Nỗi lòng người mẹ nghèo vay tiền trả nợ thay con gái

Trần Vũ 15/10/2023 16:04

(Baonghean.vn) - Được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học rồi có công việc ổn định nhưng vì lòng tham, Hạnh nghĩ ra chiêu lừa đảo “chạy án”, chạy việc. Hành vi lừa đảo bị bại lộ, Hạnh không những vướng lao lý mà còn khiến bố mẹ khốn khổ, phải vay mượn tiền, thay con trả nợ cho bị hại.

Chiêu lừa “chạy án” của nữ nhân viên y tế

Là con thứ 2 trong gia đình có hai chị em, dù gia cảnh không khá giả nhưng Võ Thị Hạnh (36 tuổi, trú thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) luôn được bố mẹ tạo điều kiện ăn học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hạnh xin vào làm việc ở vị trí nhân viên y tế học đường tại một trường trên địa bàn huyện Nam Đàn.

Dù không phải ông này bà nọ nhưng chí ít việc tìm được công việc ổn định như Hạnh là mong muốn của nhiều người. Nhưng nữ nhân viên y tế học đường lại không bằng lòng với khoản lương mà mình nhận mỗi tháng. Để có nhiều tiền, Hạnh đưa ra các thông tin gian dối để lừa “chạy án”, chạy việc từ đó chiếm đoạt số tiền lớn.

Theo cáo trạng, khoảng cuối năm 2022, Hạnh nắm được thông tin bà Lô Thị Minh Nhàn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Sơn và Lô Thị Soa - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) đang bị điều tra liên quan đến việc tiếp nhận, điều phối tiền cứu trợ đồng bào Kỳ Sơn sau đợt thiên tai lũ quét, lũ ống nên tìm cách tiếp cận. Hạnh đưa ra các thông tin gian dối, khẳng định có thể chạy “án trắng”, sau đó chuyển công tác cho 2 người này.

IMG_0014nh 1.JPG
Bị cáo Võ Thị Hạnh nhiều lần bật khóc tại tòa. Ảnh: Trần Vũ

Lo sợ dính lao lý nên hai cán bộ này đã đưa tiền cho Hạnh nhờ “chạy án”. Trong đó, bà Nhàn đưa cho Hạnh 240 triệu đồng, 2 con lợn; bà Soa đưa cho Hạnh 210 triệu đồng, 3 kg thịt bò giàng, 3 yến nếp nương. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hạnh không thực hiện như cam kết mà tiêu xài cá nhân hết. Còn hai nữ cán bộ Hội Chữ thập đỏ sau đó bị truy tố và xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại phiên tòa diễn ra vào giữa tháng 9/2023. Trong đó, bị cáo Nhàn bị tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Soa lĩnh án 12 tháng tù, cho hưởng án treo.

Ngoài hành vi lừa “chạy án”, cơ quan điều tra còn xác định Hạnh đã lừa chạy việc để chiếm đoạt tiền. Hạnh “nổ” có quan hệ thân thiết với lãnh đạo công ty cấp nước Sông Lam nên có thể xin vào làm kế toán cho một phụ nữ ở thành phố Vinh, với chi phí 50 triệu đồng. Tin tưởng, nên chồng của người phụ nữ này đã nhiều lần chuyển khoản cho Hạnh 30 triệu đồng nhờ chạy việc.

Sau thời gian dài chờ đợi vẫn chưa nhận thông báo đi làm thì bị hại nghe tin Hạnh bị bắt. Do đó, người này đã làm đơn trình báo công an. Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023, Võ Thị Hạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt các bị hại số tiền gần 490 triệu đồng.

Nỗi lòng người mẹ khi con vi phạm pháp luật

Trả lời những câu hỏi của HĐXX, Hạnh thừa nhận hành vi lừa đảo. Nữ bị cáo khai nhận động cơ phạm tội vì muốn lấy tiền của người khác để trả nợ cá nhân. Hạnh không nói rõ về các khoản vay nhưng trình bày thời điểm đó rất khó khăn. “Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản nhận chạy việc, chạy án để giúp người ta. Nếu khi mình không làm được như cam kết thì trả lại tiền sẽ không sao”, Hạnh khai trước tòa.

Sau khi sự việc bị bại lộ, bị cáo đã nhờ bố mẹ trả nợ thay cho các bị hại. Tại phiên tòa, nữ bị cáo nhiều lần rơi nước mắt, tỏ ra hối hận về hành vi phạm tội của bản thân. Bị cáo trình bày hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Lặng lẽ ngồi nghe con gái trả lời những câu hỏi của tòa, bà Nguyễn Thị Th. (66 tuổi) nhiều lần rơi nước mắt. Mái tóc điểm bạc, gương mặt khắc khổ, làn da ngăm đen bà rụt rè đứng lên khi được tòa hỏi về khoản tiền đã trả nợ thay cho con gái. Người mẹ ấy trình bày, hoàn toàn không biết hành vi lừa đảo của con cho đến khi thấy người ta đến hỏi nợ.

anh 2 (1).JPG
Mẹ của bị cáo Hạnh cho hay phải vay mượn tiền để trả nợ thay con gái. Ảnh: Trần Vũ

Với mong muốn con gái sớm có cơ hội trở về nên dù hoàn cảnh khó khăn, ông bà đã cao tuổi, đau yếu nhưng gia đình vẫn vay mượn tiền để trả nợ thay cho Hạnh. “Bà có ý kiến gì về khoản tiền đã trả thay cho con, có muốn yêu cầu bị cáo phải trả lại cho mình không?”, vị thẩm phán xét hỏi.

Nghe vậy, bà lắc đầu nói “không” và trình bày “con dại cái mang”, gia đình muốn thay con trả nợ, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Rồi người mẹ ấy trình bày hoàn cảnh éo le của gia đình. Sau khi Hạnh bị bắt, đứa cháu nhỏ phải nhờ ông bà chăm sóc. Do cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe yếu nên việc chăm sóc càng vất vả hơn. Ngồi cách đó mấy hàng ghế, bố của Hạnh chỉ lặng lẽ thở dài. Người đàn ông từng dành một thời gian của cuộc đời mình để bảo vệ tổ quốc tỏ ra mệt mỏi khi đến tuổi già con gái lại vi phạm pháp luật.

HĐXX nhận định, trong vụ án này bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho bị hại. Quá trình công tác bị cáo đã có nhiều thành tích xuất sắc: là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen sáng kiến khoa học cấp huyện, tỉnh, tích cực tham gia ủng hộ các phong trào vì người nghèo tại địa phương và các xã lân cận, bố đẻ là người có công với cách mạng… Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Võ Thị Hạnh 3 năm 6 tháng tù.

Lừa đảo chạy việc, “chạy án” không còn là vấn đề mới, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy các đối tượng lừa đảo. Một phần vì nhu cầu tìm việc làm của người lao động, phần vì thủ đoạn tinh vi của các đối tượng. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để không rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Mới nhất

x
Nỗi lòng người mẹ nghèo vay tiền trả nợ thay con gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO