Nỗi lo tiền ảo

30/08/2017 09:59

Trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của tiền ảo (coin), Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, coin, tiền điện tử.

Tiền ảo và nỗi lo thật

Trào lưu tiền ảo lan rộng

Công tác quản lý giờ mới được tính đến, song thực tế coin, tiền ảo đã xâm nhập vào Việt Nam từ hơn 5 năm trước với các loại như: Bitcoin, Onecoin, Gem coin… Kể từ tháng 12/2016 đến nay, thị trường coin tại Việt Nam phát triển nhanh, lôi kéo ngày càng đông người tham gia, bởi giá tăng “chóng mặt”. Đơn cử, từ tháng 4 - 8/2017, đồng Bitcoin đã tăng giá gấp 4 lần, từ 950 USD (tháng 4/2017) lên khoảng 4.200 USD/Bitcoin (24/8).

Trên thị trường Việt Nam, một số trang mạng mua bán Bitcoin rao giá đồng tiền này ở mức khoảng 61,9 triệu đồng mua vào; 62,3 triệu đồng bán ra. Sự tăng giá nhanh chóng của đồng tiền ảo này trong khoảng vài tháng qua đã khiến số lượng người "đào" Bitcoin tăng đến hàng trăm ngàn và đa phần đều nằm ở mức quy mô vừa và nhỏ, từ 1 - 10 dàn máy.

“Có 2 cách để "đào" được Bitcoin. Một là sắm dàn máy chuyên dụng nhưng dàn máy này có giá đắt nên người "đào" tại Việt Nam ít dùng. Hai là lắp các PC với card đồ họa rời cực mạnh và cài phần mềm "đào" Bitcoin (cụ thể là CGMiner) để "săn", cách này phổ biến hơn” -anh Dũng, một dân chuyên “đào” coin, chia sẻ.

Trên thế giới, nhiều nơi đã giao dịch bằng loại tiền này. Người ta không chỉ làm giàu và giao dịch bằng tiền bitcoin mà còn có thể tiêu xài chúng, cũng giống quẹt thẻ ngân hàng.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm các “tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Bởi theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, đây không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định giữ nguyên quan điểm này sau khi Đề án quản lý Bitcoin được đưa ra.

Cần sớm có quy định quản lý

Hiện nay, các quốc gia phát triển trên thế giới vẫn còn tranh cãi về tính pháp lý của tiền ảo. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, một quốc gia còn thiếu kinh nghiệm như Việt Nam thừa nhận tiền ảo như một đồng tiền đích thực là chưa phù hợp.

“Đơn cử, nếu công nhận tiền kỹ thuật số Bitcoin thì nền kinh tế và người nắm giữ Bitcoin luôn đối mặt với rủi ro. Bởi lẽ, thị trường đã từng chứng kiến Bitcoin có những lần rớt giá từ trên 1.000USD rớt xuống vài chục USD/Bitcoin. Nếu các đợt giảm giá này tái diễn, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác thì chắc chắn NHNN sẽ không can thiệp nổi vì không thể điều tiết cung cầu Bitcoin như VNĐ” - TS Bùi Quang Tín nhận xét.

Tuy nhiên, dù không thừa nhận nhưng việc quản lý là cần thiết. Trên thực tế, các hoạt động mua bán, giao dịch các loại tiền ảo tại Việt Nam đã diễn ra rầm rộ và biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau. Nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thống ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý.

Tiền ảo và nỗi lo thật

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, dù Đề án quản lý tiền ảo đã được phê duyệt nhưng điều này không đồng nghĩa tiền ảo sẽ được công nhận là hợp pháp tại Việt Nam. Ông Hiếu cho rằng, bước đầu nên hạn chế việc chấp nhận tất cả các loại tiền điện tử, kể cả khi xem xét chúng như hàng hóa. Thay vào đó, nên tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho một loại phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất như Bitcoin. Sau một thời gian thử nghiệm sẽ tiếp tục xem xét sự phát triển của nó như thế nào để có thể chấp nhận những đồng tiền khác.

TS Bùi Quang Tín kiến nghị, thị trường coin đang lộng hành, vì vậy cần nhanh chóng rút ngắn thời gian ban hành khung pháp lý, nếu không mỗi cơ quan ban ngành sẽ có cách hiểu và xử lý khác nhau, tạo ra kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng. Thời gian hoàn thành đề án mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành đưa ra đến năm 2019 là quá lâu.

Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề: Xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành. Do đó, chúng ta cũng nên nhìn nhận rõ ràng hơn về tiền ảo và sớm có biện pháp quản lý chứ hoàn toàn không nên bỏ lơ.

Theo Kinh tế& Đô thị

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nỗi lo tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO