Nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với khai thác hải sản của Việt Nam
(Baonghean.vn) - Theo dự kiến, tháng 1/2019, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong hoạt động khai thác hải sản.
Sáng 3/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Tại đầu cầu Nghệ An đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng. Ảnh: Phú Hương |
Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.
Cùng với các hoạt động khác, việc ban hành Chỉ thị số 45/CT- TTg được coi là một trong những động thái kịp thời của Chính phủ nhằm khắc phục cảnh báo này của EC.
Các bộ, ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khắc phục các bất cập theo khuyến nghị của EC. Đến tháng 5/2018, có 22/28 UBND tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" theo Chỉ thị số 45/CT- TTG, một số tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương và bộ, ngành cần tiếp tục các biện pháp hiệu quả để tiến tới gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC. Ảnh: Phú Hương |
Sau hơn 8 tháng, Việt Nam đã cơ bản nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU; nhận thức về chống khai thác IUU đã được nâng lên; tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.
Trong đợt kiểm tra tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra EC đã đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong các hành động chống khai thác IUU.
Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, Nghệ An đã nỗ lực trong kiểm soát chống khai thác IUU và đạt nhiều kết quả tích cực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng ngư dân; công tác tuần tra, kiểm soát và giám sát được tăng cường; các hành vi vi phạm được xử lý triệt để.
Tuy nhiên, do sản phẩm khai thác về qua cảng cá còn ít nên việc kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá xuất, nhập bến hết sức khó khăn; các hành vi vi phạm còn xảy ra…
Thời gian tới, Nghệ An chủ trương tiếp tục triển khai các giải pháp, thực hiện Chỉ thị số 45/CT- TTg nhằm giảm thiểu, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp và khắc phục "thẻ vàng".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ những tồn tại trong khai thác hải sản của Việt Nam chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: Phú Hương |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ: Luật Thủy sản cơ bản đã nội luật hóa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU; tuy nhiên, cần tiếp tục quy định trong các văn bản dưới luật về một số vấn đề cần thiết.
Theo kế hoạch, tháng 10/2018 Đoàn Nghị viện Châu Âu sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam và tháng 1/2019 Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại kiểm tra, trên cơ sở đánh giá của đoàn, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu vươn khơi bám biển. Ảnh: Xuân Hoàng |
Vì vậy, từ nay đến 31/12/2018, cần tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ tháng 1/2019; Thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ về "thẻ vàng" và các quy định phải tuân thủ, thực hiện; triển khai các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; kiểm soát tốt nguyên liệu thủy sản nhập khẩu…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là cơ hội để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, quyết tâm không để EC nâng lên mức cảnh báo “thẻ đỏ” đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam./.