Nỗ lực giảm phát thải và nâng hiệu quả kinh tế rừng ở Nghệ An

Nghệ An có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong phát triển rừng, tuy nhiên thực tế bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng vẫn chưa tương xứng tiềm năng và kỳ vọng. Những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Nghệ An cũng là 1 trong 6 tỉnh trong vùng thực hiện Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ của Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp.

Nghệ An có trên 965.056 ha diện tích đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên 784.339 ha, rừng trồng 180.717 ha; có gần 271.000 ha đất chưa có rừng, độ che phủ rừng toàn tỉnh là 58,5%. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất phần lớn là rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn, sản phẩm gỗ chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ nên năng suất và chất lượng rừng trồng thấp, trung bình chỉ đạt 10-12m3/ha/năm và lợi nhuận bình quân/năm từ 7-9 triệu đồng/ha. Thực trạng đó không những ảnh hưởng tới giá trị sản phẩm gỗ, thu nhập của người dân, mà còn hạn chế trong bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính diễn biến phức tạp, ngày càng tác động và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người. Giảm thiểu những hoạt động làm nóng nhiệt độ trái đất, tích cực trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái được coi là yêu cầu bức thiết.

Trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.

Tuy vậy, chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài – theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện vẫn gặp nhiều thách thức.

Ông Bạch Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường chưa chặt chẽ, trong khi đó, chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn dài, vốn đầu tư lớn nên chỉ những hộ có đủ vốn và diện tích lớn mới có điều kiện thực hiện. Về phía ngân hàng cũng không mặn mà cho vay vốn do chu kỳ kinh doanh dài và rủi ro cao. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường nguyên liệu giấy, băm dăm lại tăng mạnh nên chủ rừng mới chỉ xác định kinh doanh rừng cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ mà ít tính đến trồng rừng gỗ lớn”

Trước thực trạng trên, Nghệ An đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến sâu, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nêu rõ chủ trương giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ dăm gỗ sang các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất sử dụng gỗ lớn…

Nghệ An có chủ trương giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn. Ảnh: Văn Trường
Nghệ An có chủ trương giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn. Ảnh: Văn Trường

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Nghệ An tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các loài cây trồng lâm nghiệp thích hợp theo từng vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn, năng suất chất lượng cao; xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện để người dân cùng doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng bền vững, thực hiện chính sách tín dụng vay vốn trồng rừng.

Đặc biệt, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và tiếp cận thị trường thế giới. Tập trung thay đổi nhận thức sử dụng gỗ hợp pháp, dùng gỗ rừng trồng.

Cùng nỗ lực phát triển rừng gỗ lớn để giảm phát thải, Nghệ An cũng là 1 trong 6 tỉnh trong vùng thực hiện Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.
Các hoạt động chính của đề án là thực hiện sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng. Đặc biệt, nếu tiếp cận được thị trường các-bon, nguồn thu từ REDD+ sẽ giảm đáng kể áp lực đối với nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả vùng Bắc Trung Bộ nói chung.

Chăm sóc cây giống đầu dòng tại vườn ươm của Viện KHKT Bắc Trung Bộ. Ảnh: Phú Hương
Chăm sóc cây giống đầu dòng tại vườn ươm của Viện KHKT Bắc Trung Bộ. Ảnh: Phú Hương

Về ứng dụng công nghệ và tạo nguồn nhân lực cho ngành Lâm nghiệp thời gian qua, các hoạt động REDD+ đã hỗ trợ địa phương hệ thống máy tính bảng phục vụ công tác cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, kỹ thuật tu bổ phục hồi rừng tự nhiên, kỹ thuật lâm sinh trong làm giàu rừng tự nhiên cho các đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án giao rừng, cho thuê rừng; phương án cấp bách phòng, chống chặt phá, khai thác lâm sản trái phép vùng trọng điểm.

“Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; giúp người dân hiểu được, bảo vệ rừng không chỉ giúp bảo vệ cuộc sống, đảm bảo môi trường sinh thái, giảm thiệt hại do thiên tai mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó cùng nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh”. Ông Bạch Quốc Dũng chia sẻ thêm.

Kiểm tra công tác PCCCR ở xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Văn Trường
Kiểm tra công tác PCCCR ở xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Văn Trường

Trên thực tế, REDD+ vẫn là một lĩnh vực khá mới. Các đơn vị Kiểm lâm cần phối, kết hợp với địa phương tập trung cải thiện sinh kế người dân sống dựa vào rừng. Cùng với đó, nâng cao nhận thức về môi trường và xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.

Quá trình đó, người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số cần nỗ lực hơn trong việc giảm thiểu phát thải và tích lũy khí nhà kính bằng hàng loạt các công việc thường ngày đang làm, như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác như không phát, đốt rừng…

Đến nay, có thể khẳng định, Nghệ An đã chuyển dần trọng tâm từ “nhiều rừng hơn” sang “rừng tốt hơn”, nhận thức về giá trị của rừng sâu sắc hơn và thể chế hóa một cách toàn diện; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài ngành lâm nghiệp tham gia bảo vệ rừng, hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, bảo đảm phát triển nông nghiệp không còn là nguyên nhân gây suy thoái rừng; bảo đảm quyền sử dụng đất lâm nghiệp và rừng của cộng đồng sống trong rừng và gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số theo Luật Lâm nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội sinh kế từ rừng cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.