Nói không với "nghị quyết 52"
(Baonghean) - Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ khá nhiều các...
(Baonghean) - Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ khá nhiều các vụ việc đánh bạc được tổ chức dưới nhiều hình thức, quy mô, đối tượng tham gia. Trong đó, có không ít vụ việc có sự tham gia của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cùng lúc đó, khi tổ chức lấy ý kiến góp ý và trong quá trình thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, có không ít thông tin, dư luận phản ánh về việc có hiện tượng một số cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia đánh bạc. Đây cũng là một trong những thực trạng đáng lo ngại, là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức cần sớm được ngăn chặn.
Ở không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, việc đánh bạc còn có nguy cơ trở thành "phong trào" do chính những người đứng đầu, người có vị trí trong cơ quan "lĩnh xướng", có khi chính những người đứng đầu, người có vị trí lại là những "con bạc" (thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc báo chí đã nêu). Việc đánh bạc được thực hiện với khá nhiều hình thức, trong đó hình thức phổ biến vẫn là sử dụng bài tú lơ khơ - bộ bài này có 52 quân chính, nên chẳng hiểu từ đâu, do ai nghĩ ra mà việc rủ nhau đi đánh bài tú lơ khơ ăn tiền (đánh bạc) còn được gọi theo tiếng lóng nghe rất chi là lạ, đó là đi thực hiện "nghị quyết 52"?!
Một số nơi, việc đánh bạc - thực hiện "nghị quyết 52" thường được bao biện rằng đây chỉ là trò "vui chơi có thưởng"... Quả thực, có thể có nơi ban đầu cũng chỉ quan niệm dễ dãi rằng đánh bài ăn tiền ở mức độ nhỏ chỉ là thú chơi tiêu khiển để giết thời gian. Thế nhưng, sự đời "đánh bạc quen tay ngủ ngày quen mắt", ban đầu người ta có thể chỉ đánh bài ăn tiền ở mức độ nhỏ, vào những lúc ngoài giờ, khi lễ tết... Lâu dần thành quen, thành nghiện, người ta có thể tụ tập sát phạt mọi lúc, mọi nơi, với mức độ ngày càng "nặng đô" hơn, thường xuyên hơn. Người ta có thể tổ chức đánh bạc khi đi công tác, khi có sự việc hiếu hỉ... thậm chí tổ chức đánh bạc ngay cả trong giờ hành chính, ngay tại công sở, cơ quan, đơn vị. Có không ít cán bộ, công chức, viên chức chẳng khác gì những "thần bài", "ma cờ bạc"... Và hậu quả của nó thì chắc chắn là không chỉ cá nhân gánh chịu. Bởi có người vì đánh bạc mà bê trễ công việc, bỏ bê gia đình, thậm chí khuynh gia bại sản, làm mất thanh danh cả tập thể, đơn vị, địa phương.
Từ xưa đến nay, các cá nhân tham gia đánh bạc luôn bị gia đình, cộng đồng xã hội... phê phán, chê cười: "Cờ bạc là bác thằng bần", "Đánh đề ra đê mà ở"... Bộ Luật hình sự của Nhà nước ta hiện nay cũng quy định rõ các tội danh liên quan như: "tội đánh bạc", "tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc". Trong Quy định số 47-QĐ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm cũng nói rõ đảng viên không được tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Mặc dù vậy, không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... vẫn bất chấp Quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, coi thường dư luận, vẫn tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc thường xuyên. Dù trong số đó có không ít cá nhân thường xuyên được gia đình góp ý, cơ quan, đơn vị, thậm chí cả lực lượng chức năng nhắc nhở, lưu ý, nhưng vẫn chứng nào vẫn tật ấy, chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa may ra mới thấm thía hết cái giá phải trả cho cơn khát "đỏ đen".
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... đánh bạc không chỉ vi phạm điều cấm của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, mà còn làm xấu đi hình ảnh của cơ quan, đơn vị, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Tai hại hơn là làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, với hệ thống chính trị, với các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Vì vậy, việc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc cần được xử lý nghiêm. Trong đó, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia đánh bạc cần được nghiêm trị trước tập thể, thậm chí phải đưa ra công luận để làm gương. Thiết nghĩ, sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, một trong những công việc cần làm ngay đối với mỗi tổ chức cơ sở đảng là triển khai ký cam kết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tuyệt đối không tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức, không tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, một trong những việc cần lựa chọn để nêu gương cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đó là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương trong việc nói không với "nghị quyết 52"!
Ngô Yên