Niềm vui ở xóm nhỏ Kỳ Sơn

25/12/2012 22:55

(Baonghean) Qua lời giới thiệu của UBMTTQ huyện Yên Thành, chúng tôi về xóm Kỳ Sơn, xã Phúc Thành khi đã cận kề ngày lễ Giáng sinh. Cảm nhận sau một ngày lưu lại là cuộc sống của bà con lương giáo nơi đây tuy còn vất vả nhưng giữ được tình thân ái gắn bó xây dựng quê hương…

Xóm Kỳ Sơn được thành lập năm 1978 (khi xã Phúc Thành có phong trào di dân). Đến nay, xóm có 78 hộ, 342 nhân khẩu, trong đó 46 hộ giáo dân thuộc Giáo họ Diệu Kỳ. Những ngày này, dù còn đó những khó khăn trong cuộc sống, nhưng không khí đón mừng ngày lễ trọng đã hiện ra rất rõ. Bà con Giáo dân giáo họ Diệu Kỳ, ai cũng muốn ngày lễ Giáng sinh của giáo họ, của gia đình mình thật trọn vẹn, vui vẻ.



Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi - một hộ giáo dân làm ăn giỏi ở xóm Kỳ Sơn.

Trong không khí đó, ông Phan Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng mục vụ họ Diệu Kỳ, ông Trần Văn Xuân - Bí thư Chi bộ xóm Kỳ Sơn hồ hởi cho biết: Năm nay Kỳ Sơn vui hơn bởi đã xây dựng được nhà văn hóa, sân thể thao đạt tiêu chuẩn và thánh đường - nơi con giáo dân sinh hoạt nghi lễ - khang trang. Đưa chúng tôi đi thăm nhà văn hóa và thánh đường, các ông Vinh, Xuân cho biết, những nơi này được xây dựng bởi công sức của đồng bào lương giáo. Để xây dựng nhà văn hóa rộng 100 m2, sân vui chơi thể thao có quy mô 3.500 m2, xã hỗ trợ 20 triệu đồng, còn nhân dân đóng góp 300 triệu đồng trong thời gian 2 năm (bình quân một khẩu 600 nghìn đồng, trẻ em dưới 6 tuổi, người già từ 60 tuổi trở lên không phải đóng góp). Còn với thánh đường có diện tích sử dụng 300m2, thì tất cả nhân dân Kỳ Sơn đều tham gia ủng hộ ngày công xây dựng.

Với quyết tâm xây dựng quê hương mình ngày càng tốt đẹp, Chi bộ Kỳ Sơn đã cùng cán bộ xóm phối hợp với Hội đồng mục vụ Giáo họ Diệu Kỳ tổ chức nhiều mô hình, hoạt động để thông qua đó, bà con lương giáo giúp đỡ nhau làm kinh tế, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và dạy bảo tốt cháu con. Một hoạt động thực sự mang lại hiệu quả là việc xóm Kỳ Sơn đã vận động tổ chức lập ra 5 tổ phường để người dân giúp nhau có thêm vốn phát triển kinh tế. Ở đây, mỗi tổ phường từ 10 đến 18 hộ tham gia, mỗi hộ đóng 150 nghìn đồng/tháng. Tổ phường có tổ trưởng, thư ký là những người có uy tín và được giám sát chặt chẽ bởi cán bộ xóm. Hàng tháng, các phường đều tổ chức họp đánh giá hoạt động, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời động viên các tổ tham gia đóng góp chung cho xóm. Ông Vinh “khoe”: 5 năm qua ở đây không xẩy ra vụ việc an ninh nghiêm trọng. Chiều về, sân thể thao xóm luôn đông đúc, rộn ràng tiếng hò reo cổ vũ cho các đội bóng...

Ở Kỳ Sơn, việc giáo dục thế hệ trẻ cũng được quan tâm chu đáo. Cứ vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, MTTQ xóm, Hội Khuyến học tổ chức tặng quà cho các cháu học giỏi, thăm và động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, giáo họ còn trích quỹ thưởng, tặng giấy khen cho các cháu. Với sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, giáo họ cùng ý thức của các bậc ông bà, cha mẹ, sự học của con cháu ngày càng có những bước tiến bộ; dù trường học ở khá xa nhưng ở Kỳ Sơn không có cháu nào phải nghỉ học, bỏ học…

Cũng bởi sự gắn kết, tương thân tương ái của nhân dân nên năm 2011- 2012, khi thực hiện chủ trương, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóm Kỳ Sơn đã đạt được những kết quả đáng mừng. Xã Phúc Thành được huyện chọn làm xã điểm, trong đó, việc chuyển đổi ruộng đất được lựa chọn làm tiêu chí đầu tiên. Ban công tác mặt trận xóm đã tổ chức 7 cuộc họp để phân tích, động viên nhân dân tích cực ủng hộ chủ trương. Bước đầu, nhân dân chưa hiểu, chưa hình dung ra vì địa hình, chất đất của xóm không đồng đều, ruộng manh mún…, bình quân một hộ có 5 - 9 thửa nên rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, ban chấp hành xóm, ban công tác mặt trận xóm đã kiên trì tuyên truyền vận động và rồi nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, hiến công, góp tiền để xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng và giao thông thôn xóm. Để xây dựng 5.060m đường giao thông (trong đó có 2.640m giao thông nội đồng, 2.420m giao thông thôn xóm), với diện tích mặt đường rộng 5m, hai bên đường có 2 mương (mương rộng 1m), nhân dân Kỳ Sơn đã tự nguyện hiến 1,93 ha đất, đóng góp 390 ngày công và 317,5 triệu đồng. Cho đến nay, việc chuyển đổi đất, làm đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng đã hoàn thành. Năm 2012 đã đi vào sản xuất được 2 vụ. Ông Xuân phấn khởi: “Qua thực tế, việc chuyển đổi ruộng đất thuận tiện cho thâm canh sản xuất. Mỗi hộ nay chỉ sản xuất trên 1 thửa với giao thông nội đồng đủ tiêu chuẩn cho cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhân dân yên tâm đầu tư thâm canh và đã đạt kết quả tốt ngay vụ sản xuất đầu tiên. Sản lượng đạt từ 4 - 6 tạ/sào/năm nên nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự đổi mới ngay trên quê hương mình...

Cùng với ông Phan Văn Vinh, ông Trần Văn Xuân và anh Nguyễn Trọng Kiên - Phó Chủ tịch MTTQ xã Phúc Thành, chúng tôi đã tới thăm gia đình anh Lê Văn Quý - một giáo dân nghèo được nhân dân ủng hộ xóa nhà tranh tre dột nát và một số gia đình ở Kỳ Sơn. Đến nơi nào, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui từ họ. Tại nhà anh Nguyễn Văn Lợi - một giáo dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu, anh đang cùng vợ cật lực làm việc bên chiếc máy đóng táp lô nhưng rất vui vẻ đón chào. Bên bát chè xanh, gạt những giọt mồ hôi trên trán, Lợi kể về những đêm Noel ở Kỳ Sơn: “Toàn dân, không kể lương giáo đều tụ hội đến sáng đêm. Mọi người tham gia văn nghệ, bắt thăm câu hỏi rồi trả lời, ai trả lời đúng thì được nhận thưởng, vui, vui lắm!...”.


Nhật Lân

Mới nhất
x
Niềm vui ở xóm nhỏ Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO