Những người xác lập chủ quyền ở Trường Sa ngày ấy
(Baonghean.vn) - Để không cho Trung quốc đánh chiếm trái phép, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 đã dùng sơn đỏ vẽ lá cờ Tổ quốc vào tấm tôn, rồi treo “lá cờ đặc biệt” lên cột cao nhất của con tàu “bị lạc” để đánh dấu tọa độ và công bố đảo Đá Lát là chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Chuyến đi nóng bỏng
Tròn 32 năm kể từ ngày họ đi xác lập chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, bốn cựu binh hải quân Hoàng Văn Thể, Trần Văn Giáo, Nguyễn Huy Tuấn, Lê Hữu Giáp mới có dịp gặp nhau. Tất cả đều một niềm tâm tưởng tự hào và xúc động. “Chất lính chiến” ngày nào vẫn thế, chỉ khác, tóc cũng điểm nhiều sợi bạc và không còn ở chung trên một con tàu như 32 năm trước.
Hàng trước từ trái qua: Nguyên máy trưởng tàu 11 anh hùng: Nguyễn Huy Tuấn, sĩ quan hàng hải Lê Hữu Giáp, chiến sĩ Nguyễn Hữu Tiệp, máy phó Trần Văn Giáo, cựu binh Vũ Ngọc Sơn. Ảnh tư liệu |
Cuộc hàn huyên sau 32 năm gặp lại, ở cái tuổi trên ngưỡng “lục tuần”, họ vẫn vô tư gọi nhau bằng “thằng, mày, tao, hắn” đầy chất lính biển. Rồi lại trầm ngâm ứa nước mắt khi hồi tưởng lại những ngày đồng cam cộng khổ, ăn sóng nói gió giữa đại dương bao la. “Đó là những ngày hoa biển đẹp đẽ nhất của tôi trong đời quân ngũ. Đá Lát ngày ấy in mãi trong tim. Mỗi lần kể lại tôi chỉ muốn khóc” - cựu binh Đại tá Trần Văn Giáo, nguyên máy phó tàu HQ-11 xúc động nói.
Sau sự kiện hải quân Trung Quốc bắn chết 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam trong ngày 14/3/1988, để xác lập chủ quyền lãnh thổ, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng, phương tiện tàu thuyền khẩn cấp hành quân ra quần đảo Trường Sa xác lập chủ quyền. Cùng với các đơn vị E83 Công binh Hải quân, Trung đoàn 131, tàu săn ngầm HQ-11 của Lữ đoàn 171 được giao nhiệm vụ hành trình tuần tra, trực tiếp bảo vệ các đảo nổi, đảo chìm trong Quần đảo Trường Sa mà ta đã xác lập chủ quyền (cắm tiêu, mốc) trên đảo.
Từ trái qua: Cựu binh Đại tá Trần Văn Giáo, cựu binh Lê Hữu Giáp, Thượng tá Hoàng Văn Thể, cựu binh Nguyễn Huy Tuấn. Ảnh: Mai Thắng |
Cuộc hải trình của con tàu săn ngầm có chiều dài 82 mét với lượng dãn nước 1.140 tấn (max), và 105 thủy thủ bắt đầu từ quân cảng Vũng Tàu sau hơn 3 ngày đêm đã đến vùng biển Trường Sa. Thuyền trưởng Trung tá Nguyễn Quang Tạo đang chỉ huy bộ đội thả neo, hạ xuồng cho lực lượng vào trinh sát nắm tình hình ở đảo Trường Sa lớn, thì nhận được lệnh hỏa tốc từ Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn cấp cho tàu hành trình đến đảo Đá Lát canh giữ và khẩn cấp cắm cờ lên bãi san hô ngầm.
Cựu binh Lê Hữu Giáp nguyên Trung úy - sĩ quan hàng của tàu HQ-11 kể lại: “Sau sự kiện 14/3/1988, Trung Quốc rất ráo riết điều tàu chiến xuống Trường Sa để hòng đánh chiếm các đảo chưa có người ở. Nắm được ý đồ này, Quân chủng đã lệnh cho tàu 11 khẩn cấp tiếp cận đảo Đá Lát. Lúc này, có hai tàu chiến của Trung quốc đang cách đảo Đá Lát 30 hải lý hòng vào đánh chiếm, nhưng khi thấy tàu săn ngầm 11 đến, chúng quay mũi rút êm ra ngoài. Nhanh như cắt, bác Tạo (thuyền trưởng Nguyễn Quang Tạo - PV) đã lệnh cho chúng tôi hạ xuồng. Lúc đó không có cờ Tổ quốc. Tôi đem theo sơn đỏ, một tấm tôn theo. Đảo Đá Lát lúc đó nửa nổi nửa chìm, có một con tàu “bị lạc” nằm trên đảo khi nào không xác định được thời gian. Chúng tôi vẽ lá cờ Tổ quốc vào tấm tôn rồi treo lên cột buồm con tàu “bị lạc” để xác lập chủ quyền. Đây là kỷ niệm đáng nhớ và tự hào nhất, ông Giáp hồi tưởng lại.
Bảo vệ cột mốc tiền tiêu
Tàu 11 hiện nay làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Mai Thắng |
Sau khi cắm lá cờ đặc biệt xác lập chủ quyền đảo Đá Lát, tàu HQ-11 tiếp tục ở lại đó 1 tuần để bảo vệ cột mốc tiền tiêu. Trong khi chờ đợi tàu 240 Hoa Tiêu của Quân cảng Sài Gòn kéo boong-tong ra cắm chốt, cán bộ chiến sĩ ngày đêm tuần tiễu vô cùng căng thẳng. Một mặt phải đối mặt với thời tiết nắng nóng kéo dài trong khi tàu đi biển dài ngày lương thực, nước ngọt vơi cạn; một mặt phải đối mặt với sự rình rập của tàu Trung quốc lăm le và xuất hiện bất cứ lúc nào.
Đảo Đá Lát hiên ngang giữa Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng |
“Tàu 240 sau 4 ngày kéo boong-tong thì ra đến nơi. Lúc đó việc kéo boong-tong lên đảo vô cùng khó khăn. Anh em làm bằng tay chứ làm gì có cẩu hoặc máy móc như bây giờ. Chúng tôi lội xuống biển, nước dâng lên ngực. Dùng dây chảo tàu kết nối với boong-tong, lôi vào đảo. Trên nắng, dưới mặn, tóc ai cũng đỏ quạch, da đen nhẻm, râu ria mọc tua tủa. Lúc đó nước đâu mà tắm, dao đâu mà cạo. Cả tuần chưa thấy mặt mình ra sao, bởi gương đâu mà soi. Vậy mà tình cảm lắm. Điếu thuốc chia cả tiểu đội, lá thư cả tàu đọc chung, chuyện người yêu kể cả ngành đều nghe”- Đại tá Trần Văn Giáo, nguyên máy phó tàu 11 nhớ lại những kỷ niệm không quên ngày ấy.
Hoàn thành nhiệm vụ xác lập chủ quyền ở đảo Đá Lát, tàu HQ-11 tiếp tục làm nhiệm vụ ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn. Trong đó có sự kiện đặc biệt quan trọng là cứu 3 phi công Mỹ ở đảo Đá Lớn giữa tháng 6/1988.