Những nữ tuyển thủ Nghệ An và mục tiêu... dễ thương!

Thanh Sơn - Thành Cường (Kỹ thuật: Thành Cường)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Ngày 20/10 đến với tất cả yêu thương. Trên sân tập, thảm đấu ở Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An có những người phụ nữ “được nhận” về mình những chấn thương, mệt nhọc, những giọt nước mắt thay vì những đóa hoa...

Một chiều sát ngày Phụ nữ Việt Nam, cũng như bao nhiêu chiều khác trong tuần, trong tháng, trong năm, sau buổi sáng học văn hóa, các nữ vận động viên trẻ của Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An lại về “quần thảo” cùng nhau trên sân đấu, thảm tập.

Không một ai biết rõ đã có bao nhiêu mồ hôi của các em đã đổ ra trong những ngày tháng thanh xuân này. Chỉ biết rằng: Những sân đấu, thảm tập ấy, ngày lại ngày, càng bóng lên, thẫm màu đi và những nét mềm mại của phái nữ đã được thay thể bởi sự góc cạnh của cơ bắp.

Trong buổi chiều này, tại thảm tập của bộ môn Taekwondo, 10 nữ vận động viên hăng say diễn luyện quyền, tập đối kháng dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của chuyên gia Hàn Quốc và “đàn chị” Nguyễn Thị Đường. Sau 1 động tác đá xoay khó, Đặng Khánh Nhi ngã gục xuống và không thể đứng dậy. Nhi bị lật cổ chân.

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt vận động viên trẻ 16 tuổi quê ở Nghĩa Đàn, từng đoạt Huy chương Vàng giải trẻ toàn quốc, Huy chương Bạc giải trẻ Châu Á. Nhi tấm tức khóc vì một phần đau đớn, một phần vì lo lắng cho chấn thương và khát vọng hướng tới thành tích cao của mình rất có thể bị dang dở.

Cái sự lo lắng của Nhi là rất bình thường, bởi trong thể thao sự đào thải là hết sức khốc liệt. Đã có rất, rất nhiều vận động viên tiềm năng phải ngừng, từ bỏ đam mê bởi chấn thương. Và ngay ở tại Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An cũng vậy: Theo chu kỳ 3, 6, 9, 12 tháng, Trung tâm lại có các cuộc khảo sát, đánh giá, thẩm định. Những vận động viên “được” nhận xét không còn khả năng tiến bộ, tiến bộ chậm, không thể đạt thành tích cao thì sẽ “bị” thay thế bởi những con người mới...

Vận động viên Nguyễn Thị Lâm Oanh (2 Huy chương Vàng trẻ quốc gia) vừa xoa bóp cho người đồng đội, đồng hương, đồng niên của mình vừa chia sẻ: “Những chấn thương như của bạn Nhi là rất bình thường, thường xuyên xảy ra trong tập luyện, thi đấu Taekwondo...Em cũng giống như bạn chỉ mong đừng chấn thương để có thời gian tập luyện nhiều hơn, hướng tới thành công sắp tới”.

Con đường đến thành công của một vận động viên phải trải qua những đớn đau và thiệt thòi, đặc biệt là các vận động viên nữ. Tại Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An hiện có trên 300 vận động viên, trong đó vận động viên nữ chiếm hơn một nửa.

Hầu hết tất cả các vận động viên nữ đều đến từ các vùng quê nông thôn, miền núi và họ đến đây từ rất trẻ khi chỉ mới 12-13 tuổi. Xa vòng tay của bố mẹ, các vận động viên nữ đều phải vào ký túc xá sống tự lập rất sớm. Sự hy sinh đó được gọi là đam mê, tình yêu và khát vọng.

Huấn luyện viên môn Pencak Silat Trịnh Thị Mùi (từng vô địch thế giới nhiều năm) chia sẻ: Cũng đổ công đổ sức, mồ hôi, máu và nước mắt như nhau nhưng vận động viên nữ thiệt thòi hơn phái mạnh rất nhiều. Ở những bộ môn có huấn luyện viên nữ thì đỡ, còn không thì các chị em phải tự bảo ban, giúp đỡ nhau. Tuổi nghề của vận động viên nữ rất ngắn chỉ khoảng 7-8 năm, trong khi đó yếu tố chi phối thành công thì nhiều như tác động tâm lý, đặc thù giới tính, sức khỏe, ý chí phấn đấu ... Với một vận động viên nữ duy trì, ổn định thành tích lâu dài là rất khó.

Trong thể thao, thành tích chính là thu nhập. Ở Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An, đã có những vận động viên từng đạt thành tích cao trong 9 năm và được hưởng lương, chế độ thành tích cao, thế nhưng đến năm thứ 10 không còn thành tích nữa thì lại phải quay về hưởng lương, chế độ năng khiếu theo quy định hiện hành. Vất vả, khó khăn, gian khổ nhưng phải nói rằng lương – chế độ các vận động viên không cao, dao động từ 3,2 triệu đồng – 6,8 triệu đồng (bao gồm tiền công và chế độ dinh dưỡng).

Với các vận động viên nữ, vinh quang và cay đắng luôn song hành. “Cay đắng” đó là một trạng thái thường gặp của thời kỳ “hậu vận động viên”. Khi đã đến tuổi, khi không còn có được thành tích cao, họ phải nghỉ. Lúc này, vận động viên có hai sự lựa chọn. Một là “nhận một cục” ước chừng khoảng 7-8 triệu đồng/5 năm. Hai là theo học một trường đại học thể dục thể thao để làm huấn luyện viên tiếp tục theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, để theo đuổi đam mê lại không dễ dàng khi mà nhu cầu việc làm thì nhiều mà suất tuyển dụng thì ít.

Cảm giác “bơ vơ, lạc lõng, mất phương hướng” – đó là câu chuyện của Kiện tướng Quốc gia Nguyễn Thị Đường. Đường năm nay 32 tuổi, vào làm vận động viên Taekwondo ở Trung tâm đến nay đã 16 năm. Em có nhiều cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, nước nhà khi đạt 4 Huy chương Vàng quốc gia, 1 Huy chương Bạc SEAgames, tuyển thủ Nghệ An đầu tiên lọt vào vòng loại Olympic 2011. Đường đã tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh nhưng hiện nay vẫn đang là vận động viên “ăn” chế độ năng khiếu ở Trung tâm. Không còn thi đấu nhưng chuyên môn giỏi, em làm tốt nhiệm vụ trợ giảng. Đường cố gắng trụ lại với mong muốn tột bậc: “Từ đam mê bây giờ đã thành kinh nghiệm, bỏ đi thì tiếc, ở lại chờ vào huấn luyện ở trung tâm thì chưa biết có được hay không. Mong muốn có cơ chế đầu ra cho vận đông viên”.

Ước muốn được trở thành huấn luyện viên của Đường là ước muốn chung của nhiều vận động viên nữ từng đạt thành tích cao như Kiện tướng cầu mây Nguyễn Thị Quyên  (31 tuổi, 15 Huy chương Vàng Quốc gia, 2 Huy chương Vàng thế giới, 2 Huy chương Bạc SEAgames, 2 huy chương Đồng Asiad), “Độc cô cầu bại” trong làng cổ truyền và kickboxing Ngũ Thị Thuyết (29 tuổi, 9 Huy chương Vàng Quốc gia, 1 Huy chương Bạc Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, 2 đai vô địch Let Viet).

Trao đổi cùng phóng viên về chế độ “hậu vận động viên”, ông Nguyễn Văn Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An chia sẻ: Đây vẫn đang là một bài toán khó cho thể thao Việt Nam. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An đang xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2020.

Đề án có 3 nội dung quan trọng, đó là có cơ chế đặc thù cho vận động viên xuất sắc học qua đại học được giữ lại làm huấn luyện viên hợp đồng ở các môn còn thiếu; có kinh phí học nghề cho các vận động viên giải nghệ; có mức tiền công tính theo hệ số lương để giữ lại các vận động viên xuất sắc.

Từ đam mê, khát vọng vinh quang đến ước mong được cống hiến đang là một câu chuyện dài, chưa hồi kết. Song không vì thế mà những nữ vận động viên trẻ hôm nay thiếu cái nhìn lạc quan, yêu đời. Khát vọng vươn đến đỉnh vinh quang, cháy hết mình với tuổi trẻ vẫn đang thôi thúc họ hăng say tập luyện. Các kiện tướng như Nguyễn Thị Đường, Nguyễn Thị Quyên, Ngũ Thị Thuyết... là tấm gương, đích ngắm cho các nữ vận động viên vươn tới, vượt qua.

 
Để có được thành tích cao, nữ vận động viên phải không ngừng nỗ lực tập luyện.
 Để có được thành tích cao, nữ vận động viên phải không ngừng nỗ lực tập luyện.

Ngày 20/10 – Ngày Phụ nữ Việt Nam đến, trên sân đấu, thảm tập, các nữ vận động viên Nghệ An vẫn hăng say, kiên cường tập luyện. Mỗi người trong số họ lại có những ước vọng, dự định rất...dễ thương. Các nữ vận động viên trẻ như Nguyễn Thị Lâm Oanh (16 tuổi, Taekwondo), Hà Thị Mùi (15 tuổi, Huy chương Đồng toàn quốc Muya Thái) thì mong sức khỏe, thi đấu tốt, có thành tích cao cho tỉnh nhà; còn Vang Thị Quỳnh Như (15 tuổi, Huy chương Đồng toàn quốc Muya Thái) và Lê Thị Dung (18 tuổi, Cầu mây) thì bằng số tiền lương ít ỏi của mình sẽ mua tặng mẹ bông hoa cộng thêm đôi dép và chiếc áo; Đặng Khánh Nhi mong có 1 bạn gấu bông để tâm sự chia sẻ buồn vui.../.

tin mới

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.