Những quốc gia nào ở châu Âu cấm thiết bị 5G từ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc?

Phan Văn Hoà (Theo Reuters, Gizchina) 08/10/2023 21:17

(Baonghean.vn) - Đức đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất đề xuất lệnh cấm sử dụng thiết bị 5G do Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Mặc dù chính phủ Mỹ đã đưa hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei và ZTE vào “danh sách đen” do lo ngại về an ninh quốc gia, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Họ tiếp tục gây áp lực lên các quốc gia châu Âu để có hành động tương tự đối với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Anh minh hoa.jpg
Ảnh minh hoạ.

Ban đầu một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn do dự về vấn đề này, nhưng sau đó họ đã thực hiện các bước nhằm ngăn chặn Huawei và ZTE không được tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của mình.

Đặc biệt, vào tháng 6 vừa qua, Thiery Breton - người đứng đầu ngành công nghiệp của EU đã kêu gọi tất cả các quốc gia thuộc EU chặn Huawei và ZTE khỏi mạng viễn thông 5G của họ.

Mới đây, Đức trở thành quốc gia mới nhất ở EU đề xuất lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei và ZTE. Tương tự như các quốc gia khác, Đức cho rằng những lo ngại về an ninh là lý do chính cho quyết định của họ.

Dưới đây là danh sách các quốc gia EU đã đưa ra các hạn chế hoặc lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei và ZTE trong các mạng viễn thông nói chung và mạng di động 5G nói riêng cho đến nay.

Vương quốc Anh

Vào năm 2020, chính phủ Vương quốc Anh đã quyết định cấm Huawei và các nhà cung cấp khác mà họ cho là có rủi ro bảo mật cao đối với mạng 5G. Theo đó, chính phủ sẽ cung cấp 1,6 triệu bảng Anh cho công ty NEC của Nhật Bản để hỗ trợ dự án phát triển mạng 5G.

Mặc dù, việc cấm Huawei của Trung Quốc đã khiến quá trình triển khai mạng 5G tại Anh mất thêm thời gian và tốn kém nhưng năm ngoái, nước này đã gia hạn thời hạn loại bỏ hoàn toàn thiết bị mạng lõi được sản xuất bởi Huawei đến cuối năm 2023. Hạn cuối để loại bỏ tất cả các thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào cuối năm 2027 vẫn không thay đổi.

Estonia

Estonia gia nhập vào nhóm các quốc gia thuộc EU cấm thiết bị Huawei và ZTE tham gia mạng viễn thông của nước này sau khi Quốc hội Estonia thông qua luật mới vào năm 2021 cấm các nhà khai thác viễn thông trong nước lựa chọn các nhà cung cấp thiết bị viễn thông đến từ Trung Quốc.

Đan Mạch

Đan Mạch cũng bày tỏ lo ngại về việc các nhà cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G của nước này. Trước các lo ngại này, năm 2021, các nhà lập pháp Đan Mạch đã quyết định thông qua luật cho phép sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài để đảm bảo chúng không gây ra mối đe dọa nào cho an ninh quốc gia.

Pháp

Chính quyền Pháp vào năm 2020 đã thông báo với các nhà khai thác viễn thông trong nước có kế hoạch mua thiết bị 5G của Huawei rằng họ sẽ không được gia hạn giấy phép cho thiết bị này khi chúng hết hạn và cần có kế hoạch loại bỏ tất cả các thiết bị viễn thông của Huawei khỏi mạng di động một cách hiệu quả. Điều này ngay lập tức khiến các công ty viễn thông ở Pháp né tránh thiết bị 5G của Huawei.

Đức

Đầu năm nay, Đức có kế hoạch cấm các nhà khai thác viễn thông sử dụng một số thành phần do các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE sản xuất trong mạng 5G. Được biết, đây là động thái quan trọng nhằm giải quyết các mối lo ngại về bảo mật của quốc gia này. Chính phủ Đức cho rằng lệnh cấm sẽ áp dụng với cả các thành phần đã được tích hợp trong hệ thống mạng viễn thông tại Đức. Chính phủ sẽ yêu cầu các nhà khai thác phải loại bỏ và thay thế chúng.

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ Nội vụ Đức đề xuất buộc các nhà khai thác viễn thông loại bỏ tất cả các linh kiện quan trọng do Huawei và ZTE sản xuất trong mạng lõi 5G của họ trước năm 2026.

Ý

Mặc dù Ý không cấm hoàn toàn thiết bị Huawei nhưng nước này đã ngăn tập đoàn viễn thông Fastweb ký thỏa thuận để Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của nước này vào năm 2020.

Latvia

Latvia và Mỹ đã chính thức ký một thỏa thuận vào năm 2020 về vấn đề bảo mật trong mạng di động 5G. Thoả thuận này nhằm hạn chế hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Latvia, đặc biệt là các công ty cung cấp thiết bị viễn thông có thể gây ra các lo ngại cho an ninh quốc gia như Huawei và ZTE.

Litva

Năm 2021, Quốc hội Litva đã ban hành sắc lệnh về việc sử dụng thiết bị viễn thông từ các công ty nước ngoài trong mạng 5G, theo đó Quốc hội nước này chỉ cho phép những thiết bị được chính phủ phê duyệt vì lý do an ninh quốc gia mới được sử dụng cho mạng 5G thế hệ tiếp theo của đất nước.

Bồ Đào Nha

Vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Bồ Đào Nha đã khuyến nghị cấm các nhà mạng di động trong nước tìm nguồn cung ứng thiết bị 5G từ các nhà cung cấp có trụ sở bên ngoài EU hoặc các quốc gia không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED).

Chính phủ nước này cho rằng, các công ty bên ngoài các khu vực pháp lý trên gây ra “rủi ro cao” đối với an ninh mạng di động của đất nước. Tài liệu không chỉ đích danh Huawei, nhưng vì Trung Quốc không phải là thành viên của NATO, OCED hay EU, nên công ty này cùng với các nhà cung cấp Trung Quốc khác như ZTE sẽ bị loại khỏi việc xây dựng mạng 5G tại Bồ Đào Nha.

Để tiến gần hơn tới việc loại thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G, Cơ quan giám sát viễn thông của Bồ Đào Nha cho biết vào ngày 18 tháng 9 vừa qua rằng, họ đang làm việc với các nhà mạng di động để triển khai một giải pháp cấp cao nhằm ngăn chặn hiệu quả thiết bị của Huawei khỏi mạng di động 5G của đất nước.

Việc cấm các công ty cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc tham gia vào mạng 5G được xem là một bước ngoặt đột ngột đối với Bồ Đào Nha - quốc gia có quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong nhiều năm.

Romania

Chính phủ Romania đã thông qua một dự luật được chính phủ Mỹ hậu thuẫn vào năm 2021. Dự luật này nhằm cấm các nhà cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc như Huawei và ZTE tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G của đất nước.

Thuỵ Điển

Năm 2020, Cơ quan quản lý bưu chính và viễn thông Thụy Điển (PTS) đã thông báo cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong phát triển mạng 5G ở nước này. Lệnh cấm được đưa ra trước khi Thụy Điển mở phiên đấu giá về xây dựng mạng 5G, với 4 công ty được phép tham gia đều là của Thụy Điển.

Lệnh cấm được đưa ra sau đánh giá của lực lượng an ninh và quân đội Thụy Điển cho rằng Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất của nước này. Bên cạnh lệnh cấm, PTS còn ra thời hạn tới ngày 1.1.2025 để các công ty cung cấp dịch vụ 5G phải loại bỏ toàn bộ thiết bị của Huawei và ZTE.

Tại sao Mỹ cấm Huawei và gây áp lực lên các quốc gia đồng minh?

Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của mình và gây áp lực lên các đồng minh của mình chủ yếu do lo ngại về an ninh quốc gia. Có một số lý do chính cho lệnh cấm này, bao gồm:

1. Lo ngại về gián điệp: Chính phủ Mỹ lo ngại rằng Huawei, với tư cách là một công ty Trung Quốc, có thể bị chính phủ Trung Quốc ép buộc hoặc ép buộc sử dụng công nghệ của mình để thực hiện hoạt động gián điệp hoặc tấn công mạng chống lại Mỹ. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về tính bảo mật của cơ sở hạ tầng quan trọng.

2. Lỗ hổng mạng: Công nghệ 5G được coi là dễ bị tấn công mạng hơn do tính phức tạp ngày càng tăng và khả năng xảy ra bề mặt tấn công lớn hơn. Việc cho phép Huawei xây dựng những phần quan trọng của cơ sở hạ tầng 5G có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

3. An ninh chuỗi cung ứng: Mỹ lo ngại về an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thiết bị viễn thông. Sự thống trị của Huawei trong lĩnh vực này làm dấy lên mối lo ngại về tính toàn vẹn của công nghệ và khả năng có các cửa hậu (backdoor) hoặc lỗ hổng có thể bị khai thác.

4. Căng thẳng thương mại và địa chính trị: Lệnh cấm Huawei cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Những căng thẳng này đã ảnh hưởng đến quyết định hạn chế sự tham gia của Huawei vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

5. Mối quan ngại của đồng minh: Mỹ khuyến khích các đồng minh và đối tác của mình cũng loại Huawei khỏi mạng 5G của họ, cho rằng cần có một mặt trận thống nhất để bảo vệ trước những rủi ro bảo mật tiềm ẩn. Do những lo ngại này, chính phủ Mỹ đã thực hiện một số hành động, bao gồm cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các cơ quan liên bang và kêu gọi các công ty viễn thông Mỹ tránh sử dụng công nghệ của Huawei. Ngoài ra, Mỹ còn gây áp lực lên các đồng minh của mình để hạn chế sự tham gia của Huawei vào mạng 5G của họ, dẫn đến mức độ hạn chế khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Cho đến nay, đã có 11 quốc gia châu Âu quyết định chia tay Huawei và các công ty Trung Quốc khác trong việc xây dựng mạng 5G của họ. Các quốc gia khác có thể tham gia trong tương lai nhưng vẫn chưa công bố ý định. Tất cả các quốc gia này đều viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia là lý do khiến họ cấm thiết bị 5G của Huawei.

Mới nhất

x
Những quốc gia nào ở châu Âu cấm thiết bị 5G từ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO