Những phim dựa trên nhân vật có thật gây tranh cãi

"Vòng Eo 56" của Ngọc Trinh hay "Dương Quý Phi" của Phạm Băng Băng gây bàn tán khi hư cấu nhiều chi tiết sự thật để tăng độ hấp dẫn.

Vòng Eo 56

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai

Cốt truyện kể về một cô gái miền Tây nghèo khó lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề người mẫu từ năm 15 tuổi. Nhờ nhan sắc và hình thể nóng bỏng, cô bị nhiều người chèo kéo dắt mối đi làm gái bán hoa. Tuy nhiên, người đẹp luôn giữ mình để cuối cùng đổi đời nhờ sự giúp đỡ của một đại gia.

Ngọc Trinh đóng chính trong dự án có ngân sách 10 tỷ và do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện. Chân dài khẳng định: "Có 70% sự thật về chuyện đời tôi trong phim, còn lại là vài yếu tố thêm thắt, hư cấu để cho ra một tác phẩm điện ảnh".

Sau khi ra mắt vào ngày 6/4, phim được đánh giá có chuyên môn làm phim ổn nhưng không thuyết phục được nhiều người ở chi tiết 70% nội dung là sự thật. "Phim đánh bóng tên tuổi cho Ngọc Trinh bằng các cảnh đáng thương nhằm lấy nước mắt người xem", một cây viết khẳng định và cho rằng êkíp cố tình che đi nhiều sự thật ở phần đời showbiz. 

Trong khi một số khán giả cho rằng Ngọc Trinh không hề ngây thơ, ngốc nghếch một cách trong trắng như nhân vật, số khác bày tỏ cảm giác hụt hẫng khi phần đời của cô từ khi lên Sài Gòn kiếm sống được xây dựng hời hợt và phi thực tế. Ở phần này, quá trình yêu đương của hai nhân vật chính được đẩy quá vội nên cũng làm người xem khó tin vào tình yêu chân chính như phim đề cập.

Dương Quý Phi 

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-1

Ra mắt tháng 7 năm ngoái, phim dã sử Dương Quý Phi của Phạm Băng Băng gây tranh cãi lớn trong cộng đồng người yêu phim cổ trang Hoa ngữ. Tác phẩm làm về Dương Quý Phi (mỹ nhân nổi tiếng thời nhà Đường). Tuy nhiên, phim thần tượng lãng mạn bị chỉ trích xuyên tạc nhiều chi tiết lịch sử để đạt được mục đích tạo kịch tính và lãng mạn hóa câu chuyện.

Trong phim có chi tiết Dương Ngọc Hoàn (tức Dương Quý Phi) yêu hoàng tử thứ 18 của vua Đường Huyền Tông từ năm 14 tuổi trước khi cưới nhà vua vài năm sau. Tuy nhiên, chi tiết này sai sự thật với lịch sử bởi giữa Dương Ngọc Hoàn và hoàng tử Thọ Vương chưa hề có chuyện tình ái dẫn đến cuộc tình tay ba như trong phim. Ngoài ra, phim cũng gây tranh cãi làm lố bịch hóa cuộc sống thời phong kiến khi chưng diện nhiều trang phục hở hang khêu gợi quá đà cũng như có các cảnh gợi dục ngoài trời. 

Diệp Vấn 

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-2

Diệp Vấn là bộ ba phim làm về bậc thầy môn võ Vịnh Xuân Quyền. Phim do đạo diễn Viên Hòa Bình thực hiện có Chân Tử Đan đóng chính. Hóa thân thành nhân vật lịch sử có thật, Chân Tử Đan dành vài tháng chuẩn bị cho vai diễn. Ngoài việc tập luyện Vịnh Xuân, anh đến nhà các con trai Diệp Vấn để tìm hiểu cuộc đời sư phụ. Trên trường quay, nam diễn viên nhập hồn vào vai diễn tới nỗi sau khi phim đóng máy, anh vẫn giữ lối sống như khi đang đóng Diệp Vấn, mặc áo dài thụng, đi đứng và ăn nói giống hệt nhân vật.

Khi mỗi phần lần lượt ra mắt vào các năm 2008, 2010 và cuối năm ngoái, phim đều thành hiện tượng ăn khách với người hâm mộ điện ảnh châu Á. Thành công của phim kéo theo hàng trăm lò võ Vịnh Xuân được mở ra ở Trung Quốc và châu Á. Chân Tử Đan được đánh giá là người có công phổ biến môn võ truyền thống này tới công chúng.

Tuy nhiên, tác phẩm bị không ít người tẩy chay đã hư cấu hóa hàng loạt chi tiết cốt truyện để đạt được hiệu quả kịch tính. Trong phần một, phim kể về Diệp Vấn từ lúc gia thế giàu có lâm vào cơ cực vì chiến tranh Trung Nhật. Bộ phim bỏ qua sự thật Diệp Vấn là cảnh sát, còn cảnh phim Diệp Vấn thách đấu tướng Nhật là hư cấu. Phần hai và phần ba tập trung vào giai đoạn Diệp Vấn sang Hong Kong sau năm 1949 và đều khai thác cảnh đánh võ kịch tính nhằm làm mãn nhãn người xem.

Steve Jobs 

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-3

Ngay sau khi ra mắt ở Liên hoan Venice vào tháng 9/2015, Steve Jobs trở thành phim tiểu sử gây tranh cãi nhất năm. Cốt truyện lột tả hai mặt con người Steve Jobs. Cùng lúc thiên tài đam mê công việc tới cực đoan, ông gây hấn với mọi người, làm ảnh hưởng tới bạn gái, gia đình và cả sức khỏe bản thân.

Trong khi phim được ca ngợi có kịch tính xuất sắc, những người thân thiết của Steve Jobs khẳng định phim hư cấu nhiều hơn tiểu sử. Steve Wozniak - cộng sự gắn bó Steve Jobs từ những năm 20 tuổi, kiêm cố vấn cho phim - nói sau khi xem tác phẩm: "Những gì Seth Rogen thể hiện trên màn ảnh không giống con người tôi ngoài đời. Ai quen tôi đều biết rằng tôi không thể nói những điều tiêu cực về người khác, nhất là trước mặt họ".

Barry Hertz của The Globe and Mail đánh giá Aaron Sorkin đã bẻ cong sự thật để làm phim kịch tính hơn, tương tự như với phim The Social Network. Joe Nocera - phóng viên công nghệ của tờ New York Times từng nhiều lần phỏng vấn Steve Jobs khi ông còn sống - chỉ trích phim gay gắt. Ông viết: "Aaron Sorkin và cộng sự đã tạo ra chân dung một Steve Jobs hoàn toàn từ tưởng tượng. Các chi tiết như Steve Jobs làm hòa với con gái Lisa hồi 1998, hoàn toàn không đúng sự thật. Phim này là trò lừa đảo nếu được coi là phim tiểu sử".

Grace of Monaco

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-4

Grace Of Monaco kể về Grace Kelly, ngôi sao Hollywood trở thành Công nương xứ xứ Monaco sau khi kết hôn với Thái tử Rainier III vào năm 1956. Lấy bối cảnh khi quốc gia bé nhỏ đang có nhiều căng thẳng chính trị với Pháp, tác phẩm xoáy vào những năm đầu nhiều trắc trở khi Công nương Monaco vừa về nhà chồng. 

Ngay sau khi chiếu mở màn tại Liên hoan Cannes 2014, phim hứng bão chỉ trích cả từ phía hoàng gia Monaco và giới phê bình. Công chúa Stephanie cho rằng phim xuyên tạc sự thật về cha mẹ mình để bán vé. Ian Brodie, cây viết của tờ Monaco Life, đánh giá: "Là một bộ phim mang tính hư cấu song phim lại mô tả những con người thực và việc này khiến họ bị xúc phạm. Jeffrey Robinson, tác giả cuốn tiểu sử về Grace Kelly bày tỏ: "Các tác giả kịch bản phim không biết bất cứ điều gì về Kelly. Họ không nắm bắt được con người thật của bà. Thật đáng hổ thẹn. Họ không tôn vinh bà".

Whitney 

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-5

Whitney là phim tiểu sử dài 120 phút, có cốt truyện bám theo những thăng trầm trong sự nghiệp của diva nước Mỹ. Phim cũng đề cập đến mối quan hệ phức tạp của nữ ca sĩ da màu với chồng là nhạc sĩ Bobby Brown. Họ gặp gỡ lần đầu tiên khi cả hai đã nổi tiếng và có một đám cưới đình đám vào năm 1992. Cuộc hôn nhân sóng gió kéo dài 14 năm, với sự ra đời của cô con gái Bobbi Kristina Brown, cuối cùng phải kết thúc nhờ sự can thiệp của pháp luật. Whitney Houston mất năm 2012, cái chết của cô được cho là vì sốc ma túy.

Phát sóng lần đầu trên truyền hình Lifetime (Mỹ) đầu năm 2015, phim tạo nên làn sóng tranh cãi lớn. Đa phần người hâm mộ bày tỏ sự phản đối vì nội dung phim thiếu chân thực. "Bộ phim này là lời nhạo báng với các di sản Whitney Houston để lại. Phim không có gì ngoài cảnh nóng và ma túy", một người hâm mộ của nữ ca sĩ Whitney Houston bày tỏ bức xúc. "Liệu Lifetime có được cho phép phát sóng những cảnh nóng này không? Chúa ơi, như thể tôi đang xem phim sex của Whitney Houston", một khán giả khác viết trên Twitter.

W. 

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-6

Tác phẩm của đạo diễn Oliver Stone kể về những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Tổng thống gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ - George W. Bush. Phim bắt đầu từ những ngày Bush còn là sinh viên đại học vô tư tới khi ông nhập ngũ đi lính, làm thống đốc bang Texas, rồi tham gia vào ngành dầu khí quốc gia trước khi tranh cử Tổng thống năm 2000. Phim cũng kể về bốn năm ở cương vị người đứng đầu nhà nước Mỹ và cuộc tái tranh cử sau đó của ông.

Sau khi ra mắt, phim vào danh sách 10 phim hay nhất 2008 của nhiều nhà phê bình gạo cội. Nhà phê bình phim Joe Neumaier của tờ New York Daily News xếp phim thứ 8 trong 10 phim hay nhất năm. Nhà phê bình Roger Ebert của Chicago Sun-Times xếp phim vào danh sách 20 phim hay nhất 2008.

Tuy nhiên, W. bị chỉ trích bỏ qua nhiều chi tiết sự thật để đánh bóng tên tuổi cho George W. Bush. Ví dụ như vụ lùm xùm khi ông còn tại vị thống đốc bang Texas: Bush bị phản đối vì có phát ngôn xúc xiểm nữ tù Karla Faye Tucker (bị xử tử hình vào năm 1998).

Raging Bull

nhung-phim-dua-tren-nhan-vat-co-that-gay-tranh-cai-7

Đây là phim tiểu sử làm về cuộc đời và sự nghiệp của võ sĩ quyền Anh người Mỹ gốc Italy nổi tiếng - Jake LaMotta. Cốt truyện dựa trên những ghi chép của chính LaMotta trong cuốn hồi ký Raging Bull: My Story. Dự án phim gắn liền tên tuổi với tài tử Robert DeNiro và đạo diễn Martin Scorsese. Phim có nhiều chi tiết bày tỏ thú tính của LaMotta, thói ghen tuông vợ cùng sở thích bạo hành gia đình, và bạo lực trên sàn đấu quyền Anh. Trong khi phim được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm xuất sắc về quyền Anh, phim gây tranh cãi khi giảm nhẹ hoặc phớt lờ nhiều chi tiết liên quan đến tật xấu của Jake LaMotta. 

Theo VNE

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.