Nơi 'lũ chồng lũ' có những người thầy…
(Baonghean.vn) - Lũ chồng lũ ngay trước thềm năm học mới. Hàng chục ngôi trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên ngập nước, bùn đất dày đặc, thậm chí bị cuốn trôi... Nhưng cũng ở nơi đó, chưa bao giờ, người ta lại thấy tình người lớn lao đến thế.
Gánh lũ ở Nậm Típ
“Không thể vào đó được đâu, đường xấu, nguy hiểm lắm, nhiều đoạn trôi gần hết xuống sông”, nhiều người can ngăn khi chúng tôi muốn vào 2 xã Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), dịp đầu tháng 8.
Thời điểm đó, cả 2 xã biên giới dọc sông Nậm Típ đang chịu thiệt hại rất nặng nề sau trận bão số 3. Nhưng khi thấy một số dân bản từ trong bản đi xe máy ra thị trấn được, và nói “thầy cô cũng đã vào rồi”, chúng tôi quyết tâm vượt núi. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, đến chập tối, thì chúng tôi vào đến Trường Tiểu học Mường Ải, vừa khi một trận mưa rừng lại đổ xuống như trút.
Nhìn sang khu nhà công vụ của giáo viên, là khung cảnh đổ nát đến nhói lòng. Bốn gian nhà chỉ còn 1 bức tường nham nhở phía ngoài, còn lại đằng sau đã bị đánh sập hoàn toàn, nhìn thẳng ra con sông Nậm Típ ào ào chảy.
Đây là dãy nhà công vụ của 15 giáo viên và 1 gian được bố trí làm văn phòng trường Tiểu học Mường Ải. Toàn trường có 37 giáo viên, ngoài số ít là người bản địa, chủ yếu đều là các thầy cô giáo từ xuôi lên dạy học. Vất vả, thiếu thốn, suốt hàng chục năm qua, nhưng họ vẫn ở đây, vì còn có học sinh, vì những đứa trẻ cần được đến trường. Thậm chí, ở lâu thành quen, các thầy cô định cư luôn ở núi, chờ khi nghỉ hưu thì về… Nhưng giờ, gian ký túc chật hẹp và tối giản tiện nghi ấy cũng đã bị lũ cuốn trôi đi mất.
Thời điểm trận lũ quét qua, các thầy cô đang nghỉ hè. Một số giáo viên bản địa gần đó cố chạy sang, nhưng chỉ kịp đưa ít quần áo ra ngoài, còn lại, không dám cứu gì thêm vì nước lũ đang hung hãn. Ở vùng cao này, khi mưa, thì lũ đổ về cuồn cuộn. Nhưng khi nắng, thì nắng chói chang, gay gắt. Vào ban ngày, chúng tôi nhìn thấy rõ hơn sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Chẳng còn gì sót lại ngoài đống gạch đổ nát, xiêu vẹo. Chỉ còn một chiếc kiềng, được ai đó dựng lên, đứng một mình, chơ vơ…
Đến hạn trả phép, quay lên trường, dù được báo trước, nhưng không ai ngờ sức tàn phá của cơn lũ lại ghê gớm như vậy. Những giáo viên bị mất phòng được bố trí ở ghép cùng với những giáo viên khác ở khu ký túc xá gần đó, may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Có 7 giáo viên khác thì đành ở tạm tại các điểm trường lẻ. Một cô giáo phải thuê nhà dân để ở. Tất cả gạt nước mắt, tìm cách xoay xở ổn định chỗ ăn ở cho mình, không một ai rời trường.
Thầy Lê Quỳnh Lưu – Hiệu trưởng nhà trường nói: Toàn bộ thầy cô đã có mặt tại trường, đúng ngày 1/8, dù thời tiết vẫn mưa và đường đi nguy hiểm. Năm học mới sẽ rất khó khăn. Nhưng nhà trường cũng đã dần dần khắc phục, dọn dẹp tương đối gọn gàng. Nhà công vụ bị cuốn trôi, nhưng vẫn còn may mắn vì phòng học của học sinh không bị ảnh hưởng lớn. Giáo viên thì xoay xở sao cũng được…
Còn trường Tiểu học và Mầm non xã Mường Típ, nước lũ đã cuốn trôi phòng học, công trình vệ sinh ở điểm bản Na Mỳ. Năm học mới này, nhà trường phải bố trí gửi các em học sinh ở nơi đây đến học ở điểm trường chính hoặc một số điểm lân cận phù hợp khác…
Rời Mường Típ, Mường Ải, các thầy cô giục chúng tôi ra sớm đi, kẻo trời mưa là sẽ mắc kẹt lại. Con đường sau lũ nham nhở vết nứt toác, có đoạn đã sạt một nửa xuống sông Nậm Típ. Chúng tôi nói với nhau: “Nếu thêm trận mưa nữa, có khi cả đoạn đường trôi hết xuống sông”.
Không ngờ, chỉ hơn 1 tuần sau, bão mới lại về. Lũ chồng lũ. Và lần này, con đường từ Mường Xén, vào Mường Ải, Mường Típ đã bị cắt đứt hoàn toàn bởi nước sông dâng cao kỷ lục.
Thầy cô trong ấy sẽ ra sao? Học sinh có kịp tựu trường?
Trắng tay sau lũ!
Không chỉ có Mường Típ, Mường Ải, sau 2 trận lũ liên tiếp, nhiều trường học tại huyện Kỳ Sơn bị hư hại, việc đón học sinh tập trung chuẩn bị cho năm học mới phải lùi lại. Tại thị trấn Mường Xén, các trường tiểu học, mầm non, trụ sở Phòng GD&ĐT bị ngập sâu hơn 1 mét nước do mưa lũ, làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác. Ở xã biên giới Mỹ Lý, Trường Mầm non Mỹ Lý 1 và 2, Trường PTDTBT THCS bị ngập sâu, hơn 20 gian nhà ở công vụ của giáo viên bị nước lũ cuốn trôi hoặc sụt lún. Ước tính thiệt hại cho riêng ngành Giáo dục của huyện vùng cao này là 8 tỷ đồng.
Tại huyện Tương Dương, theo ông Kha Văn Lập - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Nhiều điểm trường như Phiêng Luống, Na Lật, Huồi Cỏ (xã Nhôn Mai), Na Ngân, Na Ko (xã Nga My), bản Cộc, bản Tạt (xã Yên Thắng) bị ngập. Một số điểm trường như điểm trường bản Lúng (Trường Mầm non xã Tám Thái, Khe Ngậu (Trường Mầm non Thạch Giám), bản Thói Voi (Trường Mầm non Nhôn Mai) cũng bị hư hỏng hoặc tốc mái.
Riêng Trường PT DTNT THCS Con Cuông, có đến 70% cơ sở vật chất của nhà trường bị hư hỏng do mưa lũ, ước tính thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ sách vở trong thư viện, trang thiết bị dạy học, máy tính, bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt của học sinh đã bị nước lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng hầu hết.
Năm học 2018-2019 nhà trường có 300 học sinh, trong đó có 75 em khối 6 vào nhập học. Là trường nội trú, mặc dù mới thành lập nhưng cơ sở vật chất của nhà trường đang rất khó khăn, thiếu thốn, vẫn phải học phòng học tạm. Nhưng trước năm học mới, trường đã chuẩn bị sẵn sàng và đón học sinh từ ngày 3/8 để ổn định ăn ở, sinh hoạt. “Lũ về quá nhanh, trường lại nằm ở gần sông Lam, nên nước dâng lên cao, có nơi ngập hơn 3m, khiến cho thầy trò không kịp trở tay. Toàn trường chỉ có 3 phòng học ở tầng 2 nổi lên khỏi mặt nước. Chúng tôi di chuyển học bạ, hồ sơ học sinh và các sổ sách quan trọng lên chỗ cao để tránh ngập. sau đó, phải dừng lại để tránh nguy hiểm. Cũng may là không có thiệt hại về người", thầy Nguyễn Đình Nhung – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Nỗ lực để đón năm học mới
Hiện nay, Trường PT DTNT THCS Con Cuông đang cho học sinh nghỉ ở nhà, do cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng được. Mặt khác, học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhà xa, sau mưa lũ đi lại rất nguy hiểm.
Còn lại, thầy cô và các lực lượng địa phương rất khẩn trương và nhanh chóng thực hiện công tác khắc phục hậu quả ngập lụt. Chỉ sau 4 ngày, các dãy phòng học cùng với khu nhà ở nội trú của học sinh đã được dọn dẹp sạch sẽ, giải phóng hết bùn đất ra ngoài. Việc còn lại là khơi thông cống rãnh, sửa chữa lại đoạn đường vào trường. Đồng thời vệ sinh sạch sẽ, phòng trừ dịch bệnh.
“Về sách giáo khoa dùng cho cô và trò, nhà trường đăng ký với Trung tâm sách thiết bị trường học, “may mắn” mà chưa đưa về trước bão, nên vẫn đang nguyên vẹn và sắp tới sẽ được chuyển lên đầy đủ. Hiện nay, có một số cá nhân, tổ chức từ thiện đã tài trợ bút vở và một số quần áo cho học sinh cùng với một số bàn ghế. Nhà trường đã sửa chữa số bàn ghế cũ để dùng tạm, và trong thời gian tới sẽ thay thế mới dần dần khi có kinh phí. Ngoài ra, cũng đã có đơn vị tặng 300 chăn, màn, gối… cho học sinh nội trú. Như vậy, các điều kiện thiết yếu phục vụ cho dạy và học đã cơ bản đáp ứng. dự kiến chiều 26/8 sẽ tập trung học sinh và đến ngày 27/8 sẽ bắt đầu dạy học chính thức như kế hoạch của Sở GD&ĐT”, thầy Nguyễn Đình Nhung cho biết.
Trường Mầm non Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn), điểm bản Lưu Thắng do ảnh hưởng mưa lũ gây sạt lở đất đã làm đổ sập 1 phòng học bán kiên cố và một bếp ăn bán trú. “Cảnh tượng lúc đó thật khủng khiếp, thật may là vào dịp hè, không có cháu nào ở trong đó. Khi mưa dứt, dù chưa đến hạn trả phép, các giáo viên của trường đã có mặt. Nhưng sức người có hạn, các cô cũng chỉ lôi được bàn ghế, một số đồ chơi ra ngoài, rồi đem xuống suối lau rửa cho sạch sẽ. Còn lại là hư hỏng hết”, cô Doãn Thị Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường kể.
Để giúp đỡ cô trò, đầu tháng 8, chính quyền xã Chiêu Lưu đã huy động cán bộ, các đoàn thể, đoàn thanh niên và bà con nhân dân, thuê máy xúc để giải tỏa lượng bùn đất “bao vây” điểm trường Lưu Thắng. Riêng 2 phòng học và bếp ăn dựng bằng gỗ buộc phải tháo dỡ, không thể sửa chữa được vì trước đó đã đổ sập hoàn toàn.
Điểm trường Lưu Thắng năm học này có 39 cháu, việc dựng lại phòng học sẽ mất thời gian, và theo nhà trường đề xuất: Địa phương cần tính toán vị trí dựng phòng học mới đảm bảo an toàn cho cô và trò. Vì vị trí cũ rất dễ bị sạt lở mỗi khi có mưa. Hiện giải pháp trước mắt đưa ra là vệ sinh sạch sẽ phòng học kiên cố bằng nhà xây để đón trẻ. Còn số cháu bị mất phòng học sẽ chuyển sang học tại nhà văn hóa cộng đồng gần đó.
Tuy nhiên, bếp ăn bị sập, việc tổ chức bán trú cho các cháu sẽ khó thực hiện được. Cô Vi Thị Huế - giáo viên tại điểm bản Lưu Thắng chia sẻ: Bếp ăn không còn, vườn rau của chúng tôi cũng bị vùi lấp dưới đất đá. Điều lo lắng nhất là không tổ chức ăn bán trú, trưa các cháu phải về nhà, sẽ rất vất vả và ảnh hưởng đến nề nếp sinh hoạt, các cô cũng không chăm sóc cháu được tốt hơn”.
Nơi ấy có thầy, có cô
Chưa năm nào, lại có 2 trận bão lũ liên tiếp xảy ra ngay trước thềm năm học mới. Từ Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương… có hàng chục trường và điểm trường ngập nước, bùn đất dày đặc... Nhưng cũng ở nơi đó, chưa bao giờ, người ta lại thấy tình người, lòng yêu thương, chung tay hỗ trợ nhau xúc động như thế.
Đó là hình ảnh 1 Bí thư Huyện ủy xắn quần lội trong nước lũ, vớt sách vở, đồ dùng học tập của thầy và trò. Là hình ảnh những chiến sĩ quân đội, đoàn thanh niên, và phụ huynh, người dân với cuốc, xẻng, và bất cứ vật dụng nào giúp nhà trường dọn dẹp vệ sinh. Là những tấm lòng tìm đến, giúp đỡ tấm chăn, bộ quần áo, cuốn vở cho học trò.
Và các thầy, cô giáo ở nơi đó…
Tôi đã nghĩ đến những giọt nước mắt, nghĩ đến nỗi hoang mang sợ hãi, làm sao tránh khỏi khi bao nhiêu trường lớp, tài sản chuẩn bị đầy đủ cho năm học mới, phút chốc cuốn theo dòng nước lũ? Nhưng không, tôi thấy một cô giáo mầm non tìm, gom bộ thẻ chữ cái, con số bằng giấy bìa, đem ra phơi giữa sân trường nắng chang chang sau lũ. Cô nói, mỗi bộ thẻ như vậy giá 70 nghìn đồng. Giữ lại cho các cháu học, không vào năm mới mà không có đồ dùng đồ chơi gì, tội các cháu.
Là giọng nói ngắn gọn của thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải qua 2 lần chịu lũ liên tiếp: Mưa bão đi rồi thì ta khắc phục. Mấy ngày nay cả trường đang tổng động viên, mọi việc đang rất khẩn trương. Rồi cũng xong hết cả, đón học sinh khai giảng.
Là lời cảm ơn của các thầy cô trường PT DTNT THCS Con Cuông dành cho các lực lượng đã có mặt giúp đỡ nhà trường sớm nhất, và dành cho cả phóng viên báo chí vì đã động viên và quan tâm đến nhà trường.
Tôi ngỡ ngàng, và chợt nhận ra một điều về những người thầy, người cô ở vùng cao, mà bấy lâu nay tôi chưa hề nghĩ đến. Không chỉ là tình yêu thương học trò, lòng yêu nghề, tinh thần vượt khó, vượt khổ thầm lặng, mà còn là một bản lĩnh, một ý chí kiên cường mà thầm lặng trước mọi khó khăn, thiếu thốn và thiên tai. Để nơi ấy có thầy, có cô, như có một niềm tin, một chỗ dựa vững chắc cho bao thế hệ học trò, và cho cả chúng ta…