Những 'ông trùm' tài chính vướng vòng lao lý

06/08/2017 07:53

Một loạt các sếp lớn ngân hàng phải hầu tòa từ năm 2014 đến nay kéo theo hàng trăm cán bộ ngân hàng cũng phải vướng vòng lao lý.

Các ông trùm tài chính một thời như Trầm Bê, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh từng thao túng các ngân hàng, làm méo mó thị trường tài chính, gây thiệt hại cho các ngân hàng và nền kinh tế quốc dân.

Nguyễn Đức Kiên - ACB

Đứng đầu trong số này là Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tháng 11/2014, TAND Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm sau khi có đơn kháng cáo kêu oan.

Quá trình thẩm vấn, Nguyễn Đức Kiên cho rằng bị oan khi cấp sơ thẩm tuyên phạt mình 30 năm tù về 4 tội danh: “Kinh doanh trái phép”, “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau nhiều ngày tranh tụng, đại diện VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm buộc tội, khẳng định việc kết án Nguyễn Đức Kiên là có cơ sở. Do đó TAND Tối cao đã tuyên án 30 năm tù giam và nộp phạt 75 tỷ đồng đối với Cựu Phó Chủ tịch ACB.

Phạm Công Danh - VNCB

Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt giam tháng 7/2014.

Kết thúc giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB. Trong đó, 63 tỷ đồng làm khống hồ sơ corebanking; 581 tỷ đồng làm khống hồ sơ thuê trụ sở, 5.190 tỷ đồng rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, 300 tỷ đồng cho vay không có hồ sơ, 903 tỷ đồng ủy thác đầu tư trái phiếu, 2.096 tỷ đồng lập công ty giả, nâng khống tài sản đảm bảo để vay vốn.

Ngày 09/06/2016, TAND TP. HCM tuyên án sơ thẩm Phạm Công Danh 30 năm tù về các tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thiệt hại cho VNCB hơn 7.000 tỷ đồng, và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của TCTD, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.000 tỷ đồng. Tại phiên phúc thẩm diễn ra tháng 1/2017, HĐXX tuyên y án đối với các bị cáo.

Ngoài các tội danh đã phải chịu, Phạm Công Danh còn đang phải đối mặt thêm tội danh ở hai vụ án khác. Theo bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm tại OceanBank, Phạm Công Danh đã bàn bạc, thỏa thuận với

Hà Văn Thắm trong việc mua bán chuyển nhượng Ngân hàng Đạỉ Tín và thống nhất Thắm sẽ hỗ trợ Danh trong quá trình tiếp nhận, điều hành tại Ngân hàng Đại Tín. Do có sự thống nhất bàn bạc trên, nên Phạm Công Danh chỉ đạo đàn em là Trần Văn Bình đứng tên thế chấp 250 tỷ đồng vốn điều lệ không có thật của Công ty Trung Dung và mượn số tài sàn chưa đủ điều kiện pháp lý của nhóm bà Hứa Thị Phấn để vay 500 tỷ đồng của OceanBank không đúng quy định của pháp luật. Đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho OceanBank. Hành vi nêu trên của Phạm Công Danh đã giúp sức cho Hà Văn Thắm phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179BLHS.

Ngoài ra, Phạm Công Danh còn là chủ mưu trong việc lập khống 6 bộ hồ sơ để vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank vào năm 2013. Do đó, Phạm Công Danh sẽ còn phải hầu tòa ở một số vụ đại án khác.

Hà Văn Thắm - OceanBank

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, sau hơn 2 năm tạm giam, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại OceanBank. Tuy nhiên sau đó TAND TP. Hà Nội đã phải hoãn phiên tòa này do có nhiều điểm cần được Cơ quan CSĐT làm sáng tỏ thêm.

Ngày 24/05/2017, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có Kết luận điều tra bổ sung. Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của OceanBank, hiểu biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối.

Tuy nhiên, để có tiền chi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank, theo yêu cầu của Sơn, Hà Văn Thắm đã có các hành vi: bàn bạc, thống nhất chủ trương “thu phí” của khách hàng vay vốn thông qua Công ty BSC; chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn (Phó TGĐ OceanBank) “thu phí” khách hàng vay vốn và phí repo tài sản/bất động sản; sử dụng Hoàng Thị Hồng Tứ (Thư ký) đứng tên Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật Công ty BSC ký khống các hợp đồng dịch vụ; chỉ đạo bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang, Phó Trưởng phòng Pháp chế OceanBank làm Tổng Giám đốc Công ty BSC để lập, ký các hợp đồng dịch vụ; giao Lê Thị Minh Nguyệt (Giám đốc tài chính) theo dõi việc “thu phí” và chi tiền cho Sơn, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng số tiền 69 tỷ đồng.

Hà Văn Thắm cùng Nguyễn Xuân Sơn là những người đồng chủ mưu, tổ chức thực hiện, phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại của OceanBank và khách hàng. Hành vi của Hà Văn Thắm phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự. Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại 69 tỷ đồng.

Trước đó, theo kết luận của Đoàn Giám định NHNN đã được gửi đến Cơ quan CSĐT, từ năm 2011-2014 OceanBank đã vi phạm chế độ kế toán thống kê và trần lãi suất huy động của NHNN. OceanBank không có chứng từ chứng minh các khoản chi số tiền 988,342 tỷ đồng và 331 tỷ đồng tạm ứng và đến nay chưa hoàn ứng. OceanBank đã trích dự phòng 100% đối với khoản hoàn ứng này, tổng cộng là 1.319,49 tỷ đồng.

Trầm Bê - Sacombank

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê (58 tuổi), nguyên là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Ông Trầm Bê bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh. Cụ thể, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những 'ông trùm' tài chính vướng vòng lao lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO