Những vần thơ về 'chiến sỹ áo trắng'
(Baonghean.vn) - Những ngày này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa cuộc sống người dân khắp mọi miền, hình ảnh những “chiến sỹ áo trắng” lại in đậm trong tâm trí nhân dân. Những hy sinh cao cả của họ được khắc họa qua những vần thơ giàu cảm xúc.
Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 3, dù nhiều nước đã chế tạo được vắc-xin nhưng nhân loại vẫn chưa hết lao đao bởi vi rút Corona, không ít nơi đã lâm vào thảm họa. Người dân Việt Nam cũng không tránh khỏi mối lo âu và gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch. Và những “chiến sỹ áo trắng” trên dải đất hình chữ “S” đã và đang âm thầm đi vào cuộc chiến để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho đồng bào trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong đại dịch. Vì thế, hình ảnh của họ đi vào thơ ca vừa dung dị, vừa ngời sáng, mang lại niềm tin và nguồn năng lượng tinh thần cho toàn thể cộng đồng.
Những y, bác sỹ ngày đêm căng mình chống dịch. |
Đây là những câu thơ trong bài “Lặng thầm nghề y” của bác sỹ Lê Hoàng Tú: “… Em thấy gì, khi mỗi sáng nghe tin/ Cán bộ ngành y bao người nhiễm bệnh/ Bao chiếc áo tinh khôi ngã từ tâm dịch/ Cho quê hương, cho đồng loại chữ “sinh”/ Giữa những ngày đất nước bạn, nước mình/ Ai cũng hoang mang, bất an và phòng tránh/ Chỉ anh em ta vẫn tuyến đầu mặt trận/ Không ngại hiểm nguy để đất nước an bình…”. Lời thơ giản dị, mộc mạc và rất đỗi chân tình, những câu thơ đã gói gọn được tâm tình thầm kín của bao “chiến sỹ áo trắng” cơn đại dịch. Ở đó có nỗi lo lắng, xót xa, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chiến đấu vì nhân dân và đồng loại.
Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân nắng. Ảnh: Thành Cường |
Sức khỏe, sự bình an được xem là gia tài quý giá nhất của con người. Con người ta khi ốm đau, bệnh tật, sinh mạng bị đe dọa, không ai khác ngoài bác sỹ sẽ chăm sóc, cứu chữa và giành lại sự sống. Có người đã ví họ là “người mẹ thứ hai”, vì không có sự ra tay cứu chữa sự sống sẽ không được tiếp nối.
Nhưng sự thực, không mấy người hiểu được tường tận những vất vả, sự hy sinh của những người khoác blouse trắng. Điều này được tác giả Nguyễn Đình Cường chia sẻ trong bài “Rất vinh dự được mang danh thầy thuốc”: “Đêm thèm ngủ nhưng không hề chợp mắt/ Vì bệnh nhân luôn đau đớn kêu rên/ Chuyện trực ca của bác sỹ hằng đêm/ Đã gắn nghiệp vào cuộc đời thầy thuốc/ Tình yêu nghề đã làm nên ngọn đuốc/ Soi tim ta đến hạnh phúc mọi nhà/ Duyên phận rồi ta đâu có kêu ca/ Là bổn phận, nghĩa là tình đồng loại”.
Các nhân viên y tế đã bật khóc khi chứng kiến sự ra đi hàng ngày của các bệnh nhân COVID-19. |
Đã bước chân vào nghề y nghĩa là chấp nhận vất vả, áp lực và sự hy sinh, nhất là trong cuộc sống gia đình. Đàn ông đã vất vả, phụ nữ lại càng thiệt thòi hơn. Cho nên, qua bài “Tâm sự của một nữ bác sỹ”, tác giả Trương Túy Anh đã giãi bày: “Đêm giao thừa em vô trực/ Dẫu biết rằng anh rất cực vì con/ Bệnh nhân đau đớn, gầy mòn/ Em đâu thể bỏ châm ngôn của nghề/ Lương y – từ mẫu em thề/ Luyện rèn y đức chẳng hề được quên/ Đêm đêm có lúc buồn tênh/ Nhớ thương con nhỏ, gối mềm đơn côi…”.
Những nhọc nhằn, gian khổ và áp lực là có thật nhưng không vì thế mà các “chiến sỹ áo trắng” nản lòng, lùi bước. Mà ngược lại, khi quyết định khoác áo blouse, bước chân vào con đường chữa bệnh cứu người, các y, bác sỹ luôn tâm niệm mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng khi chia sẻ điều này, tác giả Nguyễn Ngọc René lại viết những câu thơ vô cùng mộc mạc: “Mộng áo trắng một đời bác sỹ/ Thành lương y hoan hỷ cứu người/ Ai lo chăm học một thời/ Ngày nay gắn bó một trời nhà thương/… Đời thấy thuốc nguyện thề tim hứa/ Cứu bệnh nhân chan chứa lòng thành/ Chỉ mong như áng mây xanh/ Mọi người sức khỏe an lành niềm vui” (“Đời áo trắng”).
Có lẽ vì thế những “chiến sỹ áo trắng” thường được ví như những bông hoa, góp phần tỏa hương giữa cuộc đời, mang đến nguồn vui và sự an lành cho cuộc sống. Một tác giả có bút danh Người lính đã viết: “Như bông hoa nở giữa đời/ Nhẹ nhàng em đến với người ốm đau/ Có cần phép thuật chi đâu/ Nàng tiên áo trắng bay vào cõi nhân/… Dẫu còn vất vả khó khăn/ Không làm phai ánh trăng ngần trong em/ Trăm năm sen vẫn là sen/ Tấm lòng thầy thuốc – mẹ hiền tỏa hương” (“Bông hoa cuộc đời”).
Không thể thống kê hết đã có bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu tác giả viết về những “chiến binh áo trắng”. Điều này cho thấy niềm kính trọng, biết ơn và sự tôn vinh của người đời dành cho các lương y luôn tỏa rạng và không có chiều kích để cân, đo, đong, đếm.