Nổ lốp trên cao tốc nguy hiểm như thế nào?
Xe khi di chuyển trên cao tốc với tốc độ cao thì sự cố nổ lốp có thể gây mất lái, làm xe chao đảo và có thể bị lật.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi xe chạy trên đường cao tốc có độ nhám cao, xe lại di chuyển ở tốc độ cao nên lực ma sát lớn, sinh ra nhiệt làm không khí giãn nở khiến lốp xe dễ gặp sự cố. Nếu lốp cũ, lốp yếu, lốp kém chất lượng thì khi chạy trên đường cao tốc dễ bị nổ hơn. Vì thế, mỗi lốp ô tô khi di chuyển được 40.000 - 50.000 km hoặc qua thời gian 4-5 năm thì chủ xe nên thay mới.
Kể cả khi mặt lốp xe chưa mòn nhiều thì việc lão hóa tự nhiên bên trong cũng đã làm giảm khả năng chịu tải của lốp. Bên cạnh đó cần thường xuyên theo dõi áp suất lốp, để dễ theo dõi có thể trang bị cảm biến áp suất lốp xe.
Trong quá trình sử dụng, nhiều chủ xe chưa quan tâm đến việc kiểm tra lốp xe, để hơi quá non hoặc bơm quá căng, khiến lốp xe nhanh xuống cấp. Đặc biệt, trong điều kiện đường sá của Việt Nam còn xấu và vào mùa nắng nóng, nguy cơ nổ lốp càng cao hơn.
Do đó, nên kiểm tra, bảo dưỡng, đảo lốp lốp định kỳ. Nếu lốp đã mòn nên thay mới, tránh cố gắng sử dụng lại sẽ rất nguy hiểm.
Xe càng cũ, gầm xe càng cao, nguy hiểm càng lớn
Với những mẫu xe đời mới, hệ thống an toàn điện tử được trang bị đầy đủ nên khi nổ lốp ở tốc độ cao, người lái có thể xử lý tình huống trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với xe đời sâu, thiếu nhiều tính năng an toàn hoặc có nhưng không hoạt động, việc nổ lốp có thể gây nguy hiểm chết người.
Cụ thể, khi ô tô bất ngờ bị nổ lốp, nhất là khi vận hành trên đường cao tốc, xe sẽ chao đảo, khó kiểm soát. Trên các xe đời mới hiện nay, tình huống này có sự can thiệp của các hệ thống an toàn như cân bằng điện tử ESP, chống lật, kiểm soát độ bám đường...giúp xe nhanh chóng lấy lại cân bằng, giúp người lái kiểm soát và dừng xe an toàn.
Cách xử lý tình huống đầu tiên khi xe bị nổ lốp theo phản xạ của nhiều người sẽ đạp nhồi phanh để xe dừng lại nhanh chóng, điều này cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi ô tô bị nổ lốp lúc đang di chuyển ở tốc độ cao hay đang vận hành trên đường cao tốc.
Bởi phanh gấp dễ khiến xe bị nghiêng, mất trọng tâm và độ bám đường, dẫn đến bị lật. Trường hợp này thường gặp với các dòng xe gầm cao như SUV, Crossover, xe bán tải… Khi phanh gấp trong trường hợp một bánh đã nổ, các bánh xe còn lại mất độ bám đường, trượt dẫn đến mất lái, tài xế xoay vô lăng trái/phải nhiều lần, xe mất kiểm soát va chạm vào các vật cản khác như con lươn, taluy, phương tiện khác, dẫn đến lật xe.
Đối với xe đời cũ thường không được trang bị các tính năng an toàn hỗ trợ, mâm xe kích thước nhỏ, lốp dày, việc giữ cho xe luôn ở trạng thái đi thẳng cân bằng khi gặp tình huống nổ lốp ở tốc độ cao hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người lái cũng như sự may mắn.
Với những mẫu sedan có trọng tâm thấp, nếu bị nổ lốp và mất lái, xe không dễ bị lật nếu không gặp tác động nào khác trong quá trình xe trượt trên đường như đâm vào con lươn, các phương tiện cùng di chuyển... Xe chỉ có thể xoay vòng chứ không thể tự lật.
Như vậy, nếu kết hợp nhiều yếu tố "xấu" như xe SUV có trọng tâm cao, xe đời cũ thiếu các tính năng an toàn điện tử hỗ trợ, chạy tốc độ cao, khi gặp tình huống nổ lốp bất ngờ trên cao tốc rất dễ bị lật xe. Nếu hành khách bên trong không thắt dây an toàn, việc lật xe có thể khiến hành khách văng ra ngoài, gây nguy hiểm đến tính mạng.