Nối lại tuần tra, chính quyền Trump xóa tan nghi ngờ ở Biển Đông

Chuyến tuần tra đầu tiên ở Biển Đông từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm chính quyền cho thấy Washington không từ bỏ lợi ích ở châu Á như nghi ngại trước đó.

Mỹ điều tàu tuần tra Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ luật quốc tế. Ảnh: USS Navy.
Mỹ điều tàu tuần tra Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ luật quốc tế. Ảnh: USS Navy.

Tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ ngày 24/5 đã được điều đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong chiến dịch được biết với tên gọi tự do hàng hải (FONOP). Đây là cuộc tuần tra đầu tiên của nước này ở Biển Đông kể từ tháng 10 năm ngoái.

Đá Vành Khăn là một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. "Chuyến tuần tra cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump không thể đi ngược lại chính sách trước đây mà chính quyền Barack Obama đã đưa ra, khẳng định vị thế của Mỹ không dễ bỏ, lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn được duy trì", Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM trao đổi với VnExpress về thông điệp Washington đưa ra.

Theo ông Việt, hoạt động này của Mỹ đã xóa bỏ những nghi ngờ về chính sách Biển Đông của Tổng thống Mỹ, sau khi giới quan sát cho rằng Mỹ trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên. 

"Sự kiện này chứng minh rằng quan hệ Mỹ - Trung có những vấn đề không thể thỏa hiệp", ông Việt nói, nhắc đến vấn đề Biển Đông trong mối tương tác giữa hai cường quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích, FONOP thể hiện sự "thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức". Các chiến dịch phải diễn ra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo hoặc thực thể để cấu thành một cuộc tuần tra tự do hàng hải về mặt pháp lý. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh, chính sách của Mỹ ở Biển Đông là luôn yêu cầu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Giáo sư James Holmes, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết, chuyến tuần tra dường như là phản ứng của Tổng thống Mỹ Trump đối với những nghi ngờ bên ngoài, bao gồm cả việc ông Trump có thỏa thuận với Trung Quốc nhằm kiềm chế Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ không "về phe Trung Quốc" và đánh đổi lợi ích của Washington cùng các nước ở Đông Nam Á.

"Nếu Trung Quốc tin rằng họ đã có một người bạn ở Washington, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ phải thất vọng", ông Holmes nói.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, cho biết Trung Quốc chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn từ năm 1995 và không quốc gia nào thừa nhận cái gọi là quyền chủ quyền của Bắc Kinh tại đây. 

"Do đó, việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua vô hại ở Vành Khăn là hành động bình thường, nhằm bắn tín hiệu cho Trung Quốc rằng Washington không công nhận điều mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền", tướng Cương nói.

Khẳng định Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa chiến lược, Thượng tướng Võ Tiến Trung, cựu Giám đốc Học viện quốc phòng, cho biết chuyến tuần tra có thể nhằm xóa bỏ nghi ngờ rằng Tổng thống Trump chỉ thông thạo kinh tế, không có kinh nghiệm chính trị, quân sự nên có thể đây là hành động nhằm chứng minh điều ngược lại.

Cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đánh giá đây là thời điểm phù hợp để Mỹ thực hiện cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Đã hai tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ ở Mar-a-Lago, Bắc Kinh chắc hẳn phải đánh giá cao rằng Washington đã không thực hiện tuần tra ngay trước hay sau cuộc họp cấp cao đó. Nhưng hiện nay quan hệ Mỹ - Trung đang đi vào ổn định, do đó họ không bất ngờ về việc Mỹ nối lại tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

"Họ hoàn toàn biết chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục hoạt động đó", bà Glaser nói.

Chuyên gia của CSIS lưu ý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chắc chắn sẽ hứng phải chỉ trích tại Đối thoại Shangri-la vào đầu tháng 6 tại Singapore nếu như Washington không thực hiện tuần tra ở Biển Đông.

Mặc dù nhắc lại quan điểm cho rằng chuyến tuần tra tự do hàng hải diễn ra khá lâu sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, nhưng ông Bill Hayton, Viện Chatham House (Viện Nghiên cứu Hoàng gia về các vấn đề quốc tế), Anh, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kiện trong việc bảo đảm luật quốc tế.

"Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế cho rằng đá Vành Khăn là một thực thể nổi trên mức thủy triều thấp, không có lãnh hải. Điều đó có nghĩa Mỹ có thể thực hiện các hoạt động vô hại trong 12 hải lý của nó", ông Hayton nói.

Đại tá Phạm Tân, thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam, cho biết tàu quân sự hoạt động trên biển là sự hiện diện của một quốc gia với quốc kỳ và các sĩ quan, thủy thủ. Có thể hiểu việc tuần tra là hành động răn đe của Mỹ nhằm vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Trong khi hoạt động ở Biển Đông, tàu Mỹ có thể cũng thu thập thông tin tình báo.

Ông Tân cho rằng, Trung Quốc sẽ khó lòng có các phản ứng cứng rắn bởi bắn cảnh cáo hay bắn vào tàu chiến của nước khác là hành động có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Mặc dù vậy Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay điều đáng quan tâm lúc này là hành động của Mỹ liệu có chọc giận Trung Quốc và các phản ứng tiếp theo của Bắc Kinh có thể khiến căng thẳng gia tăng.

Theo VNE

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.