Nicolas Sarkozy:"Quá nhiều thời gian đã bị lãng phí"

20/11/2015 11:13

(Baonghean) - Cựu Tổng thống Pháp, Chủ tịch đảng UMP Nicolas Sarkozy trả lời phỏng vấn tờ Le Monde, bày tỏ quan điểm về những chính sách an ninh mà Pháp đã, đang và sẽ triển khai từ sau sự kiện khủng bố 13/11.

Ông có hài lòng với bài diễn văn của đương kim Tổng thống Francois Hollande trước Quốc hội hôm 16/11?

Chúng ta đã chứng kiến một màn đảo ngược bất ngờ, chưa từng có và đầy ngoạn mục về chính sách an ninh cũng như đối ngoại của chính phủ. Bản thân tôi hưởng ứng sự thay đổi này bởi nó tương đồng với những gì chúng tôi đề xuất suốt nhiều tháng qua.

Ôg Nicolas Sarkozy từng giữ chức Tổng thống nước Cộng hoà Pháp trong thời gian 16/5/2007 - 16/5/2012. Ảnh: EPA
Ôg Nicolas Sarkozy từng giữ chức Tổng thống nước Cộng hoà Pháp trong thời gian 16/5/2007 - 16/5/2012. Ảnh: EPA

Về mặt đối nội, việc tước bỏ quốc tịch Pháp của các đối tượng khủng bố có 2 quốc tịch và sinh tại Pháp đã được nhận định như một sự cần thiết. Chúng tôi đã đề xuất vấn đề này từ tháng 1 năm nay mà không được chấp nhận.

Về chính sách đối ngoại, cuối cùng thì Tổng thống cũng chấp nhận bắt tay Vladimir Putin trong một liên minh lớn và thừa nhận rằng cuộc chiến chống lại Daech sẽ không thể đi đến thắng lợi nếu không liên kết với Nga.

Những đề xuất của đảng Cộng hoà đã được chấp nhận, liệu đảng Cộng hoà sẽ có thái độ hợp tác hơn với Chính phủ?

Sau sự thay đổi lớn này, thái độ của đảng Cộng hoà đối lập chắc chắn sẽ có sự chuyển biến mang tính xây dựng hơn. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Tại sao sự thay đổi lại đến chậm trễ như vậy? Tại sao những điều này không được làm từ trước đó?

Sự kiện khủng bố tại toà soạn Charlie Hebdo xảy ra từ cách đây gần 1 năm. Ngay sau thời điểm đó, tất cả những gì mà đảng đối lập đề xuất đều không được chấp nhận.

Còn nhiều nỗ lực cần phải thực hiện, ví dụ như việc cấm và xử phạt đối với những người truy cập, theo dõi các trang web của chủ nghĩa thánh chiến. Hoặc việc triển khai dự án PNR - hồ sơ dữ liệu châu Âu về các hành khách hàng không.

Ông có ý kiến như thế nào về đề xuất thay đổi Hiến pháp của đương kim Tổng thống?

Về mặt lý thuyết, tôi không phản đối cải cách Hiến pháp, nhưng mọi sự còn phụ thuộc vào nội dung cải cách. Chúng tôi sẽ xem xét nội dung của nó một cách sâu sát và thực tế nhất.

Nếu những cải cách này cho phép ngay lập tức củng cố an ninh và an toàn cho người Pháp, chúng tôi sẽ ủng hộ. Còn nếu những điều này chỉ để mở ra một cuộc tranh luận pháp lý, chính công dân của chúng ta sẽ phản ứng trước tiên.

Liệu đây có phải là “cái bẫy” của ngài Tổng thống khi phê duyệt một loạt các đề xuất của đảng đối lập?

Tôi không nghĩ vậy. Bởi, để đề xuất cải cách Hiến pháp được chấp thuận, phải có được đa số phiếu chiếm trên 3/5 tổng số Nghị sỹ từ Hạ viện và Thượng viện. Nếu đảng đối lập không hợp tác thì cải cách Hiến pháp là điều không thể.

Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande cần sự hợp tác của đảng đối lập để thông qua cải cách Hiến pháp. Ảnh: MaxPPP
Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande cần sự hợp tác của đảng đối lập để thông qua cải cách Hiến pháp. Ảnh: MaxPPP

Vậy nên tôi hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục xem xét các đề xuất chưa được đả động đến của chúng tôi. Trong đó có 2 giải pháp mang tính thiết yếu: quản thúc tại gia và đeo vòng tay điện tử đối với các đối tượng trong hồ sơ “S” - được các cơ quan tình báo xác định là nguy cơ tiềm ẩn đe doạ an ninh quốc gia; gia hạn thời gian giam giữ đảm bảo đối với các phạm nhân khủng bố mãn hạn tù.

2 biện pháp này hiện đang bị cản trở về mặt pháp lý và một cuộc cải cách Hiến pháp chính là chìa khoá tháo dỡ chướng ngại.

Từng đề cập đến các “kẽ hở” trong “hệ thống an ninh Pháp”, theo ông liệu có khả năng để tránh những vụ tấn công như thế này hay không?

Với con số thương vong chưa từng có như thế này, nếu vẫn khẳng định hệ thống an ninh không có lỗ hổng thì phải chờ thương vong lớn mức nào người ta mới chịu chấp nhận thực tế đó? Những bài học kinh nghiệm có được rút ra từ sự kiện Charlie Hebdo và chuỗi khủng bố hồi tháng 1 vừa qua hay không? Câu trả lời là không.

Quá nhiều thời gian đã bị lãng phí. Uỷ ban điều tra Quốc hội đã công bố bản báo cáo vào tháng 6 và viết thư cho Tổng thống hồi tháng 9 vừa qua. Trong đó có những đề xuất rất cụ thể, nhưng các tác giả của nó chưa từng nhận được câu trả lời từ chính phủ…

Sau khi can thiệp quân sự tại Syria, chính phủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những hệ quả và nguy cơ đối với an ninh trong nước. Đáng lẽ ngay từ lúc đó chúng ta đã phải củng cố lại hệ thống an ninh chống khủng bố rồi.

Mối liên hệ nào giữa khủng hoảng nhập cư và các chiến binh thánh chiến xâm nhập vào Pháp?

Chúng ta không được đánh đồng người nhập cư với các chiến binh thánh chiến. Nhưng có một thực tế là khủng hoảng tại Syria đã mở ra ở biên giới châu Âu cơ hội tốt cho khủng bố trà trộn.

Tôi cho rằng cần phải triệu tập Hội đồng lãnh đạo các quốc gia châu Âu. Hệ thống Schengen cũ đã “chết” rồi. Phải duy trì kiểm soát biên giới cho đến khi một hệ thống mới được triển khai. Lúc đó, các nước phải thống nhất về một chính sách nhập cư chung.

Đương kim Tổng thống cũng đã quá xem nhẹ tình hình kinh tế và tài chính của nước Pháp khi bàn về các giải pháp an ninh, đối nội và đối ngoại trong bối cảnh như hiện nay. Sự thâm hụt ngân sách và nợ công đang là gánh nặng đối với tính độc lập, tự chủ của chúng ta.

Thục Anh

(Theo Le Monde)

Mới nhất
x
Nicolas Sarkozy:"Quá nhiều thời gian đã bị lãng phí"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO