Nỗi lo gia tăng bạo lực học đường

Mỹ Hà 03/07/2023 08:30

(Baonghean.vn) - Bạo lực học đường là một trong những vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, lối sống, nhân cách của học sinh, đến an ninh, an toàn trường học. 

Gia tăng bạo lực học đường

Buổi tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá và bạo lực học đường do Hội Phụ nữ cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với Trường THPT Quỳnh Lưu 1 diễn ra vào thời điểm cuối của năm học. Dù đang bận rộn với việc ôn tập và kiểm tra các kỳ thi cuối kỳ nhưng ban giám hiệu nhà trường vẫn yêu cầu sự tham gia đầy đủ của học sinh. Trong buổi tuyên truyền, học sinh không chỉ được nghe về thực trạng, những mối nguy hiểm tiềm ẩn về bạo lực học đường mà các em còn được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng trong phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá điện tử, bóng cười và bạo lực học đường.

357695489_804413487719302_8223321542821059816_n.jpg
Học sinh Trường THCS Hồng Sơn chia sẻ về việc đối diện với bạo lực học đường. Ảnh: CSSS

Ở độ tuổi THPT, học sinh đứng trước nhiều sự lựa chọn và đối diện với nhiều áp lực về thi cử, gia đình và cả bạn bè. Trong quá trình giải quyết các mối quan hệ, các em cũng có nhiều vướng mắc, mâu thuẫn và đôi khi dẫn đến bạo lực, ở cả khía cạnh bạo lực thể xác và tinh thần. Chính vì thế, thông qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi mong rằng các em sẽ có các kỹ năng cần thiết để xử lý các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Thầy giáo Hồ Sỹ Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPTQuỳnh Lưu 1

Ngoài Trường THPT Quỳnh Lưu 1, buổi tuyên truyền của Hội Phụ nữ Công an tỉnh còn được tổ chức tại một số trường ở thành phố Vinh và các huyện miền núi cao. Từ thực tế tại các cuộc tuyên truyền, Từ quá trình trao đổi, tư vấn cho học trò, Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh nói thêm: Từ những mâu thuẫn nhỏ, có thể dẫn đến bạo lực học đường. Vì vậy, trong quá trình nói chuyện với học trò tôi luôn dặn học sinh hãy chia sẻ với người thân, thầy cô, người mà các em tin tưởng, mạnh dạn nói trước cộng đồng nếu bị bạo lực, bị xâm hại, cộng đồng sẽ có tiếng nói và giúp đỡ các em.

Bạo lực học đường gia tăng trong những năm trở lại đây. Tại Nghệ An các thông tin về bạo lực học đường xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội với nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 200 vụ bạo lực học đường. Trong đó, năm 2021, có 96 vụ bạo lực học đường (15 vụ bạo lực trong trường học và 81 vụ bạo lực ngoài nhà trường). Năm 2022, số vụ bạo lực học đường qua thống kê có giảm 3 vụ, chỉ còn 93 vụ. Tuy nhiên, số vụ bạo lực học đường trong nhà trường tăng lên 28 vụ và ngoài nhà trường là 65 vụ. 6 tháng đầu năm 2023, thống kê chưa đầy đủ, đã xảy ra 38 vụ bạo lực học đường, với 17 vụ trong nhà trường và 21 vụ ở ngoài nhà trường.

Hầu hết các vụ việc là các vụ xô xát, một số vụ việc xảy ra ngoài nhà trường có quay clip gây bức xúc dư luận. Điều đáng buồn, trong các vụ bạo lực học đường xảy ra trong năm học vừa rồi, có vụ việc âm ỉ và kéo dài trong nhiều tháng, có thể là nguyên nhân khiến một nữ sinh lớp 10 tự vẫn và dấy lên hồi chuông cảnh báo trong xã hội.

357844843_815432620288853_7789717743525851622_n.jpg
Buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường ở Trường THPT Quỳnh Lưu 1. Ảnh: CSCC

Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau.

Tại diễn đàn “Điều em muốn nói” mới được tổ chức tại thành phố Vinh vào giữa tháng 5/2023, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, sau thời gian tạm lắng do dịch Covid-19, thời gian qua, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trở lại. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), trẻ em bị bạo lực trong nhà trường năm 2022 chiếm tỉ lệ 8,22%, tăng 0.86% so với năm 2021. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, số trẻ em bị bạo lực trong trường học chiếm 16,81%, tăng 10,97% so với cùng kỳ năm 2022.

Có một quan ngại chung, nếu chúng ta càng im lặng, không chia sẻ thì bạo lực cô lập càng tiếp diễn và theo xu hướng càng nghiêm trọng. Các em cô đơn, không biết chia sẻ với ai, không được quan tâm, và cuối cùng các em đã tìm đến giải pháp tiêu cực nhất đó là chọn cách tự tử.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Cần sự chung tay vào cuộc

Trước thực trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, những năm qua công tác phòng chống bạo lực học đường được ngành Giáo dục và Đào tạo xem là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực, nhưngtình trạng bạo lực học đường vẫn còn có xu hướng gia tăng theo nhiều hình thức khác nhau.

Trong đó, ngoài bạo lực về thế chất, hiện nay còn xuất hiện tình trạng bạo lực tinh thần, bắt nạt trực tuyến. Thực tế, trên toàn tỉnh ở một số trường, lớp còn xảy ra tình trạng học sinh chia rẽ bè phái, cô lập bạn bè, lập tài khoản Facebook giả để vu khống, nói xấu, đe dọa và đánh nhau hội đồng, dẫn đến tình trạng một số học sinh có tâm lý buồn, chán, không muốn đi học, sợ trường, lớp và đã có trường hợp học sinh bị trầm cảm, tự kỷ... Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những đối tượng là nam giới mà còn cả ở nữ giới, không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh…

Các khách mời trao đổi tại Diễn đàn Điều em muốn nói tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.jpg
Các khách mời trao đổi tại Diễn đàn "Điều em muốn nói" tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đình Tuyên

Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, qua phân tích có nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, ở lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi, học sinh đang có nhiều thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, tính cách nên dễ bị lôi kéo, hành động bất chấp hậu quả, không có khả năng định hướng ý nghĩ, cảm xúc và hành vi. Đặc biệt hiện nay, trong thời đại 4.0, nhiều trẻ lạm dụng mạng xã hội, dễ rơi vào sống ảo, thiếu thực tế, ít tương tác trực tiếp… nhưng lại rất nhạy cảm, dễ tổn thương, hay lo lắng, cảm thấy cô đơn, trầm cảm. Trong khi, gia đình và nhà trường chưa kịp thời phát hiện, nhận diện để có các biện pháp chăm sóc, giáo dục.

Về phía ngành giáo dục, thực tế cũng cho thấy, hiện nay một số cơ sở giáo dục chưa chú trọng dạy đạo đức hoặc chỉ dạy trên lý thuyết, chưa có điều kiện rèn luyện nghị lực, định hướng hành vi cho học sinh. Thầy cô giáo chịu nhiều áp lực về công việc, chưa thực sự hạnh phúc. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, chưa kịp thời nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường …

bna_Mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Trường THCS Quỳnh Phương. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Mỹ Hà

Hiện Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước đã tổ chức các lớp tập huấn cấp chứng chỉ cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn học đường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tổ công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong nhà trường phát huy hiệu quả chưa cao, nhất là trong việc nắm bắt tâm lý học sinh và đối tượng học sinh có khó khăn tìm đến để tư vấn.

Ngoài ra, các tổ tư vấn tâm lý học đường ở trường học thường làm kiêm nhiệm, chưa có đủ kiến thức và kỹ năng, điều kiện và phương tiện để tư vấn hiệu quả; chưa có cơ quan chuyên môn để hỗ trợ. Bạo lực học đường gia tăng, một phần còn từ phía các gia đình, ít quan tâm, gần gũi, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những biểu hiện bất thường của con nên không chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi con gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống… Một số gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống.

Học sinh thành phố Vinh tham gia diễn đàn về bạo lực học đường.jpg
Học sinh thành phố Vinh tham gia diễn đàn về bạo lực học đường. Ảnh: Đình Tuyên

Từ những nguyên nhân trên cho thấy rằng, phòngchống bạo lực học đường phải là trách nhiệm của học sinh, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, thời gian tới ngành sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục vào cuộc quyết liệt như tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả và những hệ lụy của bạo lực học đường, nguyên nhân và cách phòng tránh để cán bộ, giáo viên và học sinh nắm vững và thực hiện.

Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua giáo dục chính khóa, ngoại khóa. Xây dựng bộ tiêu chí để tổ chức thí điểm tiến tới nhân rộng mô hình “Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học”, đảm bảo nhận diện, tư vấn, hỗ trợ và can thiệp kịp thời đối với học sinh có khó khăn về tâm lý, học sinh yếu thế, tuyệt đối không để học sinh rơi vào trạng thái bị cô lập, trầm cảm… Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh phổ thông”, chăm lo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trong toàn ngành.

Mới nhất

x
Nỗi lo gia tăng bạo lực học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO