Nỗi lo ở Piêng Coọc

Bởi xảy ra vụ khai thác trái phép 26 cây săng vì nên sau 6 năm, tôi “được” trở lại Piêng Coọc, bản làng biên giới thuộc xã Mai Sơn (Tương Dương), nơi có 52 hộ đồng bào Mông sinh sống. Thật băn khoăn, bởi chốn “sơn cùng thủy tận” này qua một khoảng thời gian dài vẫn chưa khá hơn, thậm chí đã có thêm những nỗi lo mới.

Tôi biết đến Piêng Coọc hồi tháng 10/2014. Khi đó, vùng biên giới này bùng phát dịch sởi, với 48 cháu nhỏ bị mắc bệnh. Ở thị trấn Hòa Bình hỏi đường vào Piêng Coọc, câu trả lời nhận được đấy là một trong những nơi “sơn cùng thủy tận”, sâu nhất, xa nhất của huyện Tương Dương. Đi thuyền ngược dòng Nậm Nơn phải mất nửa ngày, sau đó phải thêm một độ đường dài xe máy; còn đường bộ, thì phải ngược qua huyện Kỳ Sơn…

Nhờ một cựu chiến binh hành nghề xe ôm, tôi thực hiện chuyến đi vào Piêng Coọc. Thật xa xôi. Ngược lên thị trấn Mường Xén, qua các địa danh Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý (Kỳ Sơn); phải đi đò qua sông Nậm Nơn tại Trạm Biên phòng Nhôn Mai đóng ở bản Huôi Mựn; từ đây vào trung tâm xã Mai Sơn ở bản Huôi Xá 1, rồi phải thêm hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy hết sức vất vả mới đến được Piêng Coọc.

Chúng tôi ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để lên Piêng Coọc. Sông Nậm Nơn mùa này nước cạn, cái hạn khiến vùng núi cao thêm những khó khăn.
Chúng tôi ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để lên Piêng Coọc. Sông Nậm Nơn mùa này nước cạn, cái hạn khiến vùng núi cao thêm những khó khăn.

Ngày ấy Piêng Coọc có 52 hộ, 375 khẩu ở biệt lập trên núi cao, khí hậu lại khắc nghiệt, nóng lạnh bất thường, và đặc biệt nghèo. Điện lưới không có, mọi sinh hoạt của người dân đơn sơ đến hoang dại, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Thật xót xa khi các cháu nhỏ đang sốt cao nhưng thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Các cháu, cần mặc đủ ấm nhưng phần lớn chỉ mang trên mình manh áo mỏng; bữa ăn ngoài cơm là quả đậu chấm muối và nước đậu luộc… Cũng mang nét đặc trưng của đồng bào Mông xứ Nghệ, tất cả các ngôi nhà trong bản Piêng Coọc đều nền đất, lợp mái gỗ pơ mu đen bóng, và chẳng có vật dụng gì có giá trị… Đêm Piêng Coọc ngày đó, tôi nói ra nhận xét của mình với người bác sỹ của đồng bào Mông – anh Và Bá Tủa. Anh Tủa cảm thán: “Người dân Piêng Coọc quá nghèo, lại hạn chế về nhận thức. Cách thức sinh hoạt chưa thay đổi. Vệ sinh tổng thể thôn, bản đã kém. Vệ sinh cá nhân cũng kém nốt. Vậy nên, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khó trăm bề…”.

Bản Piêng Coọc; Nhà ở của gia đình Trưởng bản Piêng Coọc chỉ khác nhà của các hộ dân là có cây cọc treo hai chiếc loa.
Bản Piêng Coọc; Nhà ở của gia đình Trưởng bản Piêng Coọc chỉ khác nhà của các hộ dân là có cây cọc treo hai chiếc loa.

Lần này ngược lên Piêng Coọc, cái khó, cái nghèo năm nào ở vùng đất này vẫn hiển hiện đầy ám ảnh. Cung đường hun hút hoang vắng dẫn vào Piêng Coọc năm xưa, dù khó khăn nhưng vẫn có thể đi. Còn nay, nhiều đoạn lởm chởm đá núi, hang hốc… không thể đi nổi. Muốn vượt qua, xe máy phải cài số 1, căng tay ga, và phải đẩy mới có thể vượt qua. Bản vẫn những ngôi nhà thấp nhỏ lớp mái bằng gỗ sa mu dựng trên nền đất, nhưng cũ kỹ, nát hơn. Trên các lối mòn nhỏ, lác đác một vài người già, trẻ nhỏ mang vóc dáng tiều tụy, khuôn mặt buồn bã, đôi mắt ngơ ngác pha chút lo lắng dõi theo đoàn khách lạ.

Ở Piêng Coọc, chúng tôi được đưa đến nhà Trưởng bản Và Bá Mại. Căn nhà của anh cán bộ sinh năm 1984 này, chỉ khác những ngôi nhà dân trong bản một điểm duy nhất là ở khoảng sân hẹp có 1 cây cột treo 2 chiếc loa “để đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào ta”. Trong căn nhà ấy, thật trống trải, chỉ có 1 chiếc bàn, 1 chiếc giường trên đó có 2 đứa trẻ trần truồng như chưa bao giờ biết đến áo quần. Hỏi chuyện Và Bá Mại, anh cho biết Piêng Coọc vẫn 52 hộ dân với cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn và đang nhiều lắm những tâm tư. Vì toàn bản, sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ có 20 hộ có đủ ruộng nước để đảm bảo đủ gạo; có 6 hộ có ruộng nước nhưng chỉ đủ gạo trong 1 – 2 tháng, trong đó có gia đình trưởng bản; còn 26 hộ không có ruộng nước. “Ruộng nước ở đây mỗi năm chỉ làm được 1 vụ. Gia đình mình cũng có mấy đám ruộng nước, mỗi năm làm được 7 bì lúa. Tính ra được khoảng gần 3 tạ đủ cho 7 người lớn, bé ăn trong 1 tháng…” – Và Bá Mại nói.

Về sự việc người dân Piêng Coọc khai thác trái phép cây săng vì, được phát hiện ngày 6/5/2020. Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng của huyện, của tỉnh xác định đã có 26 cây săng vì bị chặt hạ, đều thuộc khu vực rừng tự nhiên, Tiểu khu 503, là vùng rừng biên giới. Trong đó, tại vị trí Khoảnh 7 (rừng sản xuất do UBND xã Mai Sơn quản lý) có 7 gốc cây săng vì bị chặt hạ. Còn ở Khoảnh 6, là rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý, có 19 gốc cây săng vì bị chặt hạ. Phần lớn cây gỗ đã bị cưa xẻ, đưa đi khỏi hiện trường, cả hai nơi chỉ còn lại 12 khúc gỗ tròn với khối lượng gần 25 m².

Số gỗ người dân khai thác trái phép bị cơ quan chức năng thu giữ, tập kết ở nhà Trưởng bản; Nhà của một hộ dân được sửa từ gỗ khai thác trái phép; Một người dân bản Piêng Coọc biết việc thuật lại vụ việc khai thác gỗ trái phép; Trưởng bản Và Bá Mại thuật lại buổi họp dân sau khi cơ quan chức năng phát hiện việc khai thác gỗ trái phép.
Số gỗ người dân khai thác trái phép bị cơ quan chức năng thu giữ, tập kết ở nhà Trưởng bản; Nhà của một hộ dân được sửa từ gỗ khai thác trái phép; Một người dân bản Piêng Coọc biết việc thuật lại vụ việc khai thác gỗ trái phép; Trưởng bản Và Bá Mại thuật lại buổi họp dân sau khi cơ quan chức năng phát hiện việc khai thác gỗ trái phép.

Trước thực trạng này, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND xã Mai Sơn phối hợp điều tra, làm rõ. Kết quả điều tra ban đầu đã xác định đối tượng thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép là 13 hộ dân bản Piêng Coọc, với mục đích sử dụng gỗ để sửa chữa, làm nhà ở (5 hộ khai thác trái phép tại rừng sản xuất do UBND xã Mai Sơn quản lý; 8 hộ khai thác tại rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý). Ngày 25/5/2020, Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tương Dương đã chuyển vụ án đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để thực hiện điều tra theo thẩm quyền.

Vào Piêng Coọc, chúng tôi đã tìm đến những vùng rừng biên giới bị người dân khai thác trái phép cây săng vì. Hiện trường chỉ cách bản khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Ở đây, mọi dấu tích của vụ việc vẫn còn nguyên với những gốc cây săng vì bị chặt hạ, cưa xẻ; những khúc gỗ tròn, những thanh gỗ xẻ, gỗ bìa ngổn ngang. Săng vì là loài cây gỗ không mấy giá trị (nhóm 7), nhưng những cây đã bị chặt hạ, có nhiều cây lớn với đường kính gốc lên đến hơn 1m.

Cũng tại khu vực này, có một số chòi của người dân Piêng Coọc dựng lên để canh nương. Hỏi chuyện, họ cho biết việc chặt gỗ trong khoảng tháng 3/2020, là thời điểm toàn xã hội đang căng mình phòng, chống đại dịch Covid – 19. Một người dân, tên là Và Bá Lầu cho biết: “Dân cắt xẻ gỗ săng vì cũng là để sửa lại cái nhà thôi…”. Lời của Và Bá Lầu là một thực tế, bởi cái sự chặt gỗ săng vì để sửa nhà thể hiện rất rõ ở một số nhà dân, với những dấu tích mới; bên cạnh đó, số gỗ mà lực lượng chức năng sau khi kiểm tra thu giữ, đều đã được cắt xẻ với kích thước khá nhỏ, phù hợp với kiểu làm nhà truyền thống của đồng bào Mông.

Hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép.
Hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép.

Chúng tôi cũng đã gặng hỏi Trưởng bản Và Bá Mại về nguyên nhân. Mại buồn bã rằng, do nhà ở của dân đã quá cũ nát, đến mức “cứ trời mưa thì nhiều người chạy sang nhà trưởng bản để tránh trú”; và do quá khó khăn, không có tiền nên dân đã vào rừng. “Họ cũng nói với trưởng bản về chuyện cần phải sửa chữa lại nhà cửa. Tôi cũng đã báo cáo với xã. Nhưng khi đó xã đang tập trung phòng, chống dịch. Lãnh đạo xã nói là chờ cho qua dịch Covid – 19 rồi sẽ tính. Nhưng dân bản vì lo sang đến mùa mưa không có nhà ở an toàn để tránh trú nên đã vào rừng…”. Rồi cho biết, sau khi cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thì anh đã tổ chức họp bản. Tại cuộc họp, những người vào rừng chặt gỗ đều đã thấy được cái sai, đã lo lắng và khóc. “Trong cuộc họp những người vào rừng chặt gỗ đã hỏi trưởng bản “nếu không sửa lại cái nhà, đến mùa mưa bão về làm sao sống được. Giờ chặt gỗ về sửa nhà thì lại vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt. Dân bây giờ biết làm sao đây…” – Mại nói, rồi ngước mắt lên trần nhà cũng đã thủng lỗ chỗ của gia đình mình.

Cùng đồng hành với tôi lên Piêng Coọc, có anh Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Vinh. Với cương vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa – xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh, anh An rất chịu khó quan sát về hoàn cảnh sống, cũng như lắng nghe cán bộ, người dân nơi này nói chuyện.

Trước khi rời Piêng Coọc, anh nói riêng với tôi rằng đã cùng bộ đội biên phòng vào rất nhiều nhà dân, và phát hiện chẳng có ai có nổi 1 chiếc ti vi, dù là loại rẻ tiền. Và anh đưa ra nhận xét: “Người dân nơi đây không phải là khổ. Mà quá khổ. Tận cùng khổ…”. Hỏi anh nghĩ gì về việc người dân chặt hạ trái phép cây rừng để làm nhà. Nguyễn Khắc An trầm tư: “Họ là những kẻ vi phạm pháp luật đáng thương”.

Trẻ em bản Piêng Coọc lên rẫy; Tắm khe là một cách tránh trú nắng của trẻ em Piêng Coọc; Ruộng của người dân bản Piêng Coọc chỉ làm được 1 vụ/năm.
Trẻ em bản Piêng Coọc lên rẫy; Tắm khe là một cách tránh trú nắng của trẻ em Piêng Coọc; Ruộng của người dân bản Piêng Coọc chỉ làm được 1 vụ/năm.

Tôi cũng đã nói những chuyện được nghe, được thấy ở Piêng Coọc với anh Kha Văn Ót – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, để hỏi về quan điểm xử lý các trường hợp người dân vi phạm pháp luật như thế nào. Anh Ót mới trả lời, giọng như thắt lại: “Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, làm rõ. Nhưng quan điểm của huyện đã rất rõ ràng. Dù thương dân, nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý đúng quy định. Nếu chúng ta không nghiêm, còn bao nhiêu vùng rừng biên giới khác, làm sao bảo vệ được…”.

Dù Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Kha Văn Ót đã nói rõ ra việc cần phải làm, nhưng chúng tôi rời huyện miền núi này vẫn trong mớ bòng bong mâu thuẫn. Vi phạm pháp luật thì phải xử lý đúng quy định là đúng rồi, nhưng thấy xót xa. Băn khoăn tự hỏi, có phải chăng miền biên giới ấy vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức?