Những tác phẩm nổi bật tranh giải Cành Cọ Vàng LH phim Cannes 2018

Ân Nguyễn 09/05/2018 07:31

Phim dựa trên truyện của Murakami, cuộc tái xuất của đạo diễn "Người đàn bà cuồng dâm", phim mới của Thang Duy... được giới chuyên môn quan tâm.

Liên hoan phim Cannes (Pháp) lần 71 diễn ra từ ngày 8-19/5. Năm nay, 21 phim tranh giải Cành Cọ Vàng, 18 phim tham gia mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và chín phim chiếu nhưng không tranh giải (Out of Competition). Trước ngày khai mạc, các cây bút của Indiewire chọn ra một số tác phẩm được trông đợi nhất ở sự kiện.

Các phim nổi bật trong nhóm tranh giải Cành Cọ Vàng

BlackKklansman (đạo diễn Spike Lee)

Spike Lee (trái) và nam chính John David Washington.

Tác phẩm kể về chuyện một cảnh sát da đen ở Colorado (Mỹ) xâm nhập căn cứ của Ku Klux Klan - tổ chức phân biệt chủng tộc. Kịch bản được chuyển thể từ cuốn sách Black Klansman của tác giả Ron Stallworth, dựa trên những hoạt động điều tra có thật của ông vào cuối thập niên 1970. Đạo diễn BlackKklansman là Spike Lee - nhà làm phim nổi tiếng người Mỹ chuyên khai thác các đề tài liên quan đến sắc tộc. Tác phẩm mang màu sắc châm biếm, thể hiện một chân dung rất khác của nước Mỹ.

Burning (đạo diễn Lee Chang Dong)

Lee Chang Dong sinh năm 1954. Ngoài việc làm phim, ông còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc trong năm 2003-2004.

Sự kết hợp của Haruki Murakami - tác giả Nhật lừng danh - và Lee Chang Dong - đạo diễn bậc thầy Hàn Quốc - khiến giới chuyên môn trông đợi. Được dựa trên truyện ngắn Barn Burning của Murakami, phim xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông và một phụ nữ trẻ, có liên quan đến một sự việc bí ẩn.

* Trailer phim

Trailer phim Burning

Bên cạnh Park Chan Wook và Kim Ki Duk, Lee Chang Dong là đạo diễn Hàn Quốc gây tiếng vang ở nhiều liên hoan phim quốc tế. Năm 2010, ông giành giải "Kịch bản xuất sắc" ở Cannes với tác phẩm Poetry. Sau phim này, Lee nghỉ ngơi đến tám năm trước khi làm Burning, khiến giới chuyên môn càng thêm trông ngóng.

Cold War (Paweł Pawlikowski)

Dù mang tên "Cold War" (Chiến tranh lạnh), phim mới của Paweł Pawlikowski không khai thác cuộc đấu tranh của các cường quốc mà chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ người Ba Lan trong giai đoạn này.

Paweł Pawlikowski là nhà làm phim Anh gốc Ba Lan, giành giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" năm 2015 với phim Ida. Ông thường mượn những bối cảnh lịch sử để kể câu chuyện về mối quan hệ thân mật giữa con người. Cold War xoay quanh tình yêu của một đôi nam nữ có lối sống khác biệt, diễn ra ở hậu trường những buổi diễn của nhóm Mazowsze - một đội trình diễn văn hóa dân gian Ba Lan do chính phủ thành lập sau Thế chiến thứ hai.

Girls of the Sun (Eva Husson)

Eva Husson - nhà làm phim sinh năm 1977 - chọn đề tài gai góc trong phim mới.

Năm 2015, đạo diễn nữ Eva Husson gây sốc ở Liên hoan phim Toronto (Canada) với phim Bang Gang (A Modern Love Story), có tình tiết một thiếu niên tổ chức các buổi tiệc tình dục. Ba năm sau, cô thực hiện dự án tham vọng Girls of the Sun - kể về một nhóm phụ nữ ở Kurdistan (một tỉnh tự trị thuộc Iraq) cầm súng đứng lên giải phóng thị trấn quê hương khỏi những kẻ cực đoan. Thủ lĩnh của nhóm - vốn là luật sư - kết bạn với một nữ phóng viên chiến trường.

The Image Book (Jean-Luc Godard)

Tác phẩm có tên tiếng Pháp là "Le Livre d'image".

Trong các đạo diễn có phim ở Cannes năm nay, Godard là huyền thoại sống của điện ảnh thế giới, thường xuyên nằm trong danh sách các nhà làm phim vĩ đại nhất lịch sử do các tạp chí bầu chọn. Ông sinh năm 1930, là người tiên phong của phong trào Làn Sóng Mới (bắt nguồn từ thập niên 1960, ủng hộ cách làm phim độc đáo, đậm chất tác giả, chỉ trích kiểu phim sản xuất hàng loạt). Năm 2014, khi phim Goodbye to Language của Godard chiếu ở Cannes, hàng trăm người tụ tập để hô vang tên đạo diễn. Nhiều người nghĩ đó là phim cuối cùng của Godard nhưng ông vẫn tiếp tục sự nghiệp.

Ngoài việc làm phim, Jean-Luc Godard còn là nhà lý luận điện ảnh với nhiều công trình có giá trị.

Ở tuổi 88, Godard mang đến Cannes tác phẩm The Image Book. Nội dung phim được giữ kín ngoài phần mô tả: "Chẳng có gì ngoài sự yên lặng. Chẳng có gì ngoài một bài hát cách mạng. Một câu chuyện trong năm chương, giống năm ngón tay trên một bàn tay".

Happy as Lazzaro (Alice Rohrwacher)

Adriano Tardiolo - nam diễn viên Italy - thủ vai chính.

Sau phim The Wonders giành giải Grand Prix tại Cannes năm 2014, Alice Rohrwacher quay lại sự kiện với tác phẩm Happy Lazzaro. Kịch bản xoay quanh mối quan hệ của Lazzaro - một chàng nông dân tốt bụng - và Tancredi - một nam quý tộc trẻ. Tancredi nhờ Lazzaro dàn dựng vụ bắt cóc của chính mình, dẫn đến hàng loạt chuyện kỳ lạ. Kịch bản có cả tình tiết du hành thời gian nhưng không tập trung vào yếu tố khoa học viễn tưởng mà khai thác hành trình tìm kiếm linh hồn của con người. Happy as Lazzaro đánh dấu bước chuyển của nhà làm phim Italy - vốn nổi tiếng với các phim về tuổi dậy thì - sang các đề tài lớn hơn.

Shoplifters (Hirokazu Kore-eda)

Shoplifters (Hirokazu Kore-eda)

Hirokazu Kore-eda (sinh năm 1962), là một trong các đại diện ưu tú nhất của điện ảnh Nhật đương đại. Ông thường xuyên có phim tranh giải ở Cannes và đoạt giải của ban giám khảo (Jury Prize) năm 2013 với Like Father, Like Son. Sau tác phẩm The Third Murder bị đánh giá thấp năm ngoái, Hirokazu trở lại với Shoplifters. Câu chuyện kể về một tên trộm nghèo tên Osamu, hành nghề cùng con trai. Mọi chuyện trở nên phức tạp khi Osamu nhận nuôi một bé gái bị vứt bỏ.

Under the Silver Lake (David Robert Mitchell)

Under the Silver Lake (David Robert Mitchell)

Tác phẩm kinh dị gây tiếng vang It Follows (2014) tạo đà cho sự nghiệp của David Robert Mitchell - đạo diễn Mỹ sinh năm 1974. Phim mới của anh - Under the Silver Lake - đi theo phong cách neo-noir (lấy chủ đề đen tối như phim noir cổ điển nhưng có cách tiếp cận hiện đại hơn). Tài tử Andrew Garfield thủ vai một điều tra viên trẻ sống vô định, bị ảm ảnh với sự mất tích của một cô hàng xóm xinh đẹp. Khi truy tìm khắp Los Angeles (Mỹ), anh phát hiện nhiều sự thật chấn động về những người nổi tiếng, các tập đoàn, các câu chuyện truyền miệng ở thành phố...

Yomeddine (Abu Bakr Shawky)

Poster phim.

Với tiêu chuẩn khắt khe của mình, Liên hoan phim Cannes hiếm khi chọn phim đầu tay của một đạo diễn tham gia đường đua Cành Cọ Vàng. Vì vậy, khi tác phẩm đầu tay của Abu Bakr Shawky được chọn, giới chuyên môn lập tức chú ý. Do đơn vị Ai Cập sản xuất, đây cũng là "tiếng nói châu Phi" duy nhất trong các phim tranh giải quan trọng nhất. Tác phẩm lấy nhan đề Yomeddine (Ngày phán xét), theo chân một người bị bệnh phong rời khỏi cộng đồng những người bệnh để tìm hiểu lý do tại sao anh bị đưa vào đây.

3 Faces (Jafar Panahi)

Jafar Panahi vẫn làm được phim hay bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ Iran.

Jafar Panahi là nhà làm phim Iran có số phận đặc biệt. Do tạo ra các tác phẩm gây tranh cãi về xã hội, ông bị giam lỏng ở quê hương từ năm 2010 và không được làm phim trong 20 năm. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm gây tiếng vang, trong đó có Taxi (giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin 2015).

"3 Faces" là đại diện của điện ảnh Iran ở Cannes năm nay.

3 Faces - phim mới của Jafar - được chọn tranh giải Cành Cọ Vàng, ông không thể đến Pháp do lệnh cấm rời Iran. Chủ tịch Liên hoan phim Cannes - Thierry Fremaux - cùng nhiều nhà làm phim cố gắng thuyết phục chính phủ nước này nhưng không thành. Tác phẩm kể về ba nữ diễn viên ở ba giai đoạn khác nhau của sự nghiệp.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Những tác phẩm nổi bật tranh giải Cành Cọ Vàng LH phim Cannes 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO