Xã hội

Những phụ nữ làm mới nghề truyền thống

Thanh Quỳnh 28/09/2024 09:39

Nếu không có tư duy làm mới, nhiều nghề truyền thống sẽ có thể đứng trước nguy cơ bị mai một. Hiểu được điều đó, nhiều người phụ nữ với óc sáng tạo đã biến đổi, cải tiến nghề phù hợp với thời đại, từ đó tạo ra giá trị kinh tế mới, lan tỏa, truyền cảm hứng trong các cấp Hội nhằm hồi sinh và phát triển nghề truyền thống.

Nâng cao giá trị con tằm thương phẩm xứ Lường

Thời gian qua, ngôi nhà của chị Mai Thị Loan (SN 1969) ở xóm 3, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các tư thương khi họ muốn tìm mua các sản phẩm độc đáo như bột tằm, trứng tằm, tằm thương phẩm hoặc rượu tằm.

Dù nuôi tằm lấy kén là nghề truyền thống có từ lâu đời của mảnh đất Đặng Sơn, nhưng chị Loan đã có những hướng đi mới đầy sáng tạo để mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định từ con tằm.

nuôi tằm
Mô hình nuôi tằm và chế biến các sản phẩm hàng hóa từ tằm của chị Mai Thị Loan (bìa phải) xóm 3, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh chụp bên nong kén của tằm. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bên những nong tơ tằm vàng óng đang được xếp gọn gàng, chị Mai Thị Loan cho biết, đây đã từng là trăn trở lớn nhất của chị khi nghề trồng dâu nuôi tằm dần mai một trên mảnh đất Đặng Sơn.

Với mong muốn khôi phục làng nghề ươm tơ kéo sợi Xuân Như một thời vang bóng, năm 2021, chị quyết định mạnh dạn xây dựng cơ sở sản xuất riêng, chuyên trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ. Nếu như trước đây người trồng dâu nuôi tằm vẫn mang tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thì chị lại quyết tâm tạo nên đầu mối cung cấp dồi dào cho thị trường tiêu thụ. Vì thế, chị đã thu mua tằm và nhộng từ những hộ gia đình trong xã, đồng thời cung cấp tằm giống cho các chị em chăn nuôi mở rộng mô hình.

ảnh phụ nữ
Những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao của Hợp tác xã Trồng dâu nuôi tằm tại diễn đàn Phụ nữ khởi nghiệp của huyện Đô Lương. Ảnh: Thái Thị Hiền

Đến năm 2022, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đặng Sơn, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ra đời với 15 thành viên, chị Mai Thị Loan được tín nhiệm giao làm Tổ trưởng. Đó là tiền đề để chị tiếp tục đầu tư mở rộng 3 ha đất trồng dâu, mua sắm máy móc hiện đại và xây dựng phòng nuôi tằm khép kín.

Năm 2023, Hợp tác xã Trồng dâu nuôi tằm của chị chính thức được thành lập với nhiều hướng đi mới mẻ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nghề truyền thống.

Nếu như trước đây, các mô hình nuôi tằm chủ yếu để lấy kén thì hợp tác xã của chị Loan lại tiếp tục mở ra những hướng đi mới là nuôi tằm thực phẩm và sản xuất các mặt hàng mà thị trường đang “khát” từ con tằm.

anh tahn
Máy móc được Hợp tác xã đầu tư để hỗ trợ những công đoạn cần thiết trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhờ đầu tư công nghệ, hợp tác xã có thể nuôi tằm quanh năm. Bí quyết để đối phó với thời tiết khắc nghiệt của Nghệ An khi mùa Hè đến đó chính là trang bị điều hòa và hệ thống quạt nước cho khu vực nuôi tằm. Nhờ thế, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức lý tưởng là 26-28°C. Vào mùa Đông, phòng nuôi được lắp đặt hệ thống sưởi ấm, đảm bảo tằm phát triển ổn định và cho năng suất cao.

Cùng với đó, hợp tác xã chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm từ tằm để có được những mặt hàng độc đáo như tằm thương phẩm, bột tằm và rượu tằm... Những sản phẩm này đã có được thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng mỗi người. Nhờ cách nuôi tằm hiện đại, chị Loan không chỉ bảo tồn nghề truyền thống mà còn nâng cao thu nhập.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Mai Thị Loan đã vinh dự lọt vào tốp 5 cuộc thi Ý tưởng Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đô Lương tổ chức. Bên cạnh đó, chị cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đặng Sơn biểu dương và khen thưởng vì những đóng góp xuất sắc trong quá trình khởi nghiệp nhằm nâng cao giá trị nghề truyền thống của địa phương.

Lan tỏa cách làm giàu bền vững từ nuôi hươu

Nhận thấy, khi dịch bệnh liên tục xảy ra trên đàn lợn, trâu, bò hoặc gia cầm thì hươu vẫn chứng tỏ là vật nuôi an toàn, ít rủi ro và hiệu quả cao, chị Trương Thị Kim (SN 1963) ở thôn 7, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đã quyết tâm gắn bó với mô hình nuôi hươu để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Kim cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ, chồng tham gia đánh bắt hải sản nhưng thu nhập hàng năm không cao. Vào năm 2004, khi chứng kiến các tư thương ra vào địa bàn huyện Quỳnh Lưu để tìm mua nhung sao, thì chị hiểu rằng đây là vật nuôi thị trường tiêu thụ ổn định. Qua tìm hiểu các mô hình nuôi hươu tại địa phương chị nhận ra, chỉ cần nắm rõ đặc tính của nó, thì hươu là vật nuôi rất dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế và bị bệnh.

Chị Trương Thị Kim (SN 1963) ở thôn 7, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu bên chú hươu sao vừa cho gần 2kg gạc nhung. Ảnh: Thanh Quỳnh
Chị Trương Thị Kim (SN 1963) ở thôn 7, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu bên chú hươu sao vừa cho gần 2kg gạc nhung. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thời điểm đó, giá hươu giống lúc đó cũng không quá cao, chỉ dao động trên dưới 1,5 triệu đồng là có thể mua. Bởi vậy, chị Kim đã đầu tư nuôi 10 con hươu sao lấy nhung. Đến năm 2013, khi có Kế hoạch của Hội LHPN tỉnh về việc thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi hươu sao tại xã, thì chị đã xin đăng ký tham gia vào Tổ hợp tác.

Đây là bước tiến quan trọng để chị Kim nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hươu có giá trị cao trong, ngoài địa phương. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật đã giúp chị “làm mới” nghề trong các công đoạn cải tiến chuồng trại, nâng cao kỹ thuật trồng và sản xuất các loại thức ăn cho hươu để giúp giảm thiểu các chi phí chăn nuôi, vừa đảm bảo chất lượng cho đàn hươu.

huơu an
Hệ thống chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ là một trong những điều kiện cần để đàn hươu phát triển tốt. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các thành viên tổ hợp tác, gia đình chị Kim được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư, mở rộng chuồng trại để phát triển song song hai hướng: vừa chăn nuôi hươu lấy nhung và nuôi hươu sinh sản để bán giống.

Đến nay, mô hình của chị Kim đã phát triển tổng đàn lên 28 con, thu nhập hàng năm từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho 4 lao động, trong đó có 2 lao động nữ với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

uploaded-lamtungbna-2021_07_28-_bna_a37669814_2872021.jpg
Các sản phẩm sử dụng nhung hươu từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Không chỉ góp phần phát triển nghề chăn nuôi hươu sao trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa, chị còn hỗ trợ các thành viên trong tổ hợp tác có thêm kinh nghiệm chăn nuôi và luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức mình tích lũy được để hỗ trợ mọi người thích ứng với những biến động mới của thị trường. Năm 2023, chị Kim là một trong những cá nhân tiêu biểu được Hội LHPN xã Quỳnh Nghĩa biểu dương, khen thưởng.

Tính trên bình diện toàn tỉnh, trong những năm qua, bằng nhiều phong trào thi đua, nhiều giải pháp sáng tạo, phụ nữ Nghệ An đã có nhiều điểm sáng trong sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả Đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025” do Chính phủ phê duyệt đã tạo cú hích lớn đối với các chị em.

Các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả 20 Hợp tác xã do phụ nữ quản lý, 227 tổ hợp tác, tổ liên kết và 744 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Từ đây, đã thổi một làn gió mới trong lĩnh vực triển kinh tế của chị em, đặc biệt là nỗ lực “hồi sinh”, “làm mới” các nghề truyền thống để tạo nên giá trị kinh tế mới trên nền tảng tiềm năng vốn có.

Mới nhất
x
x
Những phụ nữ làm mới nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO