Níu giữ nét xưa qua tranh vẽ

17/12/2013 23:45

(Baonghean) - Suốt ngày ông Vang Văn Phùng (bản Phòng, Thạch Giám, Tương Dương) miệt mài với những bức vẽ. Ông thường vẽ phong cảnh, không gian bản làng và sắc phục cổ truyền của đồng bào Thái. Ông như muốn lưu lại vốn quý của cha ông, giữ mãi vẻ đẹp truyền thống của bản làng. Bà con gọi ông với cái tên trìu mến “ông già hoài niệm”…

Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phủ Tương, một trong những chiếc nôi của văn hóa Thái Nghệ An. Tiết tấu, âm điệu của tiếng cồng, chiêng của những nghệ nhân trong bản đã bồi đắp cho ông thế giới tinh thần phong phú. Đến tuổi thanh niên, Vang Văn Phùng được cử đi học ngành Mỹ thuật. Giữa chừng, chiến tranh ác liệt, ông được cử gia nhập Đoàn Ca múa Nghệ An với vai trò là người trang trí sân khấu. Nhiệm vụ của Đoàn là đi khắp nơi biểu diễn để cổ vũ tinh thần chiến đấu và sản xuất, tất cả hướng về tiền tuyến miền Nam. Tại đây, Vang Văn Phùng được gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sỹ An Thuyên, được ông hát tặng ca khúc “Em chọn lối này” khi vừa mới được sáng tác. Sau đó, ông chuyển về công tác ở Huyện đội Tương Dương, làm nhân viên đánh máy chữ của UBND huyện, rồi làm cán bộ văn hóa. Năm 1990, ông xin nghỉ theo chế độ nhận lương hưu một lần.

Giờ đây, khi con cái đã trưởng thành, ở tuổi ngoài 60, ông Phùng lại tìm về với công việc mình yêu thích. Đó là vẽ tranh và sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ và tìm lại những vật dụng đặc trưng của dân tộc mình. Theo ông, tiện nghi và các vật dụng thời hiện đại đã giúp người dân các bản làng nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhưng nó cũng đẩy những giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Những ngôi nhà sàn cổ ít đi, thiếu nữ Thái không mặn mà với những bộ trang phục dân tộc, trai bản không mấy thiết tha với chiếc khèn, chiếc pí và những khúc dân ca. Những vật dụng thường ngày của ông cha rơi dần vào quên lãng. Vì thế, trong bộ tranh vẽ của ông chất chứa hoài niệm về những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc Thái.

Đó là một góc của bản làng người Thái nằm ven dòng suối mát trong, với những ngôi nhà sàn cổ kính dưới rặng dừa thấp thoáng. Là đêm hội múa xòe bập bùng trong ánh lửa, những vẻ mặt tươi vui bên chóe rượu cần cùng điệu lăm vông quyến rũ. Là vũ điệu rộn ràng của trò khắc luống. Là điệu múa khèn của chàng trai bản. Là cô gái Thái duyên dáng với ống bương nước trên vai... Tất cả toát lên nhịp sống bình yên, chứa chan tình đoàn kết cộng đồng của bản làng người Thái. Ông Phùng chia sẻ: “Tui vẽ tranh không phải để bán, cũng không phải để “khoe”, mà cái chính là để lưu giữ những nét đẹp văn hóa. Có thể mai đây con cháu sẽ tìm lại những nét đẹp cổ truyền, bộ sưu tập tranh của mình ít nhiều sẽ giúp ích...”.

Ông Vang Văn Phùng còn có bộ sưu tập khá phong phú về các vật dụng đặc trưng của dân tộc Thái. Đó là chiếc khèn bè, sáp, pí, mâm mây, bế, ép xôi, mô hình nhà sàn... Những vật dụng này được ông cất giữ với mục đích để những thế hệ tiếp sau hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của tổ tiên mình.

Ở Tương Dương, ông Vang Văn Phùng còn được biết đến là “linh hồn” của CLB Dân ca - Dân vũ bản Phòng. Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, từ khi CLB thành lập đến nay ông luôn giữ vai trò chính trong dàn dựng các tiết mục biểu diễn. Sở trường của ông là dàn dựng các tiết mục hát múa, vì qua đó ông phát huy được vốn kiến thức tổng hợp về văn hóa - văn nghệ của dân tộc Thái. Câu lạc bộ Dân ca - Dân vũ bản Phòng trở thành hạt nhân của đội văn nghệ huyện trong các kỳ tham gia giao lưu, biểu diễn ở cấp tỉnh; được đại diện cho toàn tỉnh tham gia festival Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai (2009), tham gia biểu diễn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Nội).

Bà Lữ Thị Phương, vợ ông cũng là một nghệ nhân tiêu biểu của CLB. Bà tham gia đội hát một cách tích cực và thường xuyên có mặt trong những tiết mục hát dân ca. Không chỉ trong cuộc sống gia đình mà cả trong sinh hoạt CLB, vợ chồng ông bà thực sự là “cặp đôi hoàn hảo”. Những đóng góp của ông đã được các cấp chính quyền và ngành văn hóa ghi nhận. Mới đây, ông được tỉnh tặng bặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Công Kiên

Mới nhất
x
Níu giữ nét xưa qua tranh vẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO