Nỗi niềm sông Lam

18/06/2012 16:39

(Baonghean) Những ngày hè nóng bức, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình ngược vùng đất Phủ Tương xưa (gồm các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn ngày nay), nơi thượng nguồn của dòng sông Lam, biểu tượng của văn hóa xứ Nghệ. Con sông ấy vẫn mải miết xuôi dòng để hòa mình với đại dương bao la nhưng dường như nó đang chứa chất một nỗi niềm sâu kín mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.

(Baonghean) Những ngày hè nóng bức, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình ngược vùng đất Phủ Tương xưa (gồm các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn ngày nay), nơi thượng nguồn của dòng sông Lam, biểu tượng của văn hóa xứ Nghệ. Con sông ấy vẫn mải miết xuôi dòng để hòa mình với đại dương bao la nhưng dường như nó đang chứa chất một nỗi niềm sâu kín mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.

Nói đất Phủ Tương là vùng thượng nguồn của dòng sông Lam bởi lẽ nơi đây là điểm hợp lưu của hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ bắt nguồn từ thượng Lào và “nhập tịch” vào Việt Nam. Hai con sông này gặp nhau ở ngã ba Cửa Rào (Tương Dương) để rồi “khai sinh” ra dòng sông Lam, niềm tự hào của lớp lớp người dân xứ Nghệ. Nhưng hiện tại, ai có điều kiện men theo đôi bờ để ngược dòng sông Lam sẽ không khỏi lo lắng và xót xa khi phải chứng kiến cảnh dòng sông đang từng ngày biến đổi.

Ở vùng hạ nguồn, thời gian gần đây, báo chí thường lên tiếng cảnh báo tình trạng khai thác cát sạn gây sạt lở và xả thải bừa bãi gây ô nhiễm dòng sông. Còn ở phía thượng nguồn, mấy năm nay, dòng Lam phải “oằn mình” trước nạn khai thác vàng sa khoáng. Bắt đầu từ địa bàn huyện Con Cuông, đôi bờ dòng Lam đã trở nên nham nhở bởi tình trạng người dân thi nhau đổ xô ra bãi sông khai thác vàng.



Khai thác cát trên Sông Lam - Ảnh Đặng Cường

Tiếp tục ngược lên Tương Dương, dọc sông cảnh tượng càng trở nên bề bộn, ngổn ngang. Giữa dòng là những bãi cát sạn khổng lồ, dấu tích của những tàu khai thác vàng để lại. Những tàu khai thác này đã từng “băm nát”, xáo trộn lòng sông để tìm vàng nhưng khi rời đi không chịu san gạt, trả lại hiện trường như cũ. Những bãi sỏi khổng lồ ấy trở thành vật cản gây ách tắc và biến đổi dòng chảy. Dòng nước “xói” thẳng vào hai bên bờ gây sạt lở nghiêm trọng. Vào mùa mưa lũ hàng năm, hàng chục, thậm chí hàng trăm ha đất nông nghiệp bị dòng sông “nuốt chửng”. Lòng sông bị mở rộng, bờ sông tiến vào sâu đe dọa đến sự an toàn của các bản làng.

Cầm tấm lưới từ dưới sông bước lên, ông Vi Văn Tiến ở bản Lau, xã Thạch Giám (Tương Dương) không giấu được vẻ thất vọng. Ông bộc bạch: “Cá tôm bây giờ hiếm hoi quá, suốt từ sáng đến giờ đi quăng lưới mà không được con nào”. Ngồi trên bờ với vẻ mặt đăm chiêu, sau mấy phút trầm ngâm, ông Tiến lại tiếp tục câu chuyện: “Mới đầu mùa mưa mà nước sông đã đục ngầu, trước đây không có chuyện như thế này. Đây là do nạn khai thác vàng, dọc bờ sông và đầu nguồn các khe suối bị lật tung, chỉ cần một trận mưa là cơ man nào bùn đất bị cuốn đi, dòng nước không đục ngầu mới là chuyện lạ. Rồi người ta dùng chất thủy ngân để xử lý vàng sa khoáng, các loại máy móc thải dầu xuống làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nên cá tôm ít dần”.

Và rồi ông Tiến còn kể chúng tôi nghe chuyện của những ngày xưa, khi đoạn sông này còn xanh trong soi rõ từng hòn sỏi nhỏ. Chiều chiều, chị em phụ nữ ra tắm giặt và cười nói vang cả một khúc sông. Có những thiếu nữ Thái tóc dài đứng soi mình giữa dòng sông để làm duyên khiến bao người khách đi qua phải bồi hồi, xao xuyến. “Nước sông bây giờ đục đã đành, xuống tắm lại thấy ngứa ngáy khắp người nên lâu nay không ai ra sông tắm giặt nữa”- Ông Tiến nói sau một tiếng thở dài.

Từ ngã ba Cửa Rào (Tương Dương), chúng tôi tiếp tục đi dọc Quốc lộ 7A để lên vùng đất Mường Xén (Kỳ Sơn). Đoạn đường này khá vắng vẻ và hoang vu, bên trái là những dãy núi kế tiếp nhau trải dài tưởng chừng như bất tận, bên phải là dòng Nậm Mộ mang sắc vàng quạch. Càng ngược lên, cảnh bề bộn, ngổn ngang càng bày ra trước mắt. Đoạn sông qua các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm có nơi inh ỏi tiếng động cơ của các loại máy khai thác vàng. Trước đây, có một công ty được cấp phép khai thác trên đoạn sông này. Sau bao lần cày đi xới lại khiến lòng sông, bờ sông và bãi sông tan hoang, hiện công ty ấy đã rút máy móc khỏi địa bàn, nhưng người dân bản địa vẫn tiếp tục “moi ruột” dòng sông.

Nhìn cảnh tan hoang của dòng Nậm Mộ, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục “nổi giận”. Cách đây đúng một năm, dòng sông này đã đùng đùng “nổi giận” dâng nước lên cao tới mức chưa từng có và cuốn phăng vô số nhà cửa, đồ đạc và tàn phá các công trình phúc lợi dân sinh ở khu vực Mường Xén, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (Tương Dương). Đến nay, hậu quả của trận lũ quét lịch sử ấy vẫn chưa dễ gì khắc phục xong, nhiều người vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng mỗi khi nhắc lại trận “nổi giận” của sông Nậm Mộ. Giờ đây, khi mùa mưa lũ bắt đầu cũng là lúc người dân các bản làng ven sông, ven suối thấp thỏm trước nguy cơ lũ quét.

Đi dọc đôi bờ dòng Lam lên phía thượng nguồn, chứng kiến sự phũ phàng của con người khi đối xử với dòng sông, chúng tôi phần nào hiểu được nguyên do vì sao những năm gần đây “tính khí” dòng sông trở nên thất thường. Nếu tiếp tục làm sông bị tổn thương, không biết mai sau những người con “phiêu dạt” quê người trở về có được “úp mặt vào sông quê” như nhà thơ Lê Huy Mậu và nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo? Và rồi dòng sông quê hương có luôn được “xanh trong chảy mãi đến vô cùng” và chất chứa sự bao dung như ước nguyện và mãi mãi là niểm tự hào, là biểu tượng của người dân xứ Nghệ?


Công Kiên

Mới nhất
x
Nỗi niềm sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO