Những ổ dịch phức tạp ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Hiện nay, dịch Covid-19 ở Nghệ An đã lây lan hầu hết các địa phương. Nhiều địa phương phát hiện một số ổ dịch phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, với số F0 lên đến hàng trăm chỉ trong thời gian ngắn.
Tính đến ngày 12/2, trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận tổng cộng gần 29.000 ca nhiễm Covid-19, phần lớn trong số này được phát hiện trong vòng 1 tháng qua. Hiện nay, mỗi ngày trung bình số F0 ghi nhận đã vượt 2.000 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, số người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn rất lớn. Do không làm xét nghiệm diện rộng và phần lớn ca bệnh lại không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không phát hiện ra.
Đơn cử như trong ngày 11/2, toàn tỉnh chỉ làm test nhanh với hơn 10.000 người, nhưng đã phát hiện hơn 2.100 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, cứ trung bình lấy mẫu xét nghiệm chưa đến 5 người, thì phát hiện một người nhiễm Covid-19.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra tại một trạm y tế lưu động. Ảnh: Trung Thành |
Tại TP Vinh, từ ngày 29/1 đến nay, đã ghi nhận hơn 1.700 ca nhiễm Covid-19, phân bố đều tại 25 xã, phường. Không có ổ dịch nổi cộm nhưng trong cộng đồng phân bố đều (như phường Vinh Tân 137, Hưng Dũng 97, Trường Thi 81, Hưng Bình 75, Bến Thủy 68).
Tại huyện Yên Thành, đợt dịch này đã ghi nhận hơn 1.800 F0. Ổ dịch phức tạp nhất ở huyện này là ổ dịch ở xã Thịnh Thành. Theo đó, ngày 28 tết Nhâm Dần, một nhân viên trường mầm non phát hiện nhiễm Covid-19 khi làm xét nghiệm. Ngay trong ngày, khi tiến hành xét nghiệm những người liên quan như học sinh, giáo viên, phụ huynh, cơ quan y tế phát hiện thêm 100 F0 khác. Huyện Yên Thành sau đó đã phải trưng dụng luôn trường mầm non để làm cơ sở thu dung, điều trị F0 với quy mô hơn 100 giường. Tuy nhiên, ít ngày sau, khi tiếp tục tiến hành xét nghiệm những người liên quan khác, ổ dịch này xuất hiện thêm 100 F0 nữa. Đến nay, xã Thịnh Thành đã ghi nhận hơn 240 ca nhiễm Covid-19 trong đợt này. Ổ dịch này được đánh giá là siêu lây nhiễm, với tốc độ lây lan nhanh.
Tại huyện Nam Đàn, ông Hồ Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, chỉ tính riêng từ ngày 28 tết Nhâm Dần đến nay, toàn huyện đã ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh Covid-19, trong đó phức tạp nhất là ổ dịch tại xã Thượng Tân Lộc. Ổ dịch này bắt đầu ghi nhận từ ngày 4/2 (mùng 4 tết Nhâm Dần), khi một cô giáo mầm non có triệu chứng nên đến làm xét nghiệm tại trung tâm y tế huyện. Kết quả sau đó cho thấy, cô bị nhiễm Covid-19. Cô này lại đang là thành viên ca đoàn của một giáo xứ trên địa bàn, nên có lịch trình tiếp xúc dày đặc. Đến nay, chỉ sau hơn 1 tuần, số ca bệnh tại xã này đã vượt 400 ca.
Hiện nay không còn chiến dịch xét nghiệm diện rộng nên số F0 trong cộng đồng được nhận định còn rất nhiều. Ảnh: Tiến Hùng |
Tại huyện Nghi Lộc, đợt tết Nguyên đán này cũng đã ghi nhận gần 1.500 ca nhiễm Covid-19. Các ổ dịch phức tạp gồm ổ dịch ở xã Nghi Diên, xuất hiện từ 1 gia đình nhưng đến nay đã ghi nhận hơn 120 F0 liên quan; ổ dịch tại xã Nghi Phương hơn 90 ca và ổ dịch Nghi Thạch 65 ca; Nghi Quang hơn 80 ca…
Tại Thanh Chương, đến nay đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19, những ngày sau đợt nghỉ Tết, trung bình huyện này phát hiện khoảng 100 F0 mỗi ngày. Trong đó có 2 chùm ca bệnh đáng quan tâm là tại nhà thờ Giáo xứ Thanh Khê và Giáo xứ Thanh Ngọc…. Mới đây, trên địa bàn lại xuất hiện thêm một chùm ca bệnh tại Giáo xứ Thanh Giang được đánh giá là rất phức tạp.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.800 ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên chỉ tính riêng đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 2.100 ca. Ổ dịch phức tạp nhất trên địa bàn huyện này là ở xã Quỳnh Đôi. Ổ dịch này chỉ mới xuất hiện mấy ngày, nhưng đến nay đã có 145 người dương tính. Những ngày gần đây, số F0 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã có dấu hiệu gia tăng. Trong ngày 11/2, số ca bệnh lập kỷ lục vượt 200 ca trong một ngày. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong buổi sáng 12/2, huyện này đã phát hiện 243 người nhiễm Covid-19.
Ngoài các ổ dịch phức tạp này, các ca cộng đồng xuất hiện nhiều rải rác không rõ nguồn lây tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, TX Hoàng Mai...
Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, CDC Nghệ An đề nghị phải tăng cường rà soát, phát hiện các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp có triệu chứng để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Vận động người trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước khai báo y tế.
Đồng thời, phải tiếp tục phát huy vai trò của tổ COVID cộng đồng với vai trò và phương châm mới “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tìm các đối tượng chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ để vận động họ tham gia tiêm chủng đầy đủ; Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động cách ly y tế tại nhà. CDC Nghệ An cũng đề nghị các BCĐ các huyện, thành, thị và các phường, xã không được lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Đối với các địa phương có cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn cần kiểm tra giám sát chặt các phương án, kế hoạch phòng chống dịch của các nhà máy, cơ sở sản xuất đó. Liên tục rà soát, xét nghiệm tần suất để tách F0 nếu có ra khỏi phân xưởng nhà máy, tránh lây ra cộng đồng dân cư. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân được biết cũng như hỗ trợ chung tay phòng chống dịch và hưởng ứng tiêm vắc xin phòng COVID-19.