Những ô cửa thương nhớ

 

Tôi quen Hà ở một góc chợ Quang Trung này, thời Hà còn chạy chợ buôn bán lặt vặt. Cái cô gái nhỏ nhắn, tay chân thì nhanh thoăn thoắt, mồm miệng khéo léo dễ gần, cứ ngỡ trong cô chỉ có sức sống và niềm vui. Ấy thế mà cuộc đời Hà lại lắm nỗi buồn bã, truân chuyên.

Cô nói, cô là dân miệt quê nghèo Đô Lương, lấy được chồng thành phố, ở một trong những dãy nhà C của Khu tập thể Quang Trung này. Chồng cô cũng là dân lao động, ai thuê gì làm nấy, rồi nghề “bền vững” nhất là chạy xe ôm.

Cuộc sống gia đình, sau những ngày đầu êm thấm ngắn ngủi rồi cũng là sóng gió. Hà chỉ cho tôi căn phòng trên tầng 4 mà Hà đang sống chung với gia đình nhà chồng. Một căn phòng hơn 30 mét vuông, đua thêm ra một cái “chuồng cọp” chừng dăm ba mét vuông nữa, ban đầu là để phơi áo quần và để đồ lặt vặt. Có hồi, còn kê được một cái bàn nhỏ với cái ghế tựa để bố chồng Hà thỉnh thoảng ra hút thuốc lào. Thế rồi, tự lúc nào, cái ô “chuồng cọp” ấy lại là chỗ cho Hà giấu nước mắt.

Hà nói, chuyện cãi vã, xích mích cũng là chuyện thường thấy của bất cứ gia đình nào thôi, nhưng buồn nhất là mãi mà 2 vợ chồng Hà chưa có con. Hà nói mình chỉ còn cách tránh cái ánh mắt dò xét, nghi ngại của cả nhà khi lẩn vào phơi quần áo, hay lấy cớ soạn đồ gì đó nơi cái ô nhỏ bằng sắt và thép vây kín ấy. Có những lúc, đứng giữa những tấm lưới thép, cô nghĩ mình đang tự vây hãm đời mình. Và cô quyết…

Hà về quê. Vợ chồng Hà có thời gian dài ly thân. Vắng tiếng lanh lảnh của cô một góc chợ sáng. Để rồi, một ngày kia, tôi gặp Hà trở lại. Hà nói, mình vẫn còn thương anh chồng, vẫn thương bố mẹ chồng già lụi cụi. Cô bẽn lẽn kể, xa rồi, vẫn thấy nhớ cái ô cửa chung cư, nhớ cái “chuồng cọp” nơi mình giấu nước mắt.

Từ cái ô cửa bé nhỏ, Hà đã nhìn thấy bao gia đình người hàng phố quanh mình, những nhà buôn bán vặt, nhận gia công sản phẩm tại gia, những cô gái mở cửa hiệu cắt tóc, gội đầu, làm móng, những quán xôi, bún, bánh nghi ngút khói và những đôi vai tảo tần của bao người. Cũng từ ô cửa ấy, Hà nghe tiếng chợ lao xao dưới kia, lũ trẻ í ới giờ đi học, giờ tan trường, giờ tắm rửa, giờ học bài.

Hà nghĩ về ao ước của mình, sẽ sinh cho chồng những đứa con, chăm bẵm chúng lớn lên bằng gánh quà vặt bán trong chợ, mặc chúng cười đùa la hét trong nỗi mỏi mệt của mình… Khi nghĩ về những điều ấy, lòng cô lại ngập thương yêu. Hà về lại căn nhà hơn 30 mét vuông, nhìn lại cái “chuồng cọp”, nhìn lại 2 bậu cửa sổ cũ kỹ tróc lở với những vệt nước ẩm bao năm loang dài lưu cữu. Cô mua về mấy chậu cây hoa trồng trong “chuồng cọp”. Mua ít thùng xốp để trồng rau diếp, mồng tơi. Hà dành thời gian tưới cây và ngắm hoa mỗi ngày. Cũng trong ngần ấy mét vuông, cuộc đời bõng nhẹ nhõm hơn khi Hà thấy những mầm cây xanh tươi run rẩy hé lên dưới bàn tay cô. Cô nói mình đang dành dụm tiền để đi khám bệnh, cô tin ông trời rồi sẽ thấu mong mỏi của cô, như cách cô đã tin yêu vào những mầm xanh mình trồng.

Hà cũng chỉ là một con người, một số phận trong hàng trăm những con người, những số phận đi về trong những dãy chung cư cũ kỹ của thành Vinh. Những dãy chung cư đã một thời ghi dấu ấn lịch sử, mọc lên từ những đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh trên mảnh đất này. Hà cũng như tôi, không phải người phố Vinh, nhưng đã góp mặt mình vào phố, bằng cách này hay cách khác, để rồi có lúc giận phố, và yêu phố, yêu cái nơi mình ở, cái âm thanh chạm vào mình mỗi ban mai, yêu cái ô cửa dầu tróc lở nhưng đã in dấu những buồn vui, là nơi ngóng đợi một niềm vui, nơi bay thả nỗi buồn và là nơi phấp phỏng nuôi những hy vọng.

Khác với Hà và tôi, Thắng lại có một tình yêu máu thịt, như lẽ tự nhiên với những khu nhà cũ kỹ này. Thắng là người Vinh, sinh ra lớn lên ở nhà B2. 40 năm qua, Thắng không rời xa nó. Thắng nói, với mình và những lứa trẻ lớn lên ở chung cư, có cả kho tàng ký ức tươi đẹp về nó, đặc biệt là những ô cửa sổ.

Nhà Thắng là dạng “nhà có buồng” (rộng hơn so với các nhà “không buồng” khác) tầm hơn 40 mét vuông, có tới 3 cửa sổ (các nhà “không buồng” thì có 2 cửa). “Ngày xưa, cửa sổ cũng chỉ là nơi lấy sáng, những song sắt thưa huếch hoác, chẳng có “yếu tố” chống trộm như giờ đâu. Mỗi lần mình đi học về muộn, bố mẹ đi làm chưa về, mình toàn chui qua song sắt của sổ để vào nhà” – Thắng kể. “Nhà mình hồi ấy có cái ti vi đen

trắng, mỗi khi mở là hàng xóm tầng trên tầng dưới kéo đến xem chật nhà, nhiều người còn bíu kín cả cửa sổ để xem. Ôi những ngày vất vả, khổ nghèo mà ấm áp lắm. Cả chung cư ấy, nhưng ai cũng biết ai, cũng thuộc hết “lai lịch” về nhau”.

Rồi lớn lên, đi học, trưởng thành, Thắng làm kinh doanh nhưng có thú mê ảnh. Những khu chung cư, những ô cửa nhỏ là niềm đam mê bất tận của Thắng. Nhìn vào sau những ô cửa ấy, Thắng như thấy chính mình: cậu bé nghịch ngợm vẽ đầy hình trên bàn học, cái cậu bé mải nhìn lén ra ban công chờ tiếng bạn gọi, cái cậu bé mỗi lần bị đánh đòn lại ôm chặt lấy song sắt mà tức tưởi… Nhìn sau ô cửa ấy, thấy những gương mặt người già đăm chiêu, lặng lẽ. Thấy những đôi tay mải miết lần mép vải trên chiếc bàn máy khâu cũ lạch xạch. Hay một chú mèo ngồi lim dim bên lọ hoa đã bắt đầu úa trên bàn… Thắng lại tưởng tượng ra những câu chuyện sau những khoảnh khắc lặng lẽ mà mình nhìn thấy, mình thu được trong ống kính. “Sau những ô cửa kia chính là cuộc sống của một gia đình, của những phận người”.

Tôi cũng nghĩ như Thắng, mỗi lần đứng nhìn lên những ô cửa chung cư. Tôi như thấy lao xao trong đó, nếp sống thị dân nào xưa cũ lắm. Cũ càng như chính những bậu cửa loang nước, như cái màu sơn vàng nhờ nhạt lên rêu thẫm kia, như những bậc cầu thang sứt sẹo, trơ vơ đến lòi cả những thanh thép hoen gỉ… Mỗi khi phố xá lên đèn, nhìn đến những ô cửa ấy, tôi lại muốn gọi đó là những con mắt buồn. Đúng rồi, những con mắt buồn của tôi, những con mắt buồn của phố…

Sao tôi có thể quên, những ngày xa ấy, khi con đường Quang Trung chưa tấp nập, hào nhoáng như giờ. Thì chính những con mắt ấy, đón tôi lần về những đêm khuya khoắt, những sáng sương mờ trên chuyến tàu hỏa cập ga Vinh. Những đốm đèn nhấp nháy sáng, để cho tôi biết rằng đâu đó, vẫn có người chưa ngủ, hay vẫn có người sớm dậy đón tôi – một người lữ khách tha hương về cùng với phố.

Tôi luôn hình dung nhà tầng Quang Trung vẫn đang hiện diện trên phố Vinh hiện đại hôm nay là 1 người già đang hoài niệm về những tháng năm xưa cũ.

Người già đó, với gương mặt hằn vết thời gian, với những sợi tóc phôi pha sương gió, đang trầm tĩnh và bình thản chờ đón sự tan biến của chính mình. Như thể một giấc mơ luôn phải đến lúc kết thúc, để nhường đêm cho một giấc mơ khác.

Những dãy nhà tường vàng lở lói, những lan can đơn sơ, cụm hoa giấy đỏ chói giữa trưa tháng Tư dịu nắng, trước sân khu tập thể, bọn trẻ con rủ nhau vui chơi, những dây phơi quần áo giăng chằng chịt trước hiên nhà, ở đó những màu vải đua nhau sặc sỡ… Tiếng trẻ con gọi nhau, tiếng bước chân giẫm xuống nền cầu thang cũ kĩ, tiếng gió len vào khe cửa gỗ. Và những ô cửa sổ, chúng dường như luôn mở để nhìn ra bên ngoài. Chúng nhìn ra rộn ràng thành Vinh, ẩn chứa phía bên trong một thế giới khác, vừa đơn sơ vừa bí ẩn nhưng đang dần trở nên lạc lõng…

Các khu nhà cao tầng ngày một nhiều hơn, người Vinh cũng quen đi cầu thang máy thay vì chạy bộ lên những căn hộ chung cư cao tầng. Những khu tập thể cũ vẫn im lìm đứng đó, như một nốt nhạc lạc điệu trong bản giao hưởng rộn rã hiện đại. Tôi vẫn biết, những thứ cũ kĩ và lạc hậu sẽ mất đi như một quy luật cuộc sống, nhưng tôi cũng hiểu rằng, không phải tất cả những thứ mất đi hay bị thay thế đều

không đẹp, không có giá trị. Thậm chí chúng đã từng rực rỡ và giờ đây có thể vẫn rực rỡ trong cái vẻ hoang tàn.

Tôi, cũng như bao nhiêu cư dân phố Vinh này, sẽ yêu và mãi nhớ chúng, kể cả khi đến một ngày kia, chúng khép lại con mắt buồn và tan biến…

[author]Bài: Thùy Vinh
Ảnh: Trung Hà – Hải Vương – Nguyễn Thành
Thiết kế và Kỹ thuật: Hà Giang[/author]