Báo Nhân dân Nghệ An

Từ năm 1960 đến năm 1964, Đảng bộ Nghệ An có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trên nền tảng tổng kết bài học thành công về cải tạo kinh tế – xã hội sau ngày hoà bình lập lại (1955 -1960). Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng bộ Nghệ An còn phải huy động sức người, sức của xây dựng cơ sở chính trị, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, làm hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam, vừa chuẩn bị lực lượng đánh thắng mọi thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp vào tháng 9 năm 1960 đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta trong những năm đầu của thập kỷ 60 là: đẩy mạnh Cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Cụ thể hóa đường lối Đại hội III, Tỉnh ủy Nghệ An đã triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh (hai vòng) từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 1/7/1960 (vòng l) và ngày 20/3/1961 đến 30/3/1961 (vòng 2). Đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Nhận rõ vai trò, tính chất và vị trí quan trọng của công tác báo chí trên mặt trận giáo dục chính trị tư tưởng trong giai đoạn Cách mạng mới, trước khi bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh (vòng 1) mười bảy ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp và quyết nghị về thành lập báo “Nhân dân Nghệ An”. Tám tháng sau Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 2 ngày 10 tháng 11 năm 1961, Ban Chấp hành Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 175 thành lập Tòa soạn Báo Nhân dân Nghệ An, chuẩn y danh sách cán bộ biên tập, phóng viên, chỉ định đồng chí Nguyễn Kim Ban – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm báo và đồng chí Nguyễn Hường giữ chức Chủ bút với tổng số biên chế thời kỳ đầu gồm 9 người. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy ký quyết định thành lập tờ báo của Đảng bộ tỉnh, đánh dấu mốc lịch sử cho sự phát triển mới của tờ báo của Đảng bộ.

Tờ báo “Nhân dân Nghệ An” kể từ ngày 10/11/1961 trở thành một bộ phận của cơ quan Tỉnh ủy, hoạt động xuất bản định kỳ dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tòa soạn báo “Nhân dân Nghệ An” ra đời, gánh vác nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trên mặt trận sản xuất, xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nêu kinh nghiệm công tác Đảng, đoàn thể trong thời kỳ mới.

Báo “Nhân dân Nghệ An” năm thứ nhất in đen trắng, 4 trang, khổ báo là 39cm x 54cm, số đầu tiên ra ngày 12/9/1961 vào dịp kỷ niệm lần thứ 31 ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh. Dưới măng sét “Nhân dân Nghệ An” (với kiểu chữ chân phương không có chân, in màu đen số thường và màu đỏ cờ số đặc biệt) là dòng chữ “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An”. Báo “Nhân dân Nghệ An” phát hành vào ngày thứ 4 và thứ 7 hàng tuần.

Báo được in bằng kỹ thuật typô (xếp chữ rời thành bài, thành trang, rồi đổ chì liên kết thành trang, sau đó đặt bát chữ đã hoàn chỉnh vào máy in ngang). Ảnh in lên mặt báo được xử lý kỹ thuật chụp qua bản kẽm sau đó đóng đinh vào bát chữ đã hoàn chỉnh rồi đưa vào mâm máy in ngang. Các hạt tơram đậm nhạt lên mặt kẽm, khi chạy qua ru-lô, mực sẽ tạo nên hình ảnh cần thiết cho bức ảnh có nội dung thông tin khác nhau. Do kỹ thuật in ảnh trên bản kẽm và in trên mặt phẳng của máy in ngang nên phần lớn không bảo đảm chất lượng in và không chính xác theo ảnh ma-két. Những số báo cần in đẹp, in cả tranh cổ động, tranh áp phích, phải sử dụng kỹ thuật khắc gỗ để thể hiện chủ đề cần thông tin trên mặt báo. Do công nghệ in còn lạc hậu nên chỉ giúp bạn đọc phân biệt mức độ khác nhau về nội dung, chuyên mục, tầm quan trọng phải dùng kiểu phi-lê (khung hoa, khung kép, khung đơn hoặc những chấm hoa ngắt quãng) trên các mặt trang báo. Trong điều kiện in ấn chưa hiện đại nhưng những số báo ra năm đầu tiên với nội dung phong phú, phản ánh kịp thời và toàn diện gương mặt thi đua và phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trên quê hương Xô Viết đã thu hút đông đảo bạn đọc. Số lượng phát hành mỗi kỳ đạt xấp xỉ 2.000 tờ. Số báo “Nhân dân Nghệ An” ra vào ngày 30/9/1961 – một trong những số báo ra đầu tiên trước khi có quyết định chính thức vào ngày 10/11/1961, đã dành phần lớn nội dung đợt thi đua chào mừng Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô do Tỉnh ủy Nghệ An phát động (từ 1/10/1961 đến 17/10/1961). Báo “Nhân dân Nghệ An” số ra thứ 7 ngày 30/9/1961 đã đăng xã luận “Tích cực hưởng ứng đợt thi đua chào mừng Đại hội lần thứ 22 của Đảng Cộng sản Liên Xô”. Bài xã luận kêu gọi “Hướng về Đại hội lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô quang vinh, chúng ta hãy không ngừng phấn đấu, phát huy mọi lực lượng vật chất và trí tuệ, lao động và không ngừng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội toàn thắng”. Minh họa cho nội dung bài Xã luận là cụm tin, bài đặt ở vị trí quan trọng, phản ánh cán bộ, công nhân thị xã Vinh và các hợp tác xã ở Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên có nhiều lao động giỏi đạt danh hiệu “Trai, gái Đại Phong”, “Công nhân Duyên Hải” (là danh hiệu điển hình sản xuất giỏi về nông nghiệp toàn miền Bắc của tỉnh Quảng Bình và là lá cờ đầu ngành công nghiệp toàn miền Bắc của thành phố Hải Phòng).

Báo Nhân dân Nghệ An số 9 ra ngày 30/9/1961.
Báo Nhân dân Nghệ An số 9 ra ngày 30/9/1961.

Tuy mới xuất bản năm thứ nhất, chưa nhiều kinh nghiệm về tổ chức nội dung thông tin để thu hút bạn đọc, nhưng báo “Nhân dân Nghệ An” đã mở các chuyên mục “Trả lời bạn đọc”, “Hộp thư cộng tác viên, thông tin viên”, “Phim chiếu tuần này”, “To nhỏ bảo nhau”, “Theo dòng Thời sự”, “Tin tức thế giới”, “Bạn cần biết”, “Qua các huyện, thị”, “Kỹ thuật nông nghiệp”. Đặc biệt trên những số báo “Nhân dân Nghệ An” năm đầu tiên (1961) đã đăng thơ trữ tình, diễn ca, ca dao, thơ châm biếm, thơ đả kích, tranh vui, tranh biếm họa. Trên các số báo, ở vị trí phần cuối trang 4 đều dành đăng nội dung mời cộng tác viên, thông tin viên viết bài, đưa tin theo chủ đề từng số báo sắp xuất bản. Coi trọng tính chỉ đạo của báo chí, báo “Nhân dân Nghệ An” đã sử dụng thể loại điều tra rút nguyên nhân thành công và chưa thành công về tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, về nội dung “Cải tiến quản lý xí nghiệp công tư hợp doanh”, về tổng kết nhân rộng điển hình phong trào thi đua đạt danh hiệu “Trai, gái Đại Phong”, “Phấn đấu đuổi kịp điển hình cơ khí Duyên Hải”. Báo đã đăng loạt bài giới thiệu bài học lấy cơ sở công nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn làm điểm tựa hỗ trợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển vững chắc. Các bài điều tra đã phân tích, làm rõ năng lực phát triển thủ công nghiệp từ năm 1955 (toàn tỉnh mới có 4 xí nghiệp) đến năm 1961 (toàn tỉnh đã tăng lên 42 xí nghiệp). Riêng đề tài chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, báo “Nhân dân Nghệ An” đã có loạt bài điều tra tổng kết điển hình hợp tác xã Nam Thanh – Nam Đàn) đưa sản xuất vụ Đông Xuân thành vụ chính, làm tăng giá trị hàng hoá từ cây màu trên diện tích lúa nhiều năm trước thu hoạch thấp vì thiếu nước. Từ điển hình hợp tác xã Nam Thanh, sau khi báo nêu bài học, ngành nông nghiệp đã tổng kết và chỉ đạo 198 hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh có điều kiện canh tác như Nam Thanh chuyển vụ Đông Xuân thành vụ chính.

Từ tháng 4 năm 1961, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết về cuộc vận động “Xây dựng Chi bộ, Đảng bộ 4 tốt” nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng Chi bộ 4 tốt” do Hội nghị Trung ương lần thứ 4 đề ra. Sau ngày thành lập, báo “Nhân dân Nghệ An” đã dành 4 kỳ trong số 8 kỳ xuất bản/1 tháng để tuyên truyền nội dung xây dựng chi bộ 4 tốt, phản ánh phong trào thi đua phấn đấu đạt các tiêu chuẩn “ Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ 4 tốt”, “Đảng viên 4 tốt”. Chủ đề xây dựng Đảng với nội dung: Đảng viên thi đua tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, phát triển nhiều đảng viên mới được báo “Nhân dân Nghệ An” quan tâm thể hiện. Trong thập kỷ 60 và sau đó đã chính thức trở thành chuyên mục trên trang 2.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo nội dung, hình thức tờ báo của Đảng bộ. Đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nội dung những số báo đặc biệt. Riêng các số báo phản ánh những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm quê (lần thứ 2) từ ngày 8 đến ngày 14/12/1961, đồng chí Võ Thúc Đồng trực tiếp duyệt tin, bài, ảnh và ma két. Những ngày vui mừng xúc động đó, các phóng viên Phan Đình Sung, Nguyễn Duy Liêu, Nguyễn Thanh Phong, Phan Duy Hương (Dương Huy) được đi phục vụ viết bài, đưa tin. Bức ảnh cố nghệ sĩ Văn Đồng chụp Bác Hồ về thăm quê, đi cùng với Bác còn có hai phóng viên Phan Đình Sung, Nguyễn Duy Liêu của Báo Nghệ An. Hai nhà báo Thanh Phong, Dương Huy cũng được chụp ảnh chung với Bác. Những năm tháng ấy, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với Báo Nghệ An là rất sát sao, cụ thể, ân cần. Sau mỗi số báo xuất bản, khi xem xong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ ra những lỗi về nội dung, cách dùng từ, cách bố trí ảnh và góp ý lời chú thích ảnh để Toà soạn báo rút kinh nghiệm tổ chức xuất bản kỳ sau tốt hơn.

Để tăng cường chất lượng lãnh đạo chính trị và sự lãnh đạo của Đảng ngay tại cơ quan báo, ngày 25/1/1962, Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 10 thành lập Chi bộ Báo Nhân dân Nghệ An.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu