Nỗ lực xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Thanh Chương

Phát huy truyền thống hiếu học, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và người dân Thanh Chương tập trung xây dựng trường chuẩn, tạo môi trường tốt nhất cho con em học tập, trưởng thành.

Trường Mầm non Thanh Long được đầu tư xây dựng gồm 10 phòng học cao tầng và bếp ăn 1 chiều. Các phòng chức năng, nhà hiệu bộ và văn phòng, thư viện được đầu tư đồng bộ. Khuôn viên hơn 5.200 m2. Khu vực trường được thiết kế ngăn nắp, đẹp đẽ từ “vườn cổ tích” đến “chợ quê”, khu giáo dục thể chất ngoài trời, khu vui chơi, vườn cây ăn quả, vườn rau dinh dưỡng, bồn hoa, cây cảnh… Điều đó, tạo sự phấn khởi cho con em ở vùng nông thôn điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn được hưởng một môi trường giáo dục đạt chuẩn.

Cô giáo Cao Thị Chung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Long chia sẻ: Từ sự kêu gọi xã hội hóa của huyện, xã, năm 2017, nhà trường được Ngân hàng Agrilbank tài trợ 11,7 tỷ đồng cộng với lồng ghép nguồn xây dựng NTM, huy động con em xa quê và nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng để xây dựng mới trường này. Bên cạnh đóng góp tiền, phụ huynh cũng đã rất dày công trong việc tìm đá và trực tiếp ghép đường, làm suối nhân tạo trong “vườn cổ tích”; làm “chợ quê” mô phỏng, vườn cây ăn quả, vườn rau dinh dưỡng, sân trường. Song song với việc đầu tư đạt chuẩn về cơ sở vật chất, nhà trường cũng chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thông qua tăng cường dự giờ thăm lớp để bổ cứu cho từng giáo viên qua từng giờ học. Với sự nỗ lực đó, tháng 6/2019, Trường Mầm non Thanh Long được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; kết thúc năm học 2018 – 2019, trường vươn lên xếp thứ nhất toàn huyện và được xếp loại tập thể xuất sắc cấp tỉnh, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Ở xã Thanh Long, trường trung học cơ sở cũng được xây dựng chuẩn trên cơ sở hỗ trợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cộng với vốn lồng ghép từ Chương trình xây dựng NTM, huy động nhân dân đóng góp và con em xa quê ủng hộ với tổng hơn 11 tỷ đồng. Hiện tại, trường có 1 dãy nhà cao tầng, gồm 8 phòng học; 4 dãy nhà xây dựng kiên cố làm phòng học đa chức năng, thư viện, nhà hiệu bộ và văn phòng. Các thiết bị bên trong như máy tính, máy chiếu, tivi và các thiết bị phục vụ thực hành Hóa – Lý –  Sinh cũng được con em xa quê hỗ trợ. Trường THCS Thanh Long đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào tháng 8/2018.

Cũng là địa bàn khó khăn, xã Thanh Mai từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài tiếp tục đầu tư, củng cố để trường tiểu học thẩm định, công nhận đạt chuẩn lại năm 2017 thì cũng đã tập trung xây dựng Trường THCS Thanh Mai đạt chuẩn Quốc gia đầu năm 2018. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ: Sự chủ động của các trường học trong việc xây dựng và giữ chuẩn đóng vai trò quan trọng và quyết định. Các trường chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, kể cả kêu gọi con em xa quê ủng hộ. Bên cạnh đó, các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ để thực hiện được mục tiêu quan trọng và cuối cùng của việc xây dựng trường chuẩn là nâng cao chất lượng dạy và học. Và thực tiễn, chất lượng dạy và học ở cả 2 trường tiểu học, THCS ngày càng được nâng cao cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Riêng Trường THCS Thanh Mai, trong năm 2018 – 2019 vừa qua có 38 học sinh giỏi cấp huyện; 8 giáo viên dạy giỏi huyện.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xây dựng thêm 19 trường đạt chuẩn Quốc gia và có 4 trường nâng chuẩn từ mức 1 lên mức 2. Lũy kế tổng số trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện đến thời điểm này có 90/127 trường, đạt 70,86%. Trong năm học 2019 -2020 này, huyện đang đặt ra quyết tâm xây dựng thêm 6 trường đạt chuẩn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chiến, trong 5 tiêu chuẩn trường chuẩn thì khó nhất là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Và các trường xây dựng trường chuẩn sau này đều khó khăn về cơ sở vật chất, trong khi đó, việc huy động ngân sách của địa phương cũng như sự đóng góp của phụ huynh hạn chế. Song với kinh nghiệm đã làm trong mấy năm gần đây, đó là đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi con em xa quê thành đạt, các nhà hảo tâm về tài trợ cũng như tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình lồng ghép Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 gắn với ngân sách huyện hỗ trợ, cho nên các trường xây dựng chuẩn sau này đều rất khang trang, bề thế. Cụ thể bình quân mỗi năm, UBND huyện trích ngân sách 15 – 20 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trường chuẩn và đồng thời kêu gọi xã hội giáo dục từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê hỗ trợ hơn 82 tỷ đồng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia chính là nâng cao chất lượng  dạy và học trong các nhà trường. Điều kiện để thực hiện mục tiêu này, đó chính là cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ; bởi vậy, song song với xây dựng trường chuẩn, Thanh Chương chỉ đạo các địa phương, các nhà trường chăm lo củng cố cơ sở vật chất, có giải pháp rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên sau đạt chuẩn, vừa đảm bảo điều kiện để công nhận lại sau 5 năm theo quy định, vừa đảm bảo thực chất, bền vững của trường chuẩn, bởi trường chuẩn không phải là một danh hiệu mà là thương hiệu của nhà trường để phấn đấu liên tục và không ngừng. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 36 trường ở 3 bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thẩm định, công nhận sau thời hạn 5 năm.

Thực tiễn, qua xây dựng trường đạt chuẩn, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ở các bậc học ở Thanh Chương hàng năm đều tăng. Tính riêng năm học 2018 – 2019 vừa qua, ở bậc tiểu học, có 40 trường tham gia các cuộc thi Olympic các môn học dành cho học sinh lớp 5 với 40 giải đồng đội và 240 giải cá nhân; có 8 sản phẩm đạt giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng cấp tỉnh.

Bậc trung học cơ sở có 642 học sinh giỏi cấp huyện và 35 học sinh giỏi cấp tỉnh; 28 sản phẩm đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện và 2 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh.

Bậc trung học phổ thông có 82 học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 giải nhất, 17 giải nhì, 37 giải ba và 27 giải khuyến khích; 3 giải cuộc thi nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều trường học được công nhận ở giai đoạn trước, với thời gian được công nhận chuẩn đã 10 – 15 năm, cơ sở vật chất xuống cấp. Bên cạnh đó tiêu chuẩn trường chuẩn theo quy định hiện nay so với giai đoạn trường được nâng lên rất nhiều, dẫn đến không đạt chuẩn ở giai đoạn hiện tại.

Đơn cử Trường THPT Thanh Chương I, được công nhận chuẩn từ năm 2004, đến nay tròn 15 năm. Hiện nhà trường đang thiếu phòng đa chức năng và khu hành chính quản trị không đảm bảo. Hay Trường THPT Thanh Chương 3, mặc dù đủ các phòng chức năng nhưng diện tích chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu.

Tương tự tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt được công nhận đạt chuẩn từ năm học 2004 – 2005 và hiện trạng cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu chuẩn. Phòng thực hành Hóa – Sinh chỉ đáp ứng 60% yêu cầu; phòng thực hành đang phải sử dụng phòng truyền thống; phòng Tin học, Ngoại ngữ chưa đảm bảo về diện tích, trang thiết bị phòng Ngoại ngữ không sử dụng được; thiếu phòng giáo dục nghệ thuật, phòng thường trực, công đoàn, phòng tư vấn.

Tính chung cả huyện hiện có 29/90 trường mầm non, THCS, THPT được công nhận ở giai đoạn trước và đang có khó khăn về cơ sở vật chất cần tiếp tục đầu tư để được thẩm định và công nhận lại chuẩn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chiến cho biết, để khắc phục tình trạng này, huyện đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường quá thời hạn 5 năm rà soát, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các tiêu chuẩn để đảm bảo đủ điều kiện công nhận lại. UBND huyện cũng giao phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu huyện để có sự chỉ đạo chung trong vấn đề công nhận lại các trường đến thời hạn và hết thời hạn; vừa củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đối với các trường trong thời hạn để các trường đạt chuẩn phát triển bền vững và thực sự nổi trội về chất lượng dạy và học, có môi trường xanh – sạch – đẹp.

Quang cảnh thị trấn Thanh Chương.
Quang cảnh thị trấn Thanh Chương.