Những vấn đề nóng 2016: Tiếp tục đối đầu với áp lực đến từ tỉ giá

21/02/2016 08:00

Tình hình thế giới năm 2016 sẽ biến động khôn lường và sẽ ảnh hưởng đến tài chính Việt Nam.

Năm 2016 tình hình thế giới sẽ đi vào biến động khôn lường. Giá dầu và khí đốt được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu thế giới không tăng trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không giảm nguồn cung… Hay nói cách khác dầu hỏa đang là vấn đề lớn của thế giới, kéo theo tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống. Cùng với đó, những biến động từ nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục lan sang và làm ảnh hưởng đến các thị trường khác. Chưa kể thế giới đầy rẫy mối quan hệ chằng chịt, phức tạp như biến động quân sự ở vùng Trung Đông, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Hồi giáo tự xưng…, tất cả điều đó sẽ tác động lên nền kinh tế thế giới. Và Việt Nam không thể nào an tâm tự tại trước những biến động ấy bởi chắc chắn chúng sẽ tác động đến tài chính Việt Nam.

2016: Hãy tập trung vào những hiệp định đã ký

Thứ nhất, một vấn đề rất được quan tâm hiện nay là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cách đây mấy tuần các nước đã ký với nhau một văn bản, tuy nhiên văn bản này chưa có tính pháp lý mà chỉ là văn bản ghi nhớ. Các nước sẽ đem văn bản ghi nhớ này về nước của mình và đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Vậy nên chúng ta không nên nghĩ rằng có văn bản ghi nhớ ấy coi như xong rồi. Bởi ngay như ở Mỹ, hiện nay chính phủ Mỹ chưa trình dự thảo đó ra Quốc hội chứ chưa nói đồng ý hay còn sửa đổi. Đặc biệt đây là năm bầu tổng thống Mỹ và các thành phần ứng cử cho vị trí quan trọng của Nhà Trắng đều “chống” TPP. Nên chắc chắn rằng trong năm nay họ không đưa TPP để bàn trước Quốc hội. Do vậy ở Mỹ phải hai năm nữa dự thảo này mới được đưa vào Quốc hội và rồi Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn nhưng chưa chắc tất cả quyết định trong dự thảo ấy tồn tại hay còn đưa ra những thay đổi khác nữa.

Vậy nên trong lúc này chúng ta đẩy niềm tin vào TPP một cách quá đáng và tuyên truyền TPP như một liều thuốc, một hướng đột phá cho nền kinh tế Việt Nam là không nên. Thậm chí điều này còn nguy hiểm vì nhiều người sẽ nghĩ TPP đến nơi rồi, các dự án chạy marathon mà đầu tư…

Tất nhiên tôi hy vọng Việt Nam gia nhập TPP để thay đổi, đổi mới và hội nhập thực sự nhưng con đường còn xa lắm. Vậy nên lúc này, năm nay mình tập trung những gì mình đang có, hơn là những cái mang tính chất xa vời. Riêng vấn đề hội nhập, nên tập trung vào các hiệp định hiện có và các thị trường đã có.

1
Việt Nam còn đứng xa trong mức cần có ở vấn đề hội nhập. Ảnh minh họa: HTD

Thứ hai, vấn đề nợ công cao và bội chi ngân sách tăng sẽ khiến chúng ta phải cảm thấy đau đầu. Nếu giả sử giá dầu xuống 30 USD/thùng sẽ ảnh hưởng thu chi ngân sách rất nhiều. Nhiều chuyên gia cũng nói rằng phải thay đổi thể chế bằng các thủ tục hành chính được rút ngắn quy trình… Nhưng nói như thế chỉ là nói hiện tượng bề ngoài của nền kinh tế Việt Nam. Cần cụ thể hơn nữa, chẳng hạn thay đổi vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước, sàng lọc những dự án đầu tư công và lĩnh vực tài chính cũng phải được đẩy mạnh để thực sự đi vào hội nhập. Chứ như hiện nay nhiều quốc gia chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam còn đứng xa trong mức cần có ở vấn đề hội nhập.

Năm 2016 Việt Nam tiếp tục phải đối đầu với áp lực đến từ tỉ giá. Hai tháng đầu năm tỉ giá có những diễn biến tương đối ổn định nhưng đi vào trong năm 2016 thì những áp lực vẫn đè lên tỉ giá.

Nên đặt ra vấn đề phá sản ngân hàng

Vấn đề ngân hàng, năm nay sẽ tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém. Cũng đã đến lúc cần đưa vấn đề phá sản ngân hàng vào vì đó là điều bình thường của nền kinh tế thị trường. Chúng ta không nên nghĩ rằng phá sản ngân hàng sẽ đưa đến đổ vỡ hệ thống vì chắc chắn mình hoàn toàn kiểm soát được. Và dân chúng gửi tiền vào ngân hàng cho phá sản cũng không bị mất tiền. Ở nhiều nước như Mỹ, mỗi tháng có thể cho cả chục ngân hàng phá sản cũng được nhưng đâu có đổ vỡ hệ thống. Nếu như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải mua các ngân hàng Xây dựng, Oceanbank… với giá 0 đồng, thay vì NHNN mua thì có thể cho phá sản. Với tiền huy động của dân tại các ngân hàng đó thì đem vào một ngân hàng khác. Như thế có nghĩa tiền gửi của dân chỉ là chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mà thôi nên không sợ dân rút tiền. Vấn đề phá sản nên đặt ra càng sớm càng tốt.

Năm nay cần có biện pháp quyết liệt hơn trong các vấn đề quản lý kinh tế và ngành tài chính, ngân hàng nói riêng. Bởi đây sẽ là năm chúng ta gặp nhiều biến động từ bên ngoài, cần phải có sự đón nhận, chuẩn bị cho nó phù hợp và không nên quá lạc quan.

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát, tăng trưởng. NHNN cũng đưa ra cơ chế tỉ giá trung tâm để điều hành linh hoạt hơn nhưng cần phải điều hành sao cho phù hợp hơn nữa với thị trường, sát với thị trường. Nếu cần điều chỉnh giá mạnh tay để hỗ trợ xuất khẩu… thì vẫn nên làm.

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Những vấn đề cần đẩy mạnh trong năm 2016

- Tiếp tục xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt triệt để phần nợ mua trong VAMC. Số nợ xấu cần xử lý triệt để từ nay đến năm 2020. Theo thông lệ quốc tế, hầu như các ngân hàng cũng mất khoảng 5-7 năm để xử lý nợ.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2, sáp nhập ngân hàng, hay việc tiếp quản một ngân hàng yếu kém cần được đẩy mạnh. Riêng vấn đề phá sản… chỉ là khi cực chẳng đã.

Cần phải hoàn thiện các định chế tài chính, áp dụng các chuẩn mực quốc tế, lành mạnh hóa tài chính… Riêng lĩnh vực tài chính và chứng khoán cần phải tái cơ cấu để lành mạnh hóa. Chính phủ phải chỉ đạo để phát triển thị trường vốn để cân bằng hơn trong thị trường tài chính.

Theo Pháp luật

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những vấn đề nóng 2016: Tiếp tục đối đầu với áp lực đến từ tỉ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO