Nơi người dân có thể không dùng tiền mặt
Người dân tại đất nước ít dùng tiền mặt nhất thế giới có thể sớm không còn tiếp cận được với tiền giấy và tiền xu.
Theo Bloomberg, để tránh kịch bản cực đoan này, nhà cung cấp dịch vụ xử lý tiền mặt Loomis AB muốn giới chức buộc các ngân hàng và các nhà bán lẻ tiếp tục chấp nhận tiền mặt.
Lời cảnh báo từ doanh nghiệp này đến sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank cho hay họ lo rằng sự biến mất nhanh chóng của tiền mặt có thể dẫn đến việc cơ sở hạ tầng cần thiết để sử dụng tiền giấy, tiền xu tan rã. Nó cũng đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy hệ thống thanh toán an toàn và hiệu quả cho giới chức.
Ảnh Bloomberg |
“Chúng ta phải có ô tô, kho tiền và tất cả những thứ tương tự để duy trì cơ sở hạ tầng, chúng ta cũng cần khối lượng giao dịch cơ bản”, CEO Loomis Patrik Andersson cho hay. Ông nói thêm rằng các khu vực đông dân ở phía bắc Thụy Điển là những nơi dễ mất khả năng tiếp cận tiền mặt nhất. Trường hợp này đáng lo vì nếu thiên tai hoặc sự cố kỹ thuật chẳng may xảy ra, người Thụy Điển không thể mua được nhu yếu phẩm để tồn tại.
Ông Andersson nói: “Tiền mặt rất quan trọng trong tình huống khủng hoảng. Dân Thụy Điển có thể không hiểu sâu sắc về ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng lan rộng khắp cộng đồng”.
Một ủy ban quốc hội đang xem xét khuôn khổ rộng hơn cho kế hoạch mà Riksbank đặt ra về việc xuất bản báo cáo đặc biệt trong mùa hè này, xem xét các thách thức của việc giảm sử dụng tiền mặt. Thống đốc Riksbank Stefan Ingves kêu gọi thay đổi pháp lý để bảo vệ hệ thống thanh toán của ngân hàng trung ương trong bối cảnh tiền mặt ngày càng bị “thờ ơ”.
Thụy Điển đang tiến đến tình huống mà các phương tiện thanh toán của công chúng bị kiểm soát bởi các bên thương mại, đây có thể là vấn đề, đặc biệt là trong tình huống khủng hoảng, ông Ingves cho hay.
Lượng tiền mặt trong lưu thông của Thụy Điển năm ngoái hạ xuống mức thấp nhất từ năm 1990, và hiện giảm hơn 40% so với mức cao nhất trong năm 2007. Mức giảm dùng tiền mặt năm 2016, 2017 là mạnh nhất lịch sử.
Khi tiền mặt ngày càng ít được dùng, chi phí mà các cửa hàng, quán ăn và ngân hàng phải bỏ ra để cung ứng dịch vụ tiền mặt tăng lên. Điều này trầm trọng hóa vấn đề. CEO Bankomat Nina Wenning cho biết chi phí mà các ngân hàng phải trả cho mỗi giao dịch tại các cây ATM đang tăng lên đáng kể.