Những người xây ‘kho vàng xanh’ nơi đại ngàn
(Baonghean.vn) - Họ là những già làng, trưởng bản, là cán bộ, đảng viên nơi miền Tây xứ Nghệ. Không chỉ siêng năng phát triển kinh tế, họ còn dành cả cuộc đời để trồng cây gây rừng với tâm niệm vì thế hệ mai sau; chỉ có thể giữ rừng, trồng rừng mới cho con người cuộc sống xanh bền vững.
Cán bộ, đảng viên tiên phong trồng rừng
Sau hành trình đi thăm bản làng, Bí thư Đảng uỷ xã Tây Sơn Vừ Rả Tênh vui vẻ kể về những tháng ngày cùng ông cha trồng rừng samu, pơmu ngay trên mảnh đất mình sinh ra, lớn lên.
“Từ nhỏ, tôi cũng như đồng bào Mông ở Tây Sơn, đều gắn bó với những cánh rừng, sinh sống dựa vào rừng. Thế hệ ông, rồi đến cha tôi, các anh em trong gia đình đều hiểu rằng trồng và giữ rừng sẽ giúp con người có cuộc sống yên bình, no đủ. Bảy anh em chúng tôi đã hơn 20 năm nay kiên trì trồng và bảo vệ những cánh rừng pơmu, samu” – Bí thư Đảng uỷ xã Tây Sơn chia sẻ.
Nói rồi, ông dẫn chứng thêm, từ những năm 1995, cùng với chủ trương trồng rừng của Nhà nước, ông cùng các anh em, bà con các bản làng đến những vùng rừng pơmu, samu mang cây con về trồng. Trong hai loại cây gỗ quý này, cây samu “khó tính” hơn, phải chăm sóc rất kỹ chúng mới có thể sống, cao lớn được như ngày nay. 7 anh em ông Vừ Rả Tênh cùng với ông, cha của mình đã miệt mài dành cả đời người để góp nhặt, chăm sóc được hơn 30ha rừng pơmu, samu quý hiếm. Nay cây đã cao lớn “vươn tận trời xanh” mà theo như lời ông Rả Tênh rằng “thân cây đã lớn bằng thân người”.
Cùng với trồng rừng, ông Vừ Rả Tênh cũng là điển hình làm kinh tế ở Tây Sơn khi luôn là người tiên phong thực hiện các mô hình phát triển sản xuất ở địa phương. Và ông đã “làm mẫu” bằng cách nuôi trâu bò, từ chăn thả rông đến khoanh vùng sản xuất để nuôi nhốt. Rồi trồng thêm cỏ voi, trồng ngô trồng sắn và trồng rừng. Khi có mô hình mới ông cũng xung phong làm đầu tiên, ví như thử nghiệm trồng cây táo mèo từ năm 2021.
“Đây là cây trồng mới, do Ban Dân tộc tỉnh đầu tư giúp bà con, tôi cũng tham gia trồng 2ha, anh trai tôi trồng 3ha. Sau gần 3 năm trồng, chăm sóc, nay cây táo mèo đã cao lớn, cho thu hoạch, quả sai trĩu cành. Cả bản có khoảng gần 10ha cây táo mèo, cho năng suất 1,5 – 2 tạ/cây” – ông Rả Tênh phấn khởi cho hay.
Phong trào trồng, bảo vệ rừng ở Tây Sơn, theo lời của Phó Chủ tịch UBND xã Vừ Bá Rê, đã ăn sâu vào ý thức của người dân. Ngoài trồng, đến nay, cán bộ và nhân dân xã Tây Sơn đã phục hồi gần 70 ha rừng pơ mu và sa mu, góp thêm cho những cánh rừng pơ mu quý hiếm của Tây Sơn thêm xanh tươi, trù phú, là nguồn tài nguyên quý giá, mang lại giá trị bền vững về môi trường, bảo tồn giống cây quý cho các thế hệ mai sau...
Trên mảnh đất biên cương Kỳ Sơn, nhắc đến trồng rừng, làm kinh tế giỏi, nếu ở Tây Sơn có đại gia đình bí thư Vừ Rả Tênh, thì ở Huồi Tụ có Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm - Vừ Vả Chống.
Được vợ chồng ông trồng, chăm bón suốt hơn nửa đời người, cây từ lúc mới cao bằng gang tay, nay đã trở thành cánh rừng pơmu bạt ngàn, sừng sững hơn 5.000 cây. Ở tuổi ngoài 60, Bí thư Vừ Vả Chống vẫn muốn tiếp tục phát huy giá trị kho “vàng xanh” bằng phát triển thêm dịch vụ du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Vẫn luôn khoác trên mình tấm áo màu xanh quân nhân, ông Vừ Vả Chống tất bật với “việc nước, việc nhà”. Là cựu chiến binh về với bản làng, ông tiếp tục phát huy ý chí lao động sản xuất với tinh thần không ngừng nghỉ, chiến đấu với cái đói, cái nghèo, với tệ nạn phá rừng, thông qua việc trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt nương rẫy.
Vừa bước nhanh nhẹn trên những cung đường đồi núi, ông Vừ Vả Chống vừa giới thiệu “dự án” phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng pơmu và cho biết, năm nay ông tập trung cho việc chăm sóc cây chè và triển khai dự án dịch vụ du lịch sinh thái. Những năm trước, ngoài hơn 5000 cây pơmu, ông còn trồng chè, trồng gừng và chăn nuôi trâu bò “lấy ngắn nuôi dài”. Với quy mô hơn chục con trâu bò, trong đó có cả giống bò chận, rẫy gừng, rẫy chè hơn 5ha, nuôi thêm gà đen cũng cho thu nhập đủ trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học trưởng thành.
Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Mùa Bá Giờ cho biết, bằng uy tín, sự chăm chỉ lao động và nghiêm túc, nhiệt tình trong công tác, đặc biệt là quá trình gian khổ, bền bỉ trồng rừng pơmu của mình, cựu binh Vừ Vả Chống đã khơi dậy phong trào trồng rừng ở Huồi Tụ. Học tập Bí thư Vừ Vả Chống, hơn 30 hộ dân ở Huồi Tụ cũng đã bắt tay vào trồng rừng.
Trồng cây cho con cháu mai sau
Không chỉ riêng ở Kỳ Sơn, trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ, những tấm gương của những “cây cao bóng cả” trong gia đình thực hiện trồng cây gây rừng không còn hiếm gặp. Ví như ông Vi Văn Nhất bản Long Thắng (bản Na Xai cũ) của xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Trong căn nhà nhỏ nép dưới chân đồi, ông Vi Văn Nhất đã hơn 70 tuổi, sức khoẻ hiện không được tốt bởi căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng khi biết chúng tôi tới hỏi chuyện về cách trồng cây samu dầu quý hiếm, ánh mắt ông ánh lên niềm vui tươi.
Ông Vi Văn Nhất đã trồng cây samu được hơn 20 năm, hiện nay trong vườn đồi của gia đình có gần 20 cây samu cao lớn. Cây to nhất có đường kính 1 người ôm không xuể. Từ góc nhà nhỏ của ông nhìn lên đồi có thể thấy rất rõ hàng cây samu cao lớn hơn 20 năm tuổi mọc sừng sững, ngay hàng thẳng lối. Ông Nhất chỉ tay về phía những cây cao lớn, miệng cười tươi bộc bạch: “Tôi lấy hạt ươm hàng trăm cây, hơn 20 năm mới chăm được chừng đó cây sống sót, xanh tốt”.
“Nếu biết cách xử lý thì số hạt nảy mầm lên cây rất nhiều. Ban đầu tôi lấy hạt về trồng, chưa biết cách nên cây chết nhiều, chết dần dần. Sau một quá trình dài mới phát hiện ra loài samu dầu thích cái gì, thích ở như thế nào, nên mới sống được mấy cây cho đến ngày nay thôi” – ông Nhất cho biết.
Ban đầu ông ươm được hàng trăm cây, nhưng chúng cứ chết dần, còn lại khoảng 60 cây. Số cây này ông trồng dọc theo các con dốc bên đồi của gia trại. Tuy nhiên, khi cây đã lớn, thân to bằng ngón chân cái rồi nhưng vẫn bị chết gần hết. Không nản lòng, ông lại nghiên cứu, tìm cách che chắn để cứu các cây còn lại bằng cách trồng cây sắn tạo bóng che mát cho cây samu con, chọn nơi im mát và độ ẩm cao để trồng.
Ông Vi Văn Nhất bày tỏ, không chỉ yêu loài cây này, ông quyết tâm trồng samu còn là để dạy cho con cháu ý thức trồng cây gây rừng, ông muốn các thế hệ sau này có bóng mát, sống yên bình dưới bóng cây xanh. Suốt cả cuộc đời của ông gắn bó với rừng, từng là cán bộ hợp tác xã lâm nghiệp, tình yêu và tâm huyết trồng rừng đã gắn bó với ông như hơi thở cuộc sống không bao giờ tách rời.
Tiếp nối tâm nguyện của cha, con trai ông Nhất là anh Vi Văn Sơn hiện cũng miệt mài trồng rừng. Vườn đồi của gia đình anh Sơn nay đã có đủ các loài cây như samu, quế, vàng tâm, keo, sắn, mắc khén… quanh năm cho bóng mát, đem lại nguồn thu kinh tế.
Việc làm của bao thế hệ ở miền Tây xứ Nghệ, của các cán bộ, đảng viên tiên phong trồng cây gây rừng có ý nghĩa to lớn, góp phần thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng của đồng bào vùng cao vốn sinh sống gắn bó, phụ thuộc sự ưu đãi của rừng núi. Những cánh rừng vô giá bằng pơ mu, sa mu được trồng bởi mồ hôi, công sức của bao thế hệ đồng bào hàng chục năm qua đang ngày càng điểm xanh những cánh rừng nơi đại ngàn xứ Nghệ.