Những nhà vô địch Đông Nam Á đã “chiến” thế nào tại Asian Cup?
(Baonghean.vn) - Nằm trong “vùng trũng” bóng đá thế giới, nên các nước Đông Á, Tây Á và Trung Á đều không ngán khi đối đầu với các “nhà vua” Đông Nam Á. 4 nhà vô địch Đông Nam Á không có vé đến VCK Asian Cup, nếu đến cũng sớm bị loại ngay vòng bảng (Thái Lan 2 lần).
Tính đến thời điểm này, chỉ có duy nhất Australia được tính trong khu vực Đông Nam Á lên ngôi vô địch Asian Cup 2015, còn 15 chức vô địch đều thuộc về khu vực khác. Thành tích tốt nhất khu vực do Myanmar nắm giữ, chức Á quân Asian Cup 1968, cách đây 50 năm.
Nếu chỉ tính thành tích của các nhà vô địch Đông Nam Á thì thành tích còn tệ hơn nữa. Nên sức ép đang đè lên vai HLV Park Hang-seo và các học trò là làm thế nào để để lại dấu ấn ở giải đấu tụ hội 24 anh tài sân cỏ châu lục.
Số phận hẩm hiu
Không kể Việt Nam, nhà vô địch AFF Cup 2018 thì trước đó có 6 “nhà vua” Đông Nam Á nhưng chỉ có 2 đội tuyển có vé dự Asian Cup. Đó là Thái Lan với Asian Cup 1996 và 2004 nhưng họ đã phải nhận 6 trận thua, thủng lưới 22 bàn và chỉ ghi được 2 bàn thắng. Có vẻ như ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục không phải là “sàn diễn” cho các ông vua sân cỏ Đông Nam Á.
Thái Lan, 2 lần trong tư cách Nhà vô địch AFF Cup tham dự Asian Cup nhưng đều bị loại sớm. Ảnh: Foxsports |
Năm 1996, Thái Lan trở thành nhà vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên sau đó 3 tháng, “đoàn voi chiến” của xứ sở Chùa Vàng thua tan nát tại VCK Asian Cup tổ chức tại UAE. Nằm ở bảng B cùng với các đội Iran, Iraq, Saudi Arabia, Thái Lan để thua cả 3 trận: 0-6 trước Saudi Arabia, 1-3 trước Iran và 1-4 trước Iraq và tất nhiên là phải dừng chân ngay từ vòng bảng.
4 năm sau, VCK Asian Cup 2000 tại Liban thậm chí nhà ĐKVĐ Đông Nam Á khi đó là Singapore (vô địch Tiger Cup 1998) còn không có mặt do bị loại từ vòng bảng. Sân chơi Asian Cup không vì thế mà buồn vì Nhật Bản đã vô địch rất xứng đáng.
Thái Lan là đương kim vô địch Đông Nam Á (vô địch năm 2002) tham dự VCK Asian Cup tổ chức tại Trung Quốc vào giữa tháng 7/2004. Ba trận đấu, họ thủng lưới 9 bàn và chỉ có được 1 bàn thắng, đó là thua: 0-3 trước Iran, 1-4 trước Nhật Bản, 0-2 trước Oman. Năm đó, Iran đội bóng nằm cùng bảng với Thái Lan chung cuộc đứng thứ 3.
Singapore lên ngôi vô địch AFF Cup 2007 nhưng lại vắng mặt ở VCK Asian Cup 2007 do không vượt qua được vòng loại. Ở giải đấu năm đó, trong số 4 quốc gia Đông Nam Á là đồng chủ nhà, Việt Nam là đội duy nhất vượt qua vòng bảng. Chúng ta tiến một mạch vào tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch châu Á sau đó là Iraq.
Đến lượt nhà vô địch AFF Cup 2010 là Malaysia đã không có cơ hội để thể hiện mình ở VCK Asian Cup 2011 do không vượt qua được vòng loại. Đó cũng là giải đấu mà Đông Nam Á không hề có đại diện nào ở vòng chung kết.
Gần đây nhất, Thái Lan sau khi đăng quang ngôi vị quán quân ở AFF Cup 2014 cũng đã không thể kiếm vé đến Australia dự VCK Asian Cup 2015 diễn ra ngay sau đó do không thể vượt qua được vòng loại.
Phân tích nguyên nhân thì nhiều nhưng rõ nhất là thành tích của các đội bóng Đông Nam Á, kể cả Thái Lan thiếu sự ổn định. Có thể lên ngôi vô địch AFF Cup nhưng lại chuốc thất bại ngay tại vòng loại Asian Cup. Phần nữa, trình độ bóng đá khu vực Đông Nam Á còn thấp hơn so với khu vực khác, nên 2 “ông vua” tham dự Asian Cup cũng sớm bị loại từ “vòng gửi xe”.
Ông vua thứ 3
Việt Nam là nhà vô địch AFF Cup thứ 3 có mặt tại giải đấu danh giá nhất khu vực. Ảnh: Trung Kiên |
Như vậy, Việt Nam là nhà vô địchAFF Cup thứ 3 có mặt tại giải đấu danh giá nhất khu vực, sau Thái Lan (2 lần). Kết quả vòng bảng Asian Cup 2019 không đơn thuần là thành tích của Việt Nam, Quang Hải và các đồng đội có trọng trách trên vai là phải chứng tỏ được mình là nhà đương kim vô địch Đông Nam Á.
Chưa có “nhà vua” Đông Nam Á nào lọt qua vòng bảng, thậm chí kiếm được 1 trận thắng tại sân chơi này. Không biết thầy trò HLV Park Hang-seo có thể viết lại được lịch sử và phá được cái dớp này hay không?