Những "tiếng lòng" nơi đất Mũi

27/04/2015 22:16

(Baonghean) - Đêm ấy tháng Tư, ánh trăng thượng huyền dát vàng lên những tán cây mắm, sú, vẹt... bóng đu đưa trong gió nhẹ của khu rừng ngập mặn. Đoàn chúng tôi từ quê Bác vào thăm đất mũi Cà Mau, ai cũng muốn thức cùng với mảnh đất địa đầu miền Nam anh hùng bất khuất từng gieo “trăm thương ngàn nhớ” trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân miền Bắc.

Anh Mười Hiện (Trần Văn Hiện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Bí thư Huyện ủy Năm Căn) nói đi nói lại mãi: “Các anh từ quê Cụ Hồ đến tui mừng lắm, mừng như gặp người nhà! Quê hương tui, gia đình tui, tất thảy đều ơn nghĩa với Cụ Hồ như ơn nghĩa với đấng sinh thành”. Cuộc gặp gỡ đôi bên càng lúc càng nồng ấm. Sau mấy câu hò, điệu ví dìu dặt chúng tôi mang từ xứ Nghệ vào, các nghệ sỹ đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau) cùng “tao ngộ” bằng những điệu xàng xê man mác.

Đền thờ Bác Hồ ở Thị trấn Cái Nước (tỉnh Cà Mau).Ảnh: S.T
Đền thờ Bác Hồ ở Thị trấn Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Ảnh: S.T

Tiếng đờn cò khai cuộc dạo những điệu nhạc phương Nam sầu thương, khi người hát cất lên lời ca bài “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn, ai cũng rưng rưng xúc cảm. Bài vọng cổ kể về nữ liệt sỹ anh hùng bất khuất Nguyễn Thị Tư, chị bị địch bắt khi đứa con gái chưa rời vú mẹ. Người phụ nữ Nam bộ ấy vừa trải qua cơn đau sinh nở, lại đối mặt với nỗi đau phải lìa xa con nhỏ. Biết không khai báo thì sẽ bị giặc giết chết nhưng chị vẫn chấp nhận hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng.

Trước lúc ngã xuống, chị nhào ôm lấy đứa con và cho con bú những giọt sữa cuối cùng, ném sự căm hận và khinh bỉ về lũ bán nước và cướp nước, chị ru con bằng lời ru trọn niềm tin son sắt: “Ầu ơ, con ơi con ngủ cho ngon/ Mai sau con lớn nước non được nhờ”... Hôm ấy, mắt ai cũng ầng ậng nước. Giọng miền Nam của anh Mười Hiện ấm áp gần gũi vô cùng: “Tấm lòng chị Tư cũng là tấm lòng của người miền Nam vậy đó, son sắt một niềm tin theo Đảng, theo con đường độc lập, thống nhất non sông mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chọn. Riết vậy cho đến hôm nay, riết vậy mới có ngày hôm nay”...

Đêm ấy, anh Mười Hiện kể cho chúng tôi nghe chuyện người Nam bộ xây dựng nhà cửa khá đơn giản, không cầu kỳ, nhưng vùng nào cũng có nơi thờ Bác. Năm 1969, khi hay tin Bác mất, riêng người dân đất Mũi quê anh đã làm 8 đền thờ Bác Hồ. Triết lý thờ cúng cũng giản dị và chân thật, đó là “có sao thờ vậy”.

Như nhà thơ Diệp Mình Tuyền viết: “Ở tận cùng mũi đất phương Nam/ Trong xanh rờn rừng đước/ Giữa ba bề rì rầm sóng nước/ Người quê tôi theo cách của riêng mình/ Dựng một ngôi đền/ Thờ Bác kính yêu”.

Khi người dân ở nhà lợp lá dừa nước thì làm nhà thờ Bác bằng lá dừa nước. Khi người dân làm nhà đúc (bê tông) thì nhà thờ Bác làm bằng nhà đúc. Nay nhà cửa người dân xây dựng khang trang thì nơi thờ Bác cũng được xây dựng thành phủ thờ, điện thờ quy mô. Thời kháng chiến, giặc phá đền hôm nay thì ngày mai được người dân tu sửa, nơi này bị thiêu đốt thì nơi khác đền mới dựng lên, quyết không để chúng đánh mất biểu tượng của tình cảm người miền Nam với Bác.

Câu chuyện hàng chục quân và dân đã hy sinh để quyết giữ ngôi đền thờ Bác được cất bằng cây đước ở ấp Biện Trượng, xã Viên An - Đất Mới (huyện Ngọc Hiển) đã phần nào nói lên điều đó. Đến nay Cà Mau cũng là tỉnh có nhiều đền thờ Bác nhất với 21 nơi có đền thờ và phủ thờ Bác.

Tại mảnh đất này, năm 1954 khi biết có đoàn cán bộ, chiến sỹ được ra Bắc, mẹ Tư (tên thật là Lê Thị Sảnh) ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình đã bứng cây vú sữa ở nhà ba nuôi là ông Năm Đươn để gửi ra biếu tặng Bác Hồ. Người đã vô cùng cảm động và trồng cây vú sữa trong Phủ Chủ tịch để ngày ngày chăm sóc và gọi là “cây vú sữa miền Nam” - kỷ vật vô giá, biểu tượng cho tình cảm của Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ. Đến nay, “cây vú sữa miền Nam” trong vườn Bác hãy còn xanh tốt...

Mặc tiếng gió đưa cây rừng về khuya càng lúc càng mạnh, tiếng đờn cò như da diết hơn khi đan xen tân cổ giao duyên. Trong đêm khuya, điệu hò sông nước dù ngồi nghe rất gần nhưng cũng có cảm giác văng vẳng xa xôi như lời tự tình, lời thề nguyền gan ruột: “Hò ơi... dẫu núi có mòn mà sông kia có cạn/ Miền Nam ơi! Miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha...” (Miền Nam nhớ mãi ơn Người, sáng tác Lưu Cầu).

Ngô Kiên

(Cà Mau, tháng 4/2014)

Mới nhất
x
Những "tiếng lòng" nơi đất Mũi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO