Những người phụ nữ 'quên' ngày 8/3

Thanh Quỳnh - Đình Tuyên 08/03/2023 07:35

(Baonghean.vn) - Khi một nửa của thế giới hân hoan chào đón ngày 8/3 với những lời chúc yêu thương và những bó hoa tươi thắm, thì vẫn còn không ít phụ nữ phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Với họ, 8/3 cũng giống như bao ngày khác khi gánh cơm áo, gạo tiền thường nhật vẫn nặng trên vai.

5h sáng tại chợ Mý, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên không khí bán - mua đã vô cùng tấp nập. Trong sương lạnh, các chị, các mẹ vẫn bươn chải bán mua kiếm thêm thu nhập để trang trải cho gia đình trong những ngày tiếp theo. Ảnh: Đình Tuyên
Bà Nguyễn Thị Lâm bán hến ở chợ Mý 35 năm nay. Với bà, ngày 8/3 cũng như bao ngày khác khi phải dậy từ lúc 4 giờ rưỡi sáng để soạn hàng kịp bán cho khách. Nghề làm hến vất vả là vậy, cho nên đối với bà, một bó hoa hay một món quà trị giá hàng trăm nghìn đồng là điều xa xỉ. Bà chỉ mong muốn được bán hết hàng trong buổi sáng để có thể lo lắng những công việc trong gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh
Tại thành phố Vinh, dù nhiều ngả đường đã ngập tràn sắc hoa, sắc quà ngày 8/3, thì đâu đó vẫn còn những hình ảnh khiến chúng ta phải chạnh lòng khi vô tình trông thấy. Đó là bóng dáng của các mẹ, các bà, dù năm nay đã hơn 50 tuổi, thậm chí trên 60 tuổi nhưng vẫn phải gắn bó với những nghề nặng nhọc. Hành trang của họ chỉ là những chiếc xe cà tàng với đôi thúng đơn sơ. Có những hôm vắng khách thì đành trở về tay không. Ảnh: Đình Tuyên
Với đôi tay khéo léo, đức tính chuyên cần, nhiều phụ nữ đã thực sự trở thành những người thợ có tay nghề cao được thị trường lao động săn đón. Cho dù là ngày lễ hay ngày nghỉ, chỉ cần có đơn đặt hàng là ngay lập tức họ làm nghề một cách đầy tâm huyết. Bởi sau những đơn hàng đó, là chi phí học hành của các con, là điểm tựa để gia đình có thêm nguồn thu ổn định cuộc sống. Ảnh: Thanh Quỳnh
Không chỉ có đấng mày râu mới gắn bó với những công việc lao lực, giờ đây, nhiều phụ nữ đã đảm nhận những ngành nghề vất vả như phụ hồ, cửu vạn, xe ôm... Vượt lên ý nghĩa mưu sinh, đó là cách họ lao động và kiếm tiền một cách chân chính để khẳng định giá trị của mình trong gia đình và xã hội. Ảnh: Đình Tuyên

Trong guồng quay của cuộc sống công nghiệp, các công nhân nữ dường như phải dồn hết tốc lực để làm việc. Không chỉ đảm bảo đúng số giờ lao động, đa phần họ đều đăng ký được tăng ca để có thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Quỳnh

Là người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình, bà Phạm Thị Hoàng (sinh năm 1940), ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: "Nếu quan niệm 8/3 là thời gian để nghỉ ngơi hay được đón nhận hoa, quà thì phụ nữ nông thôn khó lòng có được điều đó. Đối với những người phụ nữ đã vất vả từ thuở nhỏ như chúng tôi, mồng 8/3 chỉ cần không khí trong gia đình thuận hòa, được sum vầy bên con cháu để ăn một bữa cơm ấm áp là vui cả ngày rồi!". Ảnh: Đình Tuyên

Chồng bị nhồi máu cơ tim và mất sức lao động, một mình chị Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1973), ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh phải cố gắng làm việc để chăm lo cho hai con và gia đình. Mang trên mình gánh nặng đó, nhưng chị vẫn tươi cười khi được lao động. Đã hơn 30 năm bán hàng tại chợ Vinh, chị chưa biết 8/3 là gì, nhưng miễn còn có sức khỏe thì nụ cười luôn tỏa rạng trên môi. Ảnh: Thanh Quỳnh
Vất vả không chỉ với những phụ nữ lao động tự do, nhiều lao động nữ trong các ngành nghề khác của xã hội cũng đối mặt với nhiều vất vả. Trong ảnh là điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1991)- điều dưỡng Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Đối với các chị, việc chăm lo cho người bệnh là điều quan trọng hơn cả, cho dù đó là ngày nghỉ hay lễ, Tết. Và món quà ý nghĩa nhất đối với họ là nụ cười và sức khỏe của bệnh nhân được tiến triển tốt hơn mỗi ngày. Ảnh: Đình Tuyên
Mới nhất
x
Những người phụ nữ 'quên' ngày 8/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO