Nỗi niềm công nhân các khu công nghiệp

01/04/2013 20:04

Thu nhập thấp, phải tự thuê phòng trọ, không sách báo, không tivi, thường xuyên làm quá giờ... đó là tình trạng chung của hầu hết công nhân đang lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy hiện nay. Phần lớn trong số đó là phụ nữ, tuổi đời khoảng 18 đến 30, họ đang sống một cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn.

(Baonghean) - Thu nhập thấp, phải tự thuê phòng trọ, không sách báo, không tivi, thường xuyên làm quá giờ... đó là tình trạng chung của hầu hết công nhân đang lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy hiện nay. Phần lớn trong số đó là phụ nữ, tuổi đời khoảng 18 đến 30, họ đang sống một cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Đứng chờ trước cổng các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Vinh (TP Vinh) đến hơn 5 giờ chiều, nhưng chúng tôi chỉ thấy một số công nhân lác đác ra về. Hỏi chuyện một nữ công nhân vừa mới từ Công ty Matrix (chuyên sản xuất gấu bông) bước ra, chúng tôi được cô cho biết: “Em tên Ngô Thị Diễm, quê ở Gio Linh – Quảng Trị. Em vừa mới vào công ty làm một tuần nay nên được về sớm, còn các chị phải ở lại làm tăng ca đến 7 giờ tối”.

Vào căn phòng trọ rộng khoảng 10m2 của Diễm, chúng tôi chứng kiến cảnh sống đạm bạc thiếu thốn đủ bề. Sang các phòng bên cạnh, nơi tá túc của những công nhân đã làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Vinh được vài ba năm, thấy cũng không khá hơn là bao. Vật dụng trong mỗi căn phòng là một chiếc giường ngủ, một chiếc tủ vải để quần áo, một chiếc bếp gas và vài ba cái nồi cùng bát đũa để nấu ăn hàng ngày.

Chị Ngô Thị Yến – nữ công nhân quê ở Anh Sơn tâm sự: “Em cũng mới vào làm cùng đợt với Diễm, theo hợp đồng thì lương khởi điểm 1,8 triệu đồng/tháng. Thuê phòng trọ mất 450.000 đồng/tháng chưa kể tiền điện nước, vậy nên phải chi tiêu hàng ngày hết sức tiết kiệm mới đủ sống. Do đó chẳng ai dám mua sắm gì cả”.



Công nhân Khu công nghiệp Bắc Vinh xếp hàng ở cây ATM nhận lương.

Đúng 7 giờ tối, đường Đặng Thai Mai ( TP Vinh) tắc nghẽn bởi số lượng công nhân từ các nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Vinh ra về. Nhiều người tranh thủ ghé vào các chợ cóc họp ngay bên đường trước công ty để mua thức ăn cho bữa tối. Phan Thị Quyên – quê ở huyện Nam Đàn, công nhân của Công ty CP may mặc Minh Anh - Kim Liên cho biết: “Bọn em đi làm từ 7h sáng, đến 11h được nghỉ và ăn trưa tại chỗ, sau đó nghỉ ngơi đến 13h vào làm đến tận 19h mới được nghỉ”.

Khi được hỏi về mức thu nhập, chế độ làm thêm giờ và ngày nghỉ của công nhân? Phan Thị Quyên cho hay: “Trừ những người mới vào, còn lại tất cả công nhân đều phải làm việc mỗi ngày 10 tiếng, từ thứ 2 đến thứ 7. Chỉ duy nhất ngày chủ nhật được nghỉ. Công ty tính công 8 tiếng/ngày, còn 2 tiếng được tính làm thêm giờ và trả công mỗi giờ 5.000 đồng. Tổng thu nhập bình quân của công nhân mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Công ty không hỗ trợ tiền nhà ở mà công nhân phải tự lo hoàn toàn, vì thế lương chỉ đủ chi tiêu hàng ngày để sống chứ không có dư để tích trữ cho tương lai và phòng ốm đau, bệnh tật”.

Hỏi vì sao làm thêm mỗi giờ chỉ được trả công 5.000 đồng mà công nhân vẫn chấp nhận? Chị Quyên cũng như các công nhân khác trả lời rằng: “Mỗi ngày làm thêm 2 tiếng là bắt buộc, ai không làm sẽ bị đuổi việc. Trước đây công ty chỉ trả tiền làm thêm 3.000 đồng/giờ, gần đây công nhân đấu tranh nhiều nên công ty mới tăng lên. Chẳng ai muốn làm thêm giờ với tiền công rẻ mạt như vậy cả, nhưng nếu không làm thì bị đuổi việc, vì miếng cơm manh áo đành phải chấp nhận”.

Dường như “phong trào” bắt buộc công nhân phải làm ngày 10 tiếng và trả công rất “bèo bọt” đang được hầu hết các doanh nghiệp ở đây “hưởng ứng”. Trong khi những nơi khác giờ tan tầm là 17h thì ở Khu công nghiệp Bắc Vinh giờ tan tầm là 19h hàng ngày. Chính vì vậy, thời gian vui chơi giải trí, xem tivi, đọc sách báo đối với các công nhân trở nên xa xỉ, bởi sau 10 tiếng làm việc mệt mỏi ở nhà máy, 19h các công nhân mới được ra về, còn phải đi chợ, nấu ăn, tắm giặt, xong xuôi đâu đấy cũng phải đến 21h. “Thời gian dành cho tình yêu còn không có, huống hồ xem tivi, đọc sách báo” – một nữ công nhân thốt lên.

Đến khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú, chứng kiến tình cảnh của công nhân còn khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Dung – một công nhân than thở: “Có nhiều tháng nhận lương chưa đến 1 triệu đồng. Mức lương 3 triệu đồng/tháng là một ước mơ xa vời”. Bởi vậy, đa số công nhân ở đây phải rủ nhau 3 – 4 người thuê chung một phòng trọ khoảng 9 – 12m2 với giá 400.000 đồng/tháng cho đỡ tiền. Nhiều công nhân không chịu nổi cảnh vất vả phải bỏ việc về quê làm ruộng.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở Khu công nghiệp Bắc Vinh cũng như Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú và nhiều nơi khác, điều kiện sống của hầu hết công nhân không những vất vả thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn cả về tinh thần. Ngoài việc ngày đi làm, tối về ăn xong đi ngủ, họ không được tham gia (đúng hơn là không có thời gian tham gia) các sinh hoạt xã hội như phong trào đoàn thể, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí... Tuy nhiên, tại Khu công nghiệp Nam Cấm vẫn có một số doanh nghiệp thực hiện khá tốt việc đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho công nhân.

Điển hình như công nhân ở các doanh nghiệp: Công ty CP ván gỗ nhân tạo Việt Trung; Công ty TNHH thức ăn gia súc Con Heo Vàng; Công ty TNHH bột đá trắng siêu mịn Việt Nhật... Mức thu nhập bình quân của công nhân ở các doanh nghiệp này khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng và tuân thủ giờ lao động ngày 8 tiếng, các ngày lễ được nghỉ theo quy định của Nhà nước. Ông Cao Văn Sinh - Công ty CP ván gỗ nhân tạo Việt Trung cho biết: “Công ty chúng tôi từ lâu đã có ký túc xá cho công nhân, nhưng do quỹ đất không đủ để xây nhiều phòng nên vẫn còn một số công nhân phải đi thuê phòng trọ ở ngoài. Những trường hợp đó được công ty hỗ trợ 50% tiền nhà ở”. Tuy nhiên, bên cạnh một số rất ít công ty thực hiện tốt việc quan tâm chăm sóc đời sống công nhân, đa số các công ty còn lại ở Khu công nghiệp Nam Cấm cũng còn tình trạng bỏ bê mặc công nhân tự lo như hầu hết các doanh nghiệp ở nơi khác.

Ngày 14/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2159/QĐ-UBND.ĐT cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình “Nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm” và giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng. Sau khi công trình hoàn thành với một khu nhà nguyên đơn hoàn chỉnh 5 tầng sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 500 công nhân. Công trình dự kiến hoàn thành vào khoảng cuối năm 2014 – đầu năm 2015. Khi có nơi ăn ở tập trung, các công nhân sẽ có một môi trường làm việc, sinh hoạt tốt hơn để nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, dự án trên mới chỉ dành cho riêng công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cấm, còn những khu công nghiệp, nhà máy khác trên địa bàn tỉnh hiện nay điều mong ước của công nhân chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực?


Hoàng Hảo

Mới nhất
x
Nỗi niềm công nhân các khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO