Nỗi niềm vùng đất mỏ

Những băn khoăn của các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Hợp đến với chúng tôi trong ngày 30/12/2020, là thời điểm các Tổ đại biểu HĐND của địa phương này đang tổ chức thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 13, khóa XVIII. Một trong những đại biểu đã nêu ra ý kiến là ông Lương Văn Long – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng. Ông Long bày tỏ mong muốn huyện cần có ý kiến đề đạt HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, điều tiết phân bổ phí bảo vệ môi trường thu được từ các doanh nghiệp khoáng sản về cho địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Liên lạc ngay sau đó, do bận họp nên Chủ tịch UBND xã Châu Hồng hứa qua hộp thư điện tử sẽ trả lời rõ nguyên nhân. Vài ngày sau, tôi nhận được thư. Theo thư, ông Lương Văn Long cho biết, xã Châu Hồng được thiên nhiên ban tặng tài nguyên khoáng sản như quặng thiếc, đá trắng; trên địa bàn có các công ty, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép khai thác từ những năm 1980.

Hiện nay, trên địa bàn còn có 11 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp có tham gia công tác an sinh xã hội, thăm tặng quà hộ nghèo, và giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng… Nhưng dù vậy, hệ lụy của việc khai thác khoáng sản để lại là vô cùng khó lường. Đã có nhiều tác động xấu như: Ô nhiễm môi trường không khí, thiếu nước sản xuất, đường giao thông xuống cấp trầm trọng, hậu quả của việc trả lại đất mỏ sau khai thác khoáng sản là nỗi băn khoăn trăn trở, lo lắng của nhân dân và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nguy cơ đe dọa tính mạng tài sản của nhân dân.

Đồng thời, ông Long thông tin: “Hàng năm các công ty doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều đóng nộp các khoản tiền thuế, phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư lại cho địa phương nơi chịu tác động của hoạt động khai thác khoáng sản hình như là không có. Từ năm 2012 trở lại đây, xã Châu Hồng không được hưởng khoản gì. Trong khi đó, việc công tác bảo vệ môi trường, kiểm tra, quản lý hoạt động khoáng sản là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền xã. Vậy nên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước cấp trên điều tiết một số phí, lệ phí do các công ty doanh nghiệp đóng cho xã để sử dụng vào các công tác như luật đã quy định…”.

Từng đi lại vùng mỏ Châu Hồng sau nhiều lần nơi đây xảy ra sự cố môi trường, sập hầm mỏ gây chết người…, chúng tôi biết địa phương này dù giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng về kinh tế – xã hội nói chung chậm phát triển, đời sống người dân còn rất khó khăn.

Ở lần gần nhất là vào tháng 3/2019, khi tại mỏ thiếc Suối Bắc, trên núi Lan Toong, xảy ra sự cố sập hầm khiến 3 người dân bản Chảo đang mót thiếc tử nạn. Thời điểm đó, chúng tôi đã ghé thăm gia đình của những người xấu số, cũng để giải đáp nỗi băn khoăn: Tại sao họ cứ phải liều lĩnh bám lấy cái nghề “chuột chũi” vất vả lại nguy hiểm đến tính mạng? Thế rồi chua chát nhận ra nguyên nhân vì khó khăn trong kiếm tìm miếng cơm, manh áo. Như lời của anh Sầm Văn Dư (chú của nạn nhân Sầm Thị Hảo): “Không mót thiếc thì còn biết làm gì để sống…”.

Ngược lên Châu Hồng dịp đầu tháng 3/2021, cảm nhận địa phương này vẫn thế. Quốc lộ 48C vẫn gồ ghề, dày những ổ trâu, ổ voi và nhiều những chiếc xe trọng tải lớn lặc lè chạy bắn tung bùn, nước bẩn. Vào xã hỏi chuyện, cán bộ nơi đây cho biết, dù có những thay đổi nhưng còn rất chậm. Và cái nghề “chuột chũi”, dù chính quyền thường xuyên cảnh báo, kiểm tra thường xuyên nhưng vẫn còn. “Cái căn bản để địa phương vùng sâu, vùng xa có thể phát triển là đất đai nhưng ở đây quá hạn chế. Toàn xã chỉ có 110 ha ruộng nước, trong khi có đến gần 1.000 hộ dân…” – một cán bộ xã trao đổi.

Gặp Chủ tịch UBND xã Lương Văn Long, ngay sau cái bắt tay anh nói: “Năm 2020, Ủy ban còn nợ anh em cán bộ 30 triệu đồng tiền làm biển cảnh báo và xăng xe tuần tra vùng mỏ. Đành phải khất vì ngân sách xã không còn…”. Hỏi để làm rõ thêm những nội dung đã nêu trong thư, theo ông Long, xã Châu Hồng có tổng diện tích 2.819ha. Thế nhưng có đến gần 800ha đất rừng phòng hộ; gần 1.000 ha đất lâm nghiệp thuộc phạm vi đất quy hoạch khoáng sản, gần 200 ha đất được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản… Trong khi đó, đất để người dân kiếm kế sinh nhai chỉ gồm 110 ha lúa nước 2 vụ; 119 ha đất vườn, gần 10 ha đất nuôi trồng thủy sản; 410 ha đất lâm nghiệp theo Nghị định 163…

PV vào khu mỏ thiếc cũ trên núi Lan Toong, nơi người dân xã Châu Hồng thường lén lút vào mót thiếc (ảnh chụp hồi tháng 3/2019).
PV vào khu mỏ thiếc cũ trên núi Lan Toong, nơi người dân xã Châu Hồng thường lén lút vào mót thiếc (ảnh chụp hồi tháng 3/2019).

“Quỹ đất eo hẹp, trong khi kế sinh nhai khác không có nên vẫn còn tình trạng người dân lén lút vào các khu mỏ cũ mót thiếc. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra nhưng thực sự là rất lo…”. Hỏi về nguồn tài chính hàng năm, theo ông Long cho biết, ngân sách cấp về chỉ đảm bảo cho chi thường xuyên, bao gồm lương, phụ cấp và các hoạt động thường niên, chứ không có để chi cho các công tác về bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng khoáng sản chưa khai thác.

Xã Châu Hồng khó khăn là như thế. Vậy nhưng ở xã Châu Tiến nằm kế bên, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông Hoàng Quang Tiệp thì địa phương này còn khó khăn hơn.  “Như tôi biết thì Châu Tiến cùng Liên Hợp, Châu Thành là 3 đơn vị cấp xã khó khăn nhất của huyện Quỳ Hợp…” – ông Hoàng Quang Tiệp khẳng định.

Minh chứng điều này, ông Tiệp cho hay, quỹ đất Châu Tiến là 3.059ha  nhưng phần lớn đất đai đều thuộc rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên (hơn 2.400 ha) chỉ được phép khoanh nuôi bảo vệ. Xã có 650 hộ, 2.500 nhân khẩu, trong khi đất sản xuất nông nghiệp chỉ có trên 180 ha (71 ha đất trồng lúa). Rồi trao đổi: “Địa bàn xã Châu Tiến có 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, họ cũng có một số đóng góp cho địa phương khi được vận động, và tạo thêm việc làm cho người dân. Nhưng với thực tế này muốn phát triển thật khó…”.

Xem bản báo cáo tổng thu, chi năm 2020 của xã Châu Tiến, thì nguồn ngân sách cấp về là 5,280 tỷ đồng, thu trên địa bàn là 160 triệu đồng. Trong khi đó, mục chi thường xuyên đã lên đến 5,014 tỷ đồng; chi dự phòng 295 triệu đồng; chi cho đầu tư phát triển chỉ được 130 triệu đồng. Còn mục chi cho bảo vệ môi trường và kiểm tra bảo vệ vùng khoáng sản chưa khai thác thì không có. Hỏi về nội dung này, ông Tiệp cho hay nhiệm vụ được giao thì phải thực hiện, còn về kinh phí, do không có nên xã mới phải đề xuất lên trên xem xét điều chỉnh. “Kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2020, tại cuộc họp thảo luận tổ, tôi đại diện cho xã Châu Tiến cũng có ý kiến phát biểu…” – ông Hoàng Quang Tiệp cho hay.

Ở  Quỳ Hợp, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện, ông Nguyễn Giang Hoài là đại biểu HĐND tỉnh. Hỏi về những tâm tư từ những xã Châu Hồng, Châu Tiến…, ông Nguyễn Giang Hoài cho hay là đang có những bất cập trong điều tiết khoản phí cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường thu được từ các doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cho các địa phương cơ sở, nơi trực tiếp có các hoạt động khai thác khoáng sản.

“Vừa là doanh nghiệp, vừa là đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện, tôi rất buồn khi nghe người dân, nghe cán bộ địa phương nói: “Nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp được lợi chứ nhân dân và địa phương cơ sở có được hưởng lợi gì đâu. Trong khi thực tế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hàng năm đều đóng nộp đủ các sắc thuế, các khoản phí cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, cá nhân tôi với vai trò đại biểu HĐND nhân dân đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này…”.

Tìm hiểu, năm 2020, khoản phí bảo vệ môi trường thu được từ các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là 10,110 tỷ đồng; trước đó, năm 2019 là 6,653 tỷ đồng. Theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định tại Điều 8: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước…

Tỉnh lộ 532 đoạn qua các xã Châu Hồng, Châu Tiến xuống cấp nghiêm trọng.
Tỉnh lộ 532 đoạn qua các xã Châu Hồng, Châu Tiến xuống cấp nghiêm trọng.