Những tỷ phú trồng rừng dưới chân núi Mồng Gà
(Baonghean) - Từ một xóm nghèo, làm lụng vất vả quanh năm nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Thậm chí, nhiều gia đình đành bỏ làng ra đi. Nhưng giờ đây, cuộc sống của người dân xóm núi ấy không chỉ đủ đầy, mà còn vươn lên khá, giàu. Những đổi thay ấy là nhờ người dân nơi đây gắn bó với nghề trồng rừng nguyên liệu…
Những cánh rừng nguyên liệu phủ xanh dãy núi Mồng Gà. Ảnh: Hữu Nghĩa |
Từ ốc đảo nghèo khó…
Chúng tôi về xóm 10, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành vào những ngày cuối tháng 5 trời nắng như đổ lửa. Nhìn xóm làng khang trang sau những ngọn đồi, sườn núi phủ một màu xanh tít tắp, ai cũng mừng về sự đổi thay ấy. Vùng đất năm xưa được mệnh danh là ốc đảo nghèo khó giờ trở thành vùng trồng rừng trọng điểm của huyện.
Trong ngôi nhà gỗ khang trang của xóm trưởng Nguyễn Bá Nghĩa, những người đàn ông địa phương rắn rỏi, nước da ngăm đen trải lòng về những câu chuyện cuộc đời gắn liền với mảnh đất chơi vơi giữa rừng núi trập trùng này. Nhấp ngụm nước chè xanh, bí thư chi bộ Trần Nguyên Hảo hồi tưởng, trước những năm 60 của thế kỷ trước, xóm chúng tôi cũng đông đúc lắm, nhưng sau đó, do điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt, cuộc sống quá khó khăn nên người làng dứt áo ra đi.
Người dân xã Lăng Thành (Yên Thành) trồng rừng nguyên liệu. Ảnh: H.N |
Tiếp lời, xóm trưởng Nguyễn Bá Nghĩa cho biết, suốt thời gian dài, cuộc sống của mấy chục hộ dân cứ trôi qua trong khốn khó. Đường đất mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi phủ mờ, đi lại vô cùng khó khăn. Làng chỉ cách trung tâm xã khoảng 13 km, nhưng đó là cả hai thế giới đối lập nhiều mặt. Ruộng lúa nước cũng chỉ được 50 ha nhưng chỉ làm được một vụ. Lúc đó, mọi người chỉ trông vào những cánh rừng của dãy núi Mồng Gà.
Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, cuộc sống sung túc vẫn cứ xa vời vợi… Tất cả những thay đổi chỉ đến khi người dân xóm núi được giao đất, giao rừng. Có tư liệu sản xuất là hàng chục ha đất chia cho mỗi gia đình, những người nông dân cần cù, lam lũ năng động bắt tay làm kinh tế. Những sườn đồi bạt ngàn dứa, đồng mía xanh ngút ngàn tầm mắt cho đến những vườn bạch đàn mạnh mẽ dần dần chinh phục đất cằn. Nhưng màu của sung túc, no ấm vẫn chưa hiện hữu khi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” bao phen đưa những người nông dân vào tình cảnh lao đao. Và thay đổi chỉ đến khi cây keo nguyên liệu bén duyên trên vùng đất này.
…đến xóm tỷ phú
Nhắc đến câu chuyện trồng keo sau bao phen thất bại với các loại cây trồng khác, ánh mắt của bí thư Hảo lại sáng lên một cách đầy tự hào. Gắn bó gần như cả cuộc đời với mảnh đất này, ông có hàng chục năm làm cán bộ xóm, từ đội trưởng hợp tác xã trong những tháng ngày bao cấp đến xóm trưởng, rồi đảm nhận vị trí Bí thư Chi bộ xóm 10. Chính ông là người đầu tiên đưa cây keo vào trồng trên diện tích đất sản xuất được giao của gia đình.
Làm rồi, ông lại tích cực vận động người dân trong xóm làm theo. Đến bây giờ thì cả xóm 10 đã có đến 2.000 ha rừng keo. Giờ đây, sau hơn 2 chu kỳ khai thác, giá trị kinh tế mà cây keo mang lại đã được khẳng định. Chỉ tính riêng gia đình bí thư Hảo có trên 60 ha đất rừng đều trồng keo, gia đình xóm trưởng Nghĩa cũng có hơn 35 ha. Dẫn chúng tôi về thăm ngôi nhà hai tầng đang được thi công, bí thư Hảo phấn khởi cho biết: “Từ đầu năm đến nay gia đình bán 20 ha keo thu lãi được khoảng 1,2 tỷ đồng. Cái nhà này làm từ tiền bán keo đó. Trước đây có khi nào dám mơ mình có ngôi nhà thế này”.
Gắn bó với cây keo, không chỉ gia đình bí thư Hảo mà đại đa số trong 187 hộ với 678 nhân khẩu thuộc xóm 10 đã có của ăn, của để. Thậm chí xóm có 17 gia đình mua được cả ô tô để phục vụ đi lại và vận chuyển keo nguyên liệu. Gia đình ông Nguyễn Hồng Tháí là một trong số đó. Gia đình ông chỉ có 10 ha keo, thu hoạch chu kỳ thứ nhất có chút lưng vốn, ông mạnh dạn đầu tư mua xe ô tô tải trị giá hơn 400 triệu đồng. Có được xe không những chủ động vận chuyển keo nguyên liệu của gia đình vào kỳ thu hoạch mà còn thường xuyên vận chuyển keo từ xóm 10 về nhà máy. Ông Thái cho biết: Mô hình trồng rừng và dịch vụ vận tải đã thực sự có hiệu quả, tạo thu nhập thường xuyên ổn định cho gia đình ông.
Đi một vòng quanh ngôi làng nhỏ, dưới những ngọn núi, sườn đồi xanh thẳm của rừng, những ngôi nhà lụp xụp xưa kia nay nhường lại cho những ngôi nhà kiên cố khang trang, nằm gọn ghẽ bên con đường bê tông trục chính vừa hoàn thành. “Con đường này được làm với sự hỗ trợ 60 tấn xi măng của Nhà nước, người dân trong xóm cũng đóng góp 300.000 đồng/khẩu để làm.
Người dân trồng rừng xóm 10, xã Lăng Thành (Yên Thành) trao đổi về trồng rừng nguyên liệu. Ảnh: H.N |
Tổng chiều dài đã hoàn thành hơn 1,3 km. Hiện nay, tính về hệ thống giao thông, xóm chúng tôi được đánh giá là nhất xã. Nghị quyết chi bộ có rồi, mục tiêu là đến năm 2020 sẽ hoàn thành làm đường bê tông 4 km đường giao thông nội xóm” - ông Nghĩa phấn khởi nói. Bên cạnh đó, do điều kiện đường sá xa xôi so với trung tâm xã, nhân dân trong xóm cũng đã đóng góp 200 triệu đồng để mua một căn nhà ba gian làm cơ sở y tế cho xóm. Điều này, ắt hẳn chỉ có nhân dân xóm 10 mới làm được.
Trời về chiều, cơn mưa rừng nặng hạt đổ bất ngời xuống xóm núi, quây quần bên chén nước, xóm trưởng Nghĩa và bí thư Hảo không giấu được niềm vui khi cho chúng tôi xem tấm ảnh những người con của các ông đang du học công nghệ thông tin ở Nhật Bản… Ngoài kia, những chuyến xe chở keo đang rầm rập vào ra mang đến màu xanh no ấm cho người dân nơi xóm núi. Câu chuyện đổi đời của những người nông dân tỷ phú ở xóm núi miền Tây Yên Thành mà minh chứng tràn đầy sức sống về hiệu quả của nghề trồng rừng.
Chính những người nông dân lam lũ ở xóm 10, xã Lăng Thành đã góp phần đánh thức tiềm năng vùng miền Tây rộng lớn nhưng điều kiện địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt của địa phương này. Hiệu quả từ việc trồng rừng nguyên liệu đem lại cuộc sống đổi đời cho xóm núi đã được khẳng định qua vài vụ, nhưng hiệu quả sẽ còn tăng lên, giá trị từ đất rừng sẽ thu về xứng đáng một khi bà con tiếp thu và áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, lựa chọn giống chuẩn khép kín quy trình trồng- chăm sóc- thu hoạch. Và núi Mồng Gà sẽ trở thành "rương tiền" theo một màu xanh bền vững, theo đúng nghĩa đen câu nói mà mỗi người dân quê lúa đều đã quen: “Phía trước kho lương, phía sau rương tiền”.
Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cho biết: Đối với những vùng, địa phương trong vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu của Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt như xóm 10 xã Lăng Thành, công ty sẽ khảo sát cụ thể, có sự phối hợp với địa phương, có chính sách hỗ trợ một số hộ trồng rừng tiêu biểu làm mô hình trồng rừng kỹ thuật cao. Theo đó, công ty sẽ đồng hành hỗ trợ không lãi suất giống, phân bón, thuốc diệt mối, kỹ thuật trồng, chăm sóc trong chu kỳ phát triển của cây nguyên liệu và cam kết thu mua toàn bộ nguyên liệu đến kỳ thu hoạch. |
Nghĩa Duy