Những nữ thủ lĩnh trên vùng đặc thù

Với họ, việc nước hay việc nhà đều chăm lo toàn vẹn. Sinh sống và cống hiến trên những địa bàn đặc thù, họ được người dân tin tưởng lựa chọn làm đại diện cho lợi ích của mình. Là phụ nữ nhưng họ nhận và gánh lấy trách nhiệm về phía mình.

“Cặp đôi hoàn hảo” là cách mà người dân thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vẫn nói vui khi nhắc bà Trần Thị Đào và chị Nguyễn Thị Thập. Về độ tuổi, 2 người có thể được xem như mẹ và con. Bà Trần Thị Đào năm nay tròn thất thập, còn chị Trần Thị Thập vừa bước qua tuổi 45. Ấy vậy, trừ những lúc ở nhà, còn mỗi khi ra đường là họ lại sát vai bên nhau.

Bà Trần Thị Đào (giữa) và chị Nguyễn Thị Thập.

Thôn Phú Liên nằm ngay bên bờ biển, bởi thế cả ngàn đời nay người dân dựa vào sóng nước để thuyền lưới mưu sinh. Thôn có 340 hộ dân thì đến hơn 90% tham gia nghề đánh bắt, chế biến hải sản, ngoài ra nhiều hộ còn cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá. Cái “mô hình” gia đình phổ biến ở Phú Liên là đàn ông, con trai đi biển, phụ nữ trên bờ vá lưới, chạy chợ bán bưng. Chẳng thế nên các hoạt động xã hội hay việc thôn việc xã dường như cánh đàn ông đều “nhường” cho chị em. Chi ủy chi bộ Phú Liên có 3 người thì đã có 2 phụ nữ. Trong đó, bà Trần Thị Đào là Bí thư Chi bộ còn chị Nguyễn Thị Thập là Trưởng thôn. Đó là chưa kể đến 3 cán bộ chủ chốt khác của thôn cũng là nữ nhân.

Thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu).

Khi chúng tôi đến Phú Liên cũng vừa lúc “cặp đôi hoàn hảo” của thôn vừa đi hòa giải về. “Khổ lắm chú ạ! Là chuyện mẹ chồng nàng dâu. Nào có to tát chi, con thì chưa khôn khéo, mẹ thì chấp một câu nói thành ra mâu thuẫn. Nhưng ổn rồi, vui cả làng rồi” – bà Trần Thị Đào, đưa tay gạt mồ hôi đọng trên khóe mắt giãi bày. Nhân chuyện, bà cũng cho biết, có trực tiếp làm cán bộ cơ sở mới thấy đời sống lắm phức tạp. Nhà nào mất con gà cũng kêu trưởng thôn, giọt nước mái hiên của nhà này rơi sang vườn nhà kia cũng kêu bí thư chi bộ. Từ đầu năm đến nay bà Đào và chị Thập đã phải hòa giải 8 – 9 vụ việc phát sinh, và tỷ lệ thành công là 100%. Trong đó, nữ bí thư “khoe” một vụ việc thành công ngoài mong đợi. Đó là trường hợp mâu thuẫn do tranh chấp 400m2 giữa cháu dâu và mự (vợ của chú). Cũng vì miếng đất này mà khi còn sống 2 anh em ruột đã từ mặt nhau. Mâu thuẫn dai dẳng cho đến đời con. Để giải quyết, bí thư và trưởng thôn đã đi lại hàng chục lần, hết sang nhà mự lại về nhà cháu. Hết nói nhỏ rồi nói to, hết phân tích, lý giải đến lấy tấm chân tình của người phụ nữ mà khuyên bảo. Cuối cùng hai bên đã chịu ngồi lại cùng nhau, đồng tình chia mỗi bên nhận một nửa miếng đất. Biên bản có chứng nhận của cán bộ tư pháp, địa chính xã và Ban cán sự thôn. “Không chỉ có chúng tôi vui mà cả làng ai cũng phấn khởi. Ngay sau khi hòa giải thành công, gia đình 2 mự cháu “quyết” đóng góp cho thôn 20 triệu đồng. 10 triệu đồng góp để xây nhà văn hóa và 10 triệu để cải tạo ngôi đền Rết trong thôn” – chị Nguyễn Thị Thập cười chia sẻ.

Nếu như xã Quỳnh Long nổi tiếng khắp Nghệ An về nghề đánh bắt xa bờ  thì Phú Liên lại là một trong những thôn dẫn đầu xã. Phú Liên hiện có 24 tàu công suất từ 90 CV đến dưới 1.000 CV. Tất cả tàu đều đánh bắt xa bờ bằng hình thức lưới vây. Mỗi tàu giải quyết việc làm cho từ 18 – 21 người. Thu nhập bình quân ở thôn Phú Liên đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng. Thôn có khoảng 70% hộ dân có nhà 2 tầng và tỷ lệ hộ khá giàu cũng tương đương với con số này. Điều đặc biệt, gia đình nữ trưởng thôn Nguyễn Thị Thập cũng có hai chiếc tàu công suất thuộc hàng lớn nhất xã Quỳnh Long, trong đó có một chiếc được đóng theo Nghị định 67 với giá trị hơn 10 tỷ đồng. Việc nhà bận rộn trăm thứ phải lo nhưng chị Thập chưa một ngày ngơi nghỉ việc thôn. Ở Phú Liên, chị Thập là một trong số ít phụ nữ tham gia công tác xã hội sớm. Từ hoạt động phong trào cơ sở rồi tham gia BCH, Thường vụ Đoàn xã, tiếp đến là chi hội trưởng phụ nữ thôn, đến năm 2012 được nhân dân bầu làm trưởng thôn. Vậy là cũng hơn 2 khóa đảm nhận vai trò này.

‘Mô hình’ gia đình ở thôn Phú Liên là chồng theo thuyền biển, phụ nữ vá lưới kiếm thêm thu nhập.

Còn với nữ Bí thư Chi bộ Phú Liên Trần Thị Đào. Bà nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Long. Về hưu hôm trước thì hôm sau cán bộ xã, thôn đến vận động tham gia hoạt động xã hội ở địa bàn. Ở Phú Liên, nữ Bí thư Đào là người thuộc nhóm “thiểu số”, tức là không tham gia vào quá trình khai thác, chế biến thủy hải sản. Nói vậy nhưng mọi hoạt động liên quan đến nghề biển của bà con thì bà rành rẽ như lòng bàn tay.

Ở người phụ nữ 70 tuổi và có đến 15 năm tham gia hoạt động cơ sở này luôn toát lên sự gần gũi, giản dị nhưng cũng rất nghiêm nghị đúng “chất” của người làm nghề sư phạm. Cấp ủy do bà đứng đầu được xem là “cơ quan đầu não” của thôn, không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, triển khai chỉ thị, nghị quyết của cấp trên mà còn tham gia tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội ở thôn. Chi bộ có 21 đảng viên, trong đó có 13 nam, 8 nữ, mỗi đợt sinh hoạt một vấn đề được lựa chọn đưa ra bàn bạc, thảo luận. Từ việc nhỏ như tuyên truyền cho bà con ngư dân sử dụng bảo hộ lao động, trang bị áo phao, bình chữa cháy cho tàu thuyền trong quá trình sản xuất cho đến thái độ ứng xử trên biển, phương pháp đối phó khi gặp tàu cá nước ngoài… đều được đưa vào nội dung sinh hoạt của chi bộ. Nhờ vậy, nhiệm vụ chính trị của chi bộ cũng như của các đảng viên vừa bao phủ vừa nằm trong lòng đời sống thực tiễn. Năm 2012 thôn Phú Liên được công nhận danh hiệu văn hóa và chi bộ nhiều năm liền được công nhận Trong sạch vững mạnh.

Chia tay thôn Phú Liên với 2 người phụ nữ giàu trải nghiệm, chúng tôi ngược theo Quốc lộ 48 để đến với huyện vùng cao Quỳ Châu, nơi tập trung đến 70% dân số là người dân tộc Thái.

Với đồng bào vùng cao, trong văn hóa và tư duy của bà con ngàn đời nay, việc làng, việc nước là trọng trách dành cho đàn ông. Sinh ra thân phận phụ nữ thì hãy lên rẫy tra hạt, xuống suối mò cá và vào bếp thổi xôi. Người phụ nữ miền núi mà tham gia công tác xã hội ở bản làng cũng giống như con chim sẻ cưỡi trên lưng chim cắt. Ấy vậy, ở bản Luồng, xã Châu Phong (Quỳ Châu) mọi người trong cộng đồng, nhất là cánh đàn ông rất ưng và nể phục “con chim sẻ” Lữ Thị Yến – Bí thư Chi bộ bản. Đặc biệt đây là nữ bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất huyện Quỳ. Năm nay chị mới 26 tuổi và được bầu làm bí thư chi bộ cách đây vừa tròn 1 năm.

Cánh đồng chín vàng của bà con bản Luồng.

Bản Luồng cách trung tâm xã Châu Phong 7km, là một trong những bản khó khăn của xã. Bản có 99 hộ dân thì có đến 50 hộ nghèo. Hiện nay đường liên thôn liên bản vẫn chưa được bê tông hóa, chưa có điện lưới để thắp sáng, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

Trước khi đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ bản Luồng, suốt từ năm 2011 đến năm 2017 chị Lữ Thị Yến là Chi hội trưởng phụ nữ bản, thời điểm đó chị vừa tròn 18 tuổi. Qua 7 năm hoạt động tích cực, sôi nổi và hiệu quả chị được sự tín nhiệm của Đảng bộ xã và đảng viên giới thiệu và bầu chị vào cương vị Bí thư Chi bộ bản Luồng.

Chị Yến chia sẻ, ngày được tín nhiệm bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ bản chị cảm thấy hạnh phúc và tự hào, nhưng bên cạnh đó là rất nhiều lo lắng. Hơn thế, chị là đảng viên còn rất trẻ, lại là phụ nữ có con nhỏ nên nhiều lúc áp lực công việc rất lớn. Đã có lúc nữ bí thư lứa tuổi 9x muốn nghỉ lo việc nhà. Nhưng vì nghĩ đến việc chi bộ, ban quản lý bản và bà con nhân dân đã vì niềm tin mà bầu mình vào vị trí đứng đầu chi ủy, mình mà buông thì sẽ gây xáo trộn trong tư tưởng cũng như tạo ra phản ứng thiếu tích cực trong cộng đồng. Hiện Chi bộ bản Luồng có 18 đảng viên và nhiệm vụ được chị Yến vạch ra là mỗi năm phải kết nạp thêm được 1-2 đảng viên trẻ. “Chi bộ có nhiều đảng viên trẻ sẽ phát huy được sức mạnh, trí tuệ để giúp bản làng phát triển vững chắc” – Bí thư Chi bộ bản Luồng Lữ Thị Yến cho hay.

Bí thư Chi bộ Lữ Thị Yến luôn đi sâu sát để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân.

Để làm gương cho các đảng viên và nhân dân, chị Yến luôn đi đầu trong các hoạt động của bản, chị trực tiếp đến từng nhà lắng nghe bà con qua đó giúp đỡ cho những hội viên phụ nữ gặp khó khăn; thường xuyên quan tâm đến các tổ chức đoàn thể, nhất là chi đoàn thanh niên, vận động, hướng dẫn thanh niên áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Về phần mình, chị Yến còn đi đầu trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ một hộ nghèo, bằng việc mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng rừng đến nay gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Cũng nhờ vai trò và sự đóng góp của chị Yến, năm 2017 Chi bộ bản Luồng đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh.

Còn với dân bản Minh Châu, xã Châu Hạnh, ít khi người dân gọi bà Vi Thị Chương với tên cúng cơm, mọi người đều gọi là “bà trưởng bản”.

Bà Vi Thị Chương sinh năm 1963. Năm nay 55 tuổi nhưng nữ trưởng bản đã có thâm niên 21 năm tham gia công tác ở địa phương. Từng gắn bó với công tác y tế thôn bản, chi hội phụ nữ, với phong cách nói đi đôi với làm bà đã tạo được niềm tin với bà con nhân dân. Và đến năm 2005 bà Chương được người dân bầu vào vị trí Trưởng bản Minh Châu cho đến nay.

Trưởng bản Vi Thị Chương luôn gần dân, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân.

Bản Minh Châu có 47 hộ, 220 nhân khẩu, là bản dân cư có dân số ít nhất trên địa bàn toàn xã Châu Hạnh, đời sống người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp.

Bà Chương chia sẻ, những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ trưởng bản nhiều đêm bà thức trắng vì những lo lắng. Làm sao bản Minh Châu phát triển đồng đều về cả kinh tế, văn hóa khi mà cơ sở vật chất còn rất yếu. Nghĩ là làm, bà Chương đã quan tâm sâu sát đến đời sống cũng như tâm tư của người dân. Bà cũng đi đầu, từ đổi mới phát triển kinh tế, xây dựng đời sống gia đình văn hóa, dạy bảo con cái ngoan hiền, hiếu thảo và thành đạt…

Đến nay, bà Chương đã góp phần vận động bà con đóng góp xây dựng nhiều công trình như sửa sang, chỉnh trang, xây dựng đường làng, ngõ xóm, đời sống văn hóa cũng được nâng lên. Nhận xét về trưởng bản Minh Châu, ông Lang Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh chia sẻ: “Bà Chương là một đảng viên, một cán bộ thôn bản giỏi, luôn hoàn thành mọi trọng trách mà Nhà nước và địa phương giao phó”.