Nỗ lực lớn trong thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2024 ở Nghệ An

Trân Châu 20/05/2024 08:23

(Baonghean.vn) - Theo Nghị quyết số 18/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An, mục tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt từ 26.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Năm 2023, Nghệ An đã đạt được số thu 21.508 tỷ đồng, bằng 135,6% dự toán HĐND tỉnh giao; 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 7.711 tỷ đồng.


Tiệm cận mục tiêu

Để thực hiện được những nhiệm vụ thu ngân sách đảm bảo chi trong một giai đoạn, thì các cơ sở pháp lý là “kim chỉ nam” để xây dựng triển khai các mục tiêu. Đối với Nghệ An, Quốc hội đã có Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39 -NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý tài chính - ngân sách, các cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ những nút thắt, tạo môi trường ổn định, huy động tối đa các nguồn lực để tăng thu ngân sách nhà nước.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An .jpeg
Khu công nghiệp VSIP đón các nhà đầu tư mới. Ảnh: Trân Châu

Giai đoạn 2021 - 2024, nền kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột quân sự, thiên tai phức tạp làm kinh tế toàn cầu suy giảm. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống.

Trước những khó khăn, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội, do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Với sự điều hành linh hoạt, sát sao, phát huy sức mạnh tổng hợp, tình hình tài chính ngân sách của Nghệ An đã có những bước phát triển và chuyển biến đáng kể. Thu, chi ngân sách (bao gồm cả thu bổ sung từ ngân sách Trung ương) cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Thông qua công tác cải cách hành chính, tăng cường vai trò quản lý đối tượng kinh doanh và tập trung quyết liệt chỉ đạo công tác thu, khai thác nguồn thu và công tác chống thất thu thuế, thu ngân sách của Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể: Năm 2021 thu ngân sách đạt 19.911 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 18.825 tỷ đồng, bằng 143% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 12% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.652 tỷ đồng, bằng 132,2% dự toán.

Năm 2022: Thu ngân sách đạt 22.491 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 21.159 tỷ đồng, bằng 150% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 13% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.332 tỷ đồng, bằng 102% dự toán.

Năm 2023: Thu ngân sách đạt 21.508 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 20.064 tỷ đồng, bằng 135,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 96% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.277 tỷ đồng, đạt 102,2% dự toán. 4 tháng đầu năm 2024 đạt 7.711 tỷ đồng. Có thể nói trên kết quả đó đã thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp dân doanh.

bna- quân.jpeg
Biểu đồ thu ngân sách Nghệ An từ 2021 - tháng 4/2024. Đồ hoạ: Hữu Quân

Quyết liệt thực hiện thu ngân sách

Nghệ An xác định rõ thu ngân sách là nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên theo kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm ngoài nguồn vốn đầu tư công theo cam kết của tỉnh, như: Giải phóng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò; Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Đường N3 trong Khu công nghiệp Hoàng Mai; Hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống thoát nước KCN VSIP - Thọ Lộc; Đường giao thông liên xã từ Tây Sơn đến xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn,… Ngoài ra, còn hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, đảm bảo các nhiệm vụ giáo dục, quốc phòng…

Tuy nhiên, theo phân tích của cơ quan quản lý ngân sách: Cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Nghệ An chưa thật sự bền vững, trong đó thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng tăng, trong khi đó thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại có xu hướng giảm.

Cụ thể: Năm 2021 tỷ trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 37%, tiền sử dụng đất đạt 31% trên tổng thu nội địa. Năm 2022 tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 34%, tiền sử dụng đất đạt 37% trên tổng thu nội địa. Năm 2023 tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 36%, tiền sử dụng đất đạt 41,9% trên tổng thu nội địa.

Các doanh nghiệp trọng điểm như bia, thuỷ điện là những đơn vị nộp ngân sách lớn tiếp tục gặp khó khăn do xu hướng tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ bia tiếp tục giảm; thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Các công ty sữa đã sản xuất, hoạt động hết công suất, không có khả năng tăng thu ngân sách nhà nước. Các dự án mới đi vào hoạt động chưa phát sinh số thu như kỳ vọng: Công ty Tôn Hoa Sen, gỗ MDF, VSIP…

Bà Nguyễn Thị Trang - Trưởng phòng Tổng hợp dự toán Cục Thuế Nghệ An, cho biết thêm: Việc Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế do dịch Covid-19, đã đồng thời làm giảm số thu NSNN trên địa bàn tỉnh từ năm 2021-2023 khoảng hơn 2.500 tỷ đồng.

bna- cao tóc.jpeg
Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã hoàn thành được 30km. Ảnh: Trân Châu

Một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc kinh doanh các mặt hàng không chịu thuế hoặc thuế suất 0% (các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi), hoặc các đơn vị may gia công của Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu... nên không phát sinh thuế giá trị gia tăng.

Để tăng thu ngân sách trong thời gian tới, theo lãnh đạo Cục Thuế Nghệ An: Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế. Quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất trong năm 2024, 2025. Đảm bảo bao quát toàn bộ nguồn thu, nâng cao năng lực hoạt động quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử, quản lý rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, đủ.

Ngành Thuế ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách. Các sở, ngành, địa phương rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo công tác cải cách hành chính.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những biện pháp thu ngân sách nhà nước nhằm hoàn thành và vượt dự toán được giao.

bna-.jpeg
Hỗ trợ tiểu thương cài đặt các phần mềm nộp thuế qua điện thoại. Ảnh: CSCC

Các sở, ban, ngành, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ quỹ đất. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu hút đầu tư các dự án trọng điểm vào tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được khởi công, xúc tiến các công việc liên quan đến triển khai các dự án...

Mới nhất

x
Nỗ lực lớn trong thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2024 ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO