liên Hương.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang thăm hỏi người có uy tín bản Liên Hương.

Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm chính trị (BĐBP Nghệ An):  “Miệng nói, tay làm” ở đây thể hiện là không nói suông, không đăng ký suông mà cuối tháng đảng viên tự nhận xét, đánh giá  kết quả thực hiện những nội dung mà mình đã đăng ký. Trên cơ sở đó, cấp ủy sẽ  tổ chức thảo luận, đánh giá, chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, định hướng khắc phục các tồn tại, khuyết điểm cho từng đảng viên. Kết quả thực hiện nội dung đăng ký làm theo của mỗi đảng viên là tiêu chuẩn cơ bản để cấp ủy, chỉ huy đơn vị làm căn cứ đề nghị thi đua khen thưởng, xếp loại hàng năm. Đối với đoàn viên thông qua việc ghi lại những việc làm cụ thể trong “Nhật ký làm theo Bác”, mỗi người tự rút kinh nghiệm cho bản thân để có nhiều việc làm tốt, mang ý nghĩa thiết thực hơn.

Có thể nói, sáng kiến lập sổ đăng ký  làm theo của đảng viên và nhật ký đoàn viên đã góp phần đưa việc học tập và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên BĐBP Nghệ An đi vào chiều sâu. Qua đó, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện trong toàn lực lượng. Bên cạnh đó, từ các nội dung đăng ký làm theo, nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã được các đơn vị vận dụng và nhân rộng, gắn với địa bàn, cơ sở, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ biên phòng “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”, được dân tin, dân quý.

Clip: Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trên đường tuần tra.