Những trang mạng có nội dung xấu và trách nhiệm của các cơ quan thông tin
Mấy ngày qua, dư luận khá quan tâm đến việc một số cơ quan báo chí đưa tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử lý các trang mạng đăng tải các nội dung thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước. Cùng với đó, khá nhiều các cơ quan báo chí đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng không ít các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng các trang mạng cá nhân nhằm mục đích xấu, đăng tải các thông tin chống phá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức.
(Baonghean) - Mấy ngày qua, dư luận khá quan tâm đến việc một số cơ quan báo chí đưa tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử lý các trang mạng đăng tải các nội dung thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước. Cùng với đó, khá nhiều các cơ quan báo chí đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng không ít các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng các trang mạng cá nhân nhằm mục đích xấu, đăng tải các thông tin chống phá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức.
Như vậy là mối lo về những ảnh hưởng, tác động trái chiều của Internet đã không còn là vấn đề xa xôi nữa. Ngay từ khi Việt Nam gia nhập và kết nối Internet toàn cầu (ngày 19 tháng 11 năm 1997) thì những nguy cơ về mặt trái, tác hại của Internet đã được cảnh báo. Thời gian gần đây, có không ít các trang mạng trong và ngoài nước luôn tranh thủ những vụ việc nổi cộm, những điểm nóng, những biểu hiện yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội để đưa ra những cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí, xuyên tạc sự thật, để rồi đưa ra những quy kết, đánh giá vội vàng, hời hợt. Đi xa hơn thế, một số trang mạng luôn lợi dụng các thời điểm nhạy cảm như các sự kiện thời sự, chính trị, các lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước, bằng hình thức mạo danh một số nhà hoạt động cựu trào hoặc vin vào một số tư liệu, tài liệu còn mù mờ về nguồn gốc, đã đưa ra những cách nhìn nhận, đánh giá với thái độ cay cú, hận thù, tìm mọi cách để phủ nhận các giá trị của các sự kiện, nhân vật lịch sử, phủ nhận những thành quả quan trọng trong các cuộc đấu tranh vì dân tộc dân chủ của nhân dân ta?!
Lợi dụng tình hình Đảng ta đang tiến hành thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, một số trang mạng đã tung ra các thông tin hư hư thực thực về đời tư của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý. Một số bài viết, bằng nhiều thủ pháp, biện pháp gian dối hết sức cao tay, đưa ra những thông tin bịa đặt để dựng nên những câu chuyện ly kỳ, phức tạp và vô cùng đen tối trong đội ngũ lãnh đạo các cấp. Để rồi từ đó, tạo ra hình ảnh sai lệch về một số vị trí chủ chốt trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân, gieo rắc sự hoài nghi, tâm lý xét lại. Việc xuất hiện và lan truyền mạnh những nội dung thông tin xấu như nói trên không thể nói là không có những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, đến niềm tin của một bộ phận nhân dân, thậm chí cả những người giữ chức vụ, vị trí quan trọng trong một số các cơ quan, đơn vị. Đó là điều hết sức nguy hiểm, không thể xem thường!
Hơn lúc nào hết, việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác thông qua các cơ quan thông tin chính thống là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tổ chức, cá nhân... cần chú trọng đến việc phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí, cơ quan thông tin để thực hiện tốt việc cung cấp, đăng tải thông tin.
Trong phạm vi quyền hạn, nghĩa vụ của mình, các tổ chức và cá nhân cần tạo điều kiện trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời. Ngoại trừ các nội dung thông tin thuộc phạm vi phải đảm bảo nguyên tắc bảo mật, bí mật, không nên tạo ra các vùng cấm không đáng có, hoặc không nên đưa tin một cách úp mở, thiếu rõ ràng; cần hạn chế tối đa việc không cung cấp thông tin chính thức nhưng lại để thông tin lọt lộ theo kiểu "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường"... Đối với các cơ quan báo chí, ngoài những nội dung thông tin cấm không được đăng tải trên báo chí theo Điều 10 của Luật Báo chí hiện hành, thì cần cung cấp, đăng tải các nội dung thông tin một cách trung thực, toàn diện, chính xác, rõ ràng. Đồng thời cũng cần đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tránh việc phản ánh nội dung thông tin một cách đơn điệu, hời hợt, thiếu nhanh nhạy, kịp thời, thiếu sức hấp dẫn, phong phú. Các cơ quan tuyên truyền cần sử dụng một cách hiệu quả, thiết thực các loại hình thông tin, các hình thức cung cấp thông tin đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để tránh tình trạng có vùng thiếu, vùng "trắng" thông tin. Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời có hình thức tuyên truyền phản bác, đẩy lùi, làm thất bại các âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết trong và ngoài Đảng.
Và, điều quan trọng là cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải không ngừng làm cho "sức đề kháng" mạnh lên bằng cách thực hiện tốt việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý ngày càng thực sự trong sạch, vững mạnh, có như thế mới mong hạn chế được những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng có nội dung xấu đang tràn lan và ảnh hưởng không nhỏ như hiện nay.
Trí Dũng Liêm