Nơi hậu thế mãi tri ân

15/12/2017 07:27

(Baonghean) - Khu Di tích lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của người con ưu tú của dân tộc này...

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích lưu niệm gồm Cụm di tích quê nội làng Đan Nhiệm (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) và Cụm di tích quê ngoại làng Sa Nam (nay ở thị trấn Nam Đàn).

Trong đó, Cụm di tích quê ngoại là cụm chính, gồm 2 khu vực là Khu Lưu niệm ( 2 gian nhà tranh, mảnh vườn của gia đình cụ Phan) và Khu Tưởng niệm (nhà trưng bày bổ sung di tích, Nhà Tưởng niệm).

Nhà Cụ Phan ở Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường
Nhà Cụ Phan ở Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường


2 gian nhà tranh tại cụm di tích do thân sinh cụ Phan Bội Châu là cụ Phan Văn Phổ dựng vào năm 1860. Mỗi nhà đều có 3 gian, 4 mái, 2 hồi, tạo thành hình chữ L, mang đặc trưng kiến trúc nông thôn vùng Bắc Trung bộ.

2 căn nhà là vật chứng lịch sử khắc ghi thời trẻ thơ chơi trò giả đánh Tây của cậu bé 9 tuổi Phan Văn San; khắc ghi những đêm chàng thanh niên 17 tuổi Phan Văn San ngồi khêu đèn thảo hịch “Bình Tây thu Bắc” và lập đội thí sinh quân, đội Sỹ tử Cần Vương ứng nghĩa; ghi dấu quãng thời gian dùi mài kinh sử, nuôi chí rèn tâm, dạy học của “Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX”...

Trong 2 căn nhà tranh này còn có rất nhiều hiện vật như quay xa, kéo sợi, cối giã gạo kể về cuộc sống thanh bần của gia đình nhà nho, khoa bảng lừng danh Phan Bội Châu.

Trong Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu, nhà trưng bày bổ sung di tích có vị trí đặc biệt quan trọng; kể lại đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu. Nhà được xây dựng vào năm 1997 từ nguồn vốn của Nhật Bản.

Các hiện vật được trưng bày phục vụ 3 chủ đề lớn và các tiểu đề nhỏ: Quê hương, gia đình và tuổi trẻ của Phan Bội Châu (gồm các tiểu đề Truyền thống quê hương, Gia đình và tuổi trẻ, Bạn bè của cụ Phan Bội Châu); Sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu (gồm các tiểu đề Sáng lập Duy Tân Hội, Khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông Du, Thành lập Việt Nam Quang Phục Hội và trên đường tiếp cận tư tưởng mới Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Ông già Bến Ngự); Hậu thế tri ân, tôn vinh Phan Bội Châu (gồm các tiểu đề sưu tầm các ấn phẩm về Phan Bội Châu, nhân dân Nhật Bản với cụ Phan Bội Châu, Hoạt động kỷ niệm trên quê hương).

Nhà tưởng niệm cụ Phan mới xây dựng Ảnh: Thành Cường
Nhà tưởng niệm cụ Phan mới xây dựng Ảnh: Thành Cường

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn là di tích quốc gia đặc biệt. Trước và sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Di tích không ngừng được tu bổ, tôn tạo.

Năm 2017, nhà trưng bày bổ sung di tích được sắp xếp lại và bổ sung thêm các hiện vật mới như Bài giảng về tình bạn cụ Phan và bác sỹ Asaba Sakirato trong sách giáo khoa tiểu học của thành phố Fukuro, Bản dập “Bia báo ân” được cụ Phan dựng lên ở Fukuroi...

Đặc biệt, năm 2016, Nhà Tưởng niệm của Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu được xây dựng từ ý tưởng và nguồn đóng góp của Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và những người yêu mến cụ Phan; tổng giá trị đầu tư trên 2 tỷ đồng.

Không những nêu ý tưởng đóng góp xây dựng Nhà Tưởng niệm mà các Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và những người yêu mến cụ Phan đóng góp, kêu gọi nhiều nguồn đầu tư các hạng mục khác như cây xanh, hàng rào, đúc tượng hay trao học bổng khuyến học cho học sinh nghèo...

Nhà Tưởng niệm được xây dựng đã làm ấm lòng người dân Xứ Nghệ, tạo động lực thúc đẩy và kêu gọi được sự quan tâm của toàn xã hội. Người dân, du khách khi đến Khu Di tích có thể dâng hương tri ân, tưởng nhớ.

Phát huy để truyền đời

Nghĩa cử cao đẹp của các lớp hậu thế trong việc xây dựng, tu bổ di tích đã tạo điều kiện cho công tác bảo tồn Khu Di tích lưu niệm Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu có nhiều thuận lợi.

Hiện nay, khi Khu Di tích lưu niệm đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, vấn đề đặt ra không ngoài việc phát huy, tôn vinh và quảng bá các giá trị về nhân cách, tư tưởng của cụ Phan Bội Châu; để nơi đây trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Đây chính là trách nhiệm của tất cả mọi người dân Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung.

Toàn cảnh nhà trưng bày phụ trợ. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh nhà trưng bày phụ trợ. Ảnh: Thành Cường

Được biết, thời gian qua, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An và huyện Nam Đàn đã không ngừng phối hợp gìn giữ để Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu ngày càng thêm trang nghiêm, xanh, sạch, đẹp.

Khu Di tích mỗi năm đón hàng ngàn lượt người về thăm nom, kính hương. Và hàng năm, tại Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu, nhân dân huyện Nam Đàn vẫn thường tổ chức 2 lễ trọng là lễ giỗ vào ngày 29/9 Âm lịch và lễ kỷ niệm ngày sinh cụ vào ngày 26/12 Dương lịch.

Ông Vương Hồng Thái - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn cho hay: Những năm qua, huyện đã không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân về truyền thống quê hương - mảnh đất đã sinh ra nhiều bậc vĩ nhân của đất nước, dân tộc, trong đó có chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu - nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nghệ nhân dân gian - bác học kiệt xuất.

Một trong nhiều hoạt động cụ thể đã triển khai đó là chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các đợt dã ngoại, tham quan, học tập về thân thế, sự nghiệp cũng như tinh thần học hỏi đổi mới, hữu nghị quốc tế cao cả của cụ Phan Bội Châu ngay tại Khu Di tích.

Ông Thái cũng cho hay: Nam Đàn sẽ phối hợp tốt với các cơ quan quản lý, công ty lữ hành để kết nối Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu vào bản đồ du lịch, tham quan trọng điểm của huyện, của tỉnh; để ngày càng nhiều cháu con, bạn bè khắp nơi được về đây tham quan, khám phá, tìm hiểu về cụ Phan Bội Châu.

Thanh Sơn – Thành Cường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nơi hậu thế mãi tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO