Kinh tế

Niên vụ 2024-2025, diện tích, năng suất và giá mía ở Nghệ An đều tăng

Doãn Trí Tuệ 27/01/2025 08:18

Vụ ép năm nay cả nhà máy và người trồng mía đều vui mừng bước vào vụ thu hoạch. Có 3 cái được lớn, được diện tích, được năng suất và được cả giá thu mua.

Mía liên tục được mùa, được giá

Với người nông dân không gì vui mừng bằng được mùa, được giá sẽ tạo động lực mạnh để bà con nông dân đầu tư nhiều vào sản xuất với hy vọng đem lại thu nhập cao. Chính vì vậy, niên vụ ép 2023 - 2024 toàn tỉnh trồng được gần 21.000 ha mía, tăng hơn niên vụ 2022 - 2023 gần 1.000ha, năng suất mía đạt xấp xỉ 68 tấn/ha, cao hơn vụ ép năm trước gần 2 tấn/ha. Điều đặc biệt là các nhà máy chế biến đường không vì mía được mùa mà giảm giá thu mua mía của nông dân, giá thu mua mía vẫn ổn định ở mức như vụ ép trước, từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn mía.

Niên vụ ép 2024 - 2025 này, bà con nông dân ở các huyện thuộc vùng mía nguyên liệu của các nhà máy chế biến đường Sông Con, Sông Lam, Công ty Mía đường Nghệ An (NASU) thu hoạch mía với tinh thần phấn khởi.

Bà con xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ vui mừng khi vụ mía năm nay được mùa, lại được nhà máy đường thu mua với giá tương đương như năm ngoái (1.100 đồng/kg). Với giá đó, nếu năng suất cao thì cây mía là cây hiệu quả nhất ở Tân Kỳ hiện nay.

Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: Mía là cây trồng chủ lực của xã, vụ mía này toàn xã trồng được gần 200 ha. Ngay từ đầu vụ, bà con nông dân đã trực tiếp ký hợp đồng với Nhà máy đường Sông Con về việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại ruộng với giá thỏa thuận tại thời điểm thu mua. Theo ông Thành, vụ mía năm nay khả năng đạt được năng suất bình quân trên 70 tấn/ha, có hộ như gia đình ông Văn, bà Ngoan... có thể đạt được năng suất mía từ 100 tấn/ha trở lên. Ba năm nay, cây mía thực sự mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân.

Theo báo cáo của phòng NN&PTNT Tân Kỳ, vụ mía năm nay toàn huyện trồng được gần 5.000 ha, năng suất mía dự kiến đạt bình quân trên 60 tấn/ha, nhiều xã như: Giai Xuân, Tân Long, Nghĩa Đồng,... có thể đạt được năng suất mía trên 100 tấn/ha. Nguyên nhân chủ yếu vụ mía năm nay đạt được năng suất cao là nhờ bà con nông dân đầu tư thâm canh nhiều hơn, thời tiết thuận lợi hơn, hạn hán và mưa bão không xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt là giá cả thu mua mía của nhà máy vẫn giữ ổn định ở mức cao trên 1 triệu đồng/tấn mía trở lên.

Tại huyện Quỳ Hợp, nơi có Công ty Mía đường Nghệ An (NASU) đóng tại địa phương đã bắt đầu vào mùa thu hoạch mía từ ngày 6/12/2024. Vụ mía năm nay vùng mía nguyên liệu của Công ty NASU có diện tích mía trồng được 14.400 ha. Trong số này huyện Quỳ Hợp trồng được 6.426 ha, Nghĩa Đàn trồng được 5478 ha. Năng suất mía bình quân chung cả vùng mía nguyên liệu (14.000 ha) dự kiến đạt bình quân 61,62 tấn/ha.

Ông Ngô Văn Tú - Giám đốc Công ty Mía đường NASU cho biết, nhà máy đã bắt đầu thu mua mía nguyên liệu và đi vào vụ ép từ ngày 06/12/2024. Vụ ép năm nay công ty vẫn bảo đảm thu mua hết 100% mía cho bà con nông dân tại ruộng với giá đầu vụ 1,12 triệu đồng/tấn, giữa vụ 1,20 triệu đồng/tấn và cuối vụ 1,22 triệu đồng/tấn.

Công ty Mía đường NASU là đơn vị rất quan tâm đến quyền và lợi ích của người trồng mía. Điều đó được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ người trồng mía có nhu cầu vay tiền được công ty không tính lãi suất, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt cả vụ từ trồng đến thu hoạch, hỗ trợ kinh phí và máy móc làm đường giao thông nội vùng trồng mía, hỗ trợ giảm trừ tạp chất mía thu hoạch bằng máy và tăng giá thu mua mía có độ đường lớn hơn 0,5 ccs so với độ đường bình quân chung trong 5 ngày, mỗi độ ccs là 60.000 đồng.

hoang.jpg
Thu hoạch mía ở Nhà máy đường Sông Con. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An cho biết, vụ mía năm nay toàn tỉnh trồng được 22.206 ha mía nguyên liệu, năng suất dự kiến đạt bình quân 61,63 tấn/ha, sản lượng khoảng 1.172.603 tấn.
So với vụ mía năm 2023, năng suất không cao hơn, nhưng diện tích tăng hơn 1.200 ha. Đây là năm thứ tư liên tục, giá thu mua ở Nghệ An luôn ổn định ở mức khá cao. Với giá thu mua mía như hiện nay người trồng mía có lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Đồng thời cũng là năm thứ 4 diện tích và năng suất liên tục tăng ở mức độ khác nhau. Từ đây bài học rút ra là ngoài việc thực hiện tốt các biện pháp thâm canh về giống, phân bón, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi... thì cơ chế chính sách, nhất là giá cả thu mua mía nguyên liệu đã tạo động lực để bà con nông dân yên tâm, phấn khởi sản xuất.

Cân nhắc khi mở rộng diện tích

Trong cơ chế thị trường tự do hiện nay, việc tăng và giảm giá cả mua bán bất cứ một loại sản phẩm nào là chuyện bình thường. Vì vậy, gieo trồng cây gì trong cơ chế thị trường hiện nay phải trên cơ sở cung cầu gắn liền với chất lượng sản phẩm. Bài học giải cứu sản phẩm rau, củ, quả cho bà con nông dân chuyên canh vùng rau ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, hành tăm Nghi Lộc, gừng Kỳ Sơn... là những minh chứng còn nguyên giá trị. Bất cứ một loại sản phẩm nào khi cung vượt cầu, sản phẩm sẽ dư thừa, dẫn đến khó tiêu thụ cho dù phải giảm giá bán đến mức thấp. Lúc này, cơ sở sản xuất và bà con nông dân phải yêu cầu sự giúp đỡ để tránh phải thua lỗ nặng.
Riêng cây mía không thể áp dụng chủ trương kêu gọi giải cứu như các cây trồng khác được, mà phải chịu cảnh bắt buộc bán ép giá, bán tháo, bán chạy để vừa giải phóng đất trồng vụ tiếp theo hoặc trồng cây trồng khác; vừa không để mía già ra hoa làm giảm nghiêm trọng chất lượng đường, mật trong cây mía. Nếu để cây mía ra hoa, rất khó bán, thậm chí bán không ai mua. Từ đó, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân tốt nhất không nên chạy theo giá cả thu mua cao mà đua nhau mở rộng diện tích trồng mía hay bất cứ cây trồng nào cũng vậy.

Biện pháp tốt nhất là tập trung thâm canh để có năng suất cao nhất, sản lượng lớn nhất thay vì mở rộng diện tích. Biện pháp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tiết kiệm đất canh tác để gieo trồng cây khác.

Năng suất cây mía ở Nghệ An đang ở mức bình quân dưới 70 tấn/ha, còn thấp. Hiện tại đã có rất nhiều cơ sở sản xuất và hộ gia đình ở các huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương... đạt được năng suất mía từ 120 - 140 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ tiềm năng khai thác năng suất mía ở Nghệ An còn rất lớn, nếu chúng ta có biện pháp thâm canh tốt. Nếu thực chất nhu cầu mía nguyên liệu của nhà máy chế biến đường nào đang còn, cung chưa đáp ứng cầu thì có thể mở rộng diện tích trồng thêm. Nhưng, trong trường hợp này phải có hợp đồng kinh tế giữa người trồng mía và nhà máy về việc tiêu thụ sản phẩm.

Thu hoạch mía ở Nam danf
Thu hoạch mía ở Nam Đàn. Ảnh: Trân Châu

Nghệ An có 3 nhà máy chế biến đường với công suất 15.500 tấn/ngày. Nhưng suốt cả thời gian từ năm 2013 - 2020 có duy nhất niên vụ 2016 - 2017 trồng được 24.019 ha mía, năng suất đạt bình quân 56,1 tấn/ha. Các năm sau đó giảm dần vì giá cả thu mua mía của các nhà máy chỉ dao động ở mức 780 - 800 đồng/kg mía, giá quá thấp, nông dân ít có lãi, nên diện tích mía niên vụ 2019 - 2020 chỉ còn lại 19.825 ha. Tiếp đến niên vụ 2020 - 2021, diện tích mía xuống còn gần 18.500 ha, năng suất đạt bình quân 60 tấn/ha. Giá thu mua tăng lên bình quân 950 đồng/kg, nông dân phấn khởi đầu tư chăm sóc tốt hơn. Bước sang niên vụ 2021 - 2022, diện tích mía tăng lên 19.223 ha, năng suất đạt bình quân 61 tấn/ha, sản lượng 1.173.000 tấn. Tiếp đến niên vụ 2022 - 2023 diện tích mía tăng lên 20.200 ha, năng suất đạt xấp xỉ 66 tấn/ha, nhà máy thu mua với giá 1.100 đồng/kg mía, cao nhất từ nhiều năm nay.

Mới nhất

x
Niên vụ 2024-2025, diện tích, năng suất và giá mía ở Nghệ An đều tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO