Nhùng nhằng thỏa thuận 'tay 3' Mỹ - Taliban - Afghanistan
(Baonghean) - Taliban sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Chính phủ Afghanistan chừng nào 5.000 tù binh của lực lượng này chưa được thả. Đây là tuyên bố mới nhất của người phát ngôn lực lượng Taliban sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ, đồng thời là tín hiệu xấu cho thấy những khó khăn trong việc thực thi thỏa thuận này.
Theo người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban, lực lượng này đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Chính phủ Afghanistan.
Tuy nhiên, Taliban khẳng định sẽ chỉ tham gia các cuộc đàm phán sau khi 5.000 tù binh của Taliban được thả. Đây là một trong những điều khoản đã được Mỹ và Taliban thỏa thuận trước đó, theo đó, Chính phủ Afghanistan sẽ thả 5.000 tù binh của Taliban và Taliban cũng thả 1.000 tù binh của chính phủ trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán vào ngày 10/3.
Taliban nối lại các hoạt động tấn công bạo lực nhằm vào quân chính phủ. Ảnh: Stars and Stripes |
Tuyên bố của Taliban được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng khẳng định không thả tù binh của Taliban. Theo ông Ashraf Ghani, việc có thả tù binh Taliban hay không là quyền của Chính phủ Afghanistan và điều đó sẽ được đàm phán giữa chính phủ với Taliban chứ không phải giữa Taliban với Mỹ. Ông Ashraf Ghani cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đề cập với ông về điều kiện thả tù binh trước khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Một tín hiệu xấu nữa cho thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban là Taliban đã nối lại hoạt động tấn công bạo lực bằng một vụ đánh bom ở tỉnh Khost khiến 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Người phát ngôn của Taliban tuyên bố tuần lễ giảm bạo lực đã chấm dứt và Taliban sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch như bình thường. Tuy nhiên, như đã cam kết với Mỹ, Taliban sẽ không tấn công các lực lượng nước ngoài mà chỉ nhằm vào lực lượng của chính quyền Afghanistan.
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã nhận được thông tin về các diễn biến không thuận lợi tại Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Mỹ đang tiếp tục làm rõ vụ tấn công tại Khost, đồng thời khẳng định việc thực thi thỏa thuận Mỹ - Taliban sẽ là một chặng đường dài và gập ghềnh, có thể phải chứng kiến nhiều lần gián đoạn, sau đó nối lại - điều đã quen thuộc trong suốt hơn 1 năm đàm phán vừa qua giữa Mỹ và Taliban. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân của Mỹ Mark Milley tỏ ra thận trọng khi nói rằng, bất chấp kết quả đáng ghi nhận trong 1 tuần giảm bạo lực trước đây, khó có thể hy vọng Taliban sẽ chấm dứt hoàn toàn các vụ tấn công bạo lực.