“Nở”

Giật mình và không thể tin nổi, có lẽ đó là cảm giác của bất kỳ ai khi nghe thông tin dự án nạo vét sông Sào Khê 72 tỷ đồng đã đội vốn lên 2.595 tỷ! Không phải gấp rưỡi hay gấp đôi, mà là gấp ba mươi sáu lần so với ban đầu. Một con số ở một tình huống hẳn nằm ngoài hình dung của nhiều người.

___________________

ó ghê gớm đến nỗi một đại biểu Quốc hội đã phải thảng thốt trước nghị trường bằng phép tu từ khá hình ảnh rằng “Trên thế giới không thể có bất kỳ một loại bột nở nào tác dụng khủng khiếp đến như vậy”. Tất nhiên làm gì có. Cái “bột nở” nằm trong ụ nổi của Vinashin hay đường sắt trên cao trước đây tưởng “vô địch thế giới” rồi nay bỗng nhiên thành… “muỗi”! Dự án nạo vét sông Sào Khê chính thức thẳng tiến vào lịch sử ngành xây dựng Việt Nam, thậm chí có thể là lịch sử xây dựng thế giới bằng một con số đạp đổ mọi kỷ lục thời đại mà có lẽ những ai theo thuyết âm mưu thì chỉ có thể cho rằng nó được vận chuyển về từ một hành tinh khác!  Nói như ngôn ngữ giới trẻ là “choáng!”.

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê. Ảnh: Nguyễn Trường - Công Phương
Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê. Ảnh: Nguyễn Trường - Công Phương

Dẫu sao thì con số 2.595 tỷ cũng có công làm cho con sông Sào Khê bỗng dưng trở nên nổi tiếng nhanh chóng và hiệu quả hơn vạn lần so với cách quảng bá truyền thống của cơ quan du lịch. Giờ đây mỗi khi ghé cố đô Hoa Lư, khách lữ hành có đủ lý do để dừng chân bên dòng sông Sào Khê thơ mộng, vừa thưởng lãm vẻ đẹp danh thắng Tràng An đồng thời cũng tận mắt một lần xem người ta đã “nạo vét” hai ngàn năm trăm tỷ sạch như thế nào.

Sau khi con số mang theo ngàn câu hỏi hóc búa ấy được Tổng Kiểm toán Nhà nước công bố tại kỳ họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương, nơi gói “bột nở” vừa đoạt kỷ lục thế giới kia dường như ngay lập tức đăng đàn rằng “không phải dự án đội vốn nào cũng mờ ám”. Ô kìa, không có tật thì chớ giật mình, đã ai nói mờ ám đâu, chỉ là “thiên hạ đệ nhất nở” thôi mà! Và cũng từ căn miệng của con người đầy trách nhiệm ấy ung dung khẳng định “lỗi ở đây thuộc về cái… cơ chế”. Tóm lại, bức tranh sự việc được tức tốc vẽ ra thông qua ba nét cọ cơ bản: một đội vốn khủng khiếp, hai không mờ ám và ba là lỗi nếu có thuộc về “đồng chí Nguyễn Cơ Chế”. Chấm hết.

Hay nhất vẫn là khẳng định của lãnh đạo địa phương này rằng “Nguyên nhân là do khảo sát không kỹ”. Thế là hết, thế là hòa, thế là bó tay! Lỗi thuộc về cơ chế, nguyên nhân thuộc về khảo sát mà! Vậy cơ chế từ đâu sinh ra? Ai khảo sát? Lại bó tay tiếp! Vẫn không tài nào tìm ra bóng dáng con người bởi họ chỉ được phép đúng, đúng và đúng! Trong lúc các đại biểu của địa phương này đang tìm cách tranh thủ tô màu và đính lá ngụy trang cho những phát biểu của mình thì ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) bày tỏ quan điểm ủng hộ địa phương bằng cách mời thanh tra vào cuộc, để kết luận đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan, và nếu làm tốt thì để mà… khen thưởng. Ông còn bồi trúc thêm “để các đồng chí ở tỉnh NB không băn khoăn thắc mắc và cử tri thấy rõ ràng”. Thưa đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ông nói đúng, cần thanh tra thôi. Ngọc càng mài càng bóng. Đã khẳng định trong sáng thì thanh tra càng tốt chứ sao, thanh tra để minh định vấn đề, thanh tra để lôi cổ cái cơ chế nào làm nên tội đồ mà trị, ít nhất thanh tra cũng gột cho địa phương ấy khỏi hai chữ “mờ ám” mà họ vừa chủ động phát âm kia!

Quan điểm xử lý của đại biểu rất trách nhiệm, việc so sánh chuyện đội vốn với “bột nở” không hề khôi hài, thậm chí rất tuyệt trong kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Không phải tự nhiên mà chữ “nở” vừa được đại biểu dùng trong nghị trường ngay lập tức tràn  lên các mặt báo. Chữ “nở” mà các đại biểu dùng trong trường hợp này được hiểu như là một hiện tượng vật lý làm tăng thể tích nhưng lại không làm tăng khối lượng. Và bột nở chính là chất xúc tác làm nên sự thay đổi hình dạng ban đầu của vật. Điều bàng hoàng ở đây là khả năng giãn nở thần kỳ của dự án mà thôi.

Dân gian lâu nay truyền miệng với nhau câu ngạn ngữ tự chế rằng “phi tăng vốn bất thành dự án”. Vấn nạn hợp sức kéo vốn lên trời chả có gì là lạ cả, nó dường như là một chiêu bài của những “tay” làm dự án chuyên nghiệp. Để qua cửa ải đầu tiên và khó khăn nhất có tên là “chủ trương đầu tư” thì tất nhiên các nhà gọi là chuyên môn phải nặn vắt sao cho lọt khuôn năng lực tài chính. Phương châm của nhà làm dự án là phải có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cái đã, rồi quá trình thực hiện dự án khi quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã mặn nồng thì mới bắt đầu công đoạn cho bột nở vào.

Liệu có ai biết được rằng “bột nở” chiếm bao nhiêu phần trăm phần thể tích tăng thêm? Chịu thôi. Người ta thì vẫn cứ đồn đại rằng nó được điều chỉnh bằng một bộ luật bất thành văn nào đó. Không ai biết, không ai nhìn thấy chỉ có thể mường tượng về mối tương quan giữa hai “hàm số” này là một đại lượng tỷ lệ thuận. “Bột nở” càng nhiều thì độ trương phình càng lớn. Đại loại thế, hình như thế, nôm na thế!

Tranh minh họa:plo.vn
Tranh minh họa:plo.vn

Người xưa có câu rằng “xé mắm mút tay”. Ừ, đã phải dùng đến tay để xé con mắm thì trước khi rửa sạch lỡ có đưa lên miệng mút tý vị mặn cũng là phản xạ sinh học thông thường. Nhưng tìm cách cho bột vào để dăm con mắm nở thành cả nồi mắm thậm chí cả mấy chục nồi mắm nhằm mục đích nhón đi vài con mắm lại là chuyện khác. Nó khởi sinh từ bản chất ham hố của con người chứ không nên ăn vạ “cơ chế”. Câu chuyện đội vốn làm nóng nghị trường đã mấy lần rồi, nó đã được nhóm lên từ những nhiệm kỳ trước. Nhưng rồi sau mỗi kỳ họp nó lại lắng xuống và âm thầm lớn lên. Dự án nạo vét sông Sào Khê chỉ là ví dụ điển hình, trước nó, quanh nó đầy rẫy  những dự án “vừa hành quân vừa xếp hàng” đấy thôi. Tạm thời loại bỏ yếu tố tiêu cực thì rõ ràng nó vẫn là bệnh, bệnh của tùy tiện, bệnh của quan liêu – tổ hợp bệnh mãn tính của một thế hệ cán bộ mang nặng tư duy nhiệm kỳ.

Đường sắt trên cao đã khắc vào tâm khảm các nhà quản lý một bài học, nhưng dẫu sao công trình có quy mô và tính chất đặc biệt này cũng mới lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam, cả vốn và nhà thầu thi công đều có yếu tố nước ngoài, kinh nghiệm tất nhiên còn hạn chế. Trong những phát biểu bức xúc của người dân ít nhiều vẫn có sự thông cảm. Nhưng dự án nạo vét Sào Khê và cả ngàn “em út” Sào Khê chưa “lộ hàng” nữa thì sao?  Liệu thanh tra nào đủ sức đi mà làm cho hết được? Luật Đầu tư đã đi vào cuộc sống 4 năm rồi, chả nhẽ vẫn cứ mãi chấp nhận cảnh xắn quần đuổi theo dự án hay sao? Thanh tra là cần thiết nhưng hình như thuốc giảm đau không có tác dụng chữa bệnh. Để khỏi bị giật mình bởi những con số như Sào Khê có lẽ đến lúc chúng ta cần xây dựng một môi trường đầu tư công thực sự lành mạnh trên cơ sở lấy minh bạch làm tiêu chí số một. Tiêu cực chỉ có thể trú ẩn bên ngoài sự giám sát của nhân dân. Mỗi khi cái gọi là “cơ chế” còn bị lợi dụng như một công cụ phòng thân thì chúng ta vẫn còn phải chấp nhận những công trình “Thị Nở”!