Nối sợi thương sau bao xa cách
(Baonghean.vn) - Nếu không có chiến tranh, đời ông chắc sẽ gắn bó với quê hương Bình Thuận cát trắng. Cuộc chiến kéo dài hàng chục năm đã đưa bước chân ông ra Bắc, rồi định cư trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ. Những năm tháng cuối đời, ông chắp nối và liên lạc được với những người thân…
Người dân làng Mỏ, xã Tam Quang (Tương Dương) thường coi ông là một người kỳ dị. Kỳ dị bởi lẽ ít nhất ông có đến 3 cái tên, 3 độ tuổi và đặc biệt là chỉ sống một mình, không lấy vợ. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Nhan, một số giấy tờ ghi là Nguyễn Văn Nhạn, còn trong bức thư của người em trai lại ghi là Nguyễn Văn Nhang. Về năm sinh, có nơi ghi 1928, nơi thì ghi 1929, phần lớn giấy tờ ghi là 1930.
Ông Nguyễn Văn Nhan bên những kỷ vật |
Ngôi nhà của ông Nhan nằm giữa làng Mỏ, một ngôi nhà đã cũ kỹ, đồ đạc cũng đều nhuốm “màu thời gian”, trên tường treo đầy huân, huy chương ghi dấu những chiến công thời kháng chiến chống Mỹ. Người đàn ông 85 tuổi ấy (theo khai sinh) từ nét mặt đến dáng đi cũng đã mang đầy dấu ấn của năm tháng và tuổi tác. Nhưng giọng nói, tiếng cười vẫn còn khỏe khoắn, chất giọng miền Nam vang xa, cho dù đã rời quê nhà hơn 70 năm. Ông bộc bạch dòng tâm sự: “Tôi là người có 2 quê hương, Bình Thuận là nơi tôi sinh ra và lớn lên, còn Nghệ An là nơi tôi sống và gắn bó phần lớn cuộc đời, và chắc chắn sẽ nằm lại trên mảnh đất này. Nguyên do bắt nguồn từ chiến tranh, số phận đem đến sự chia biệt nhưng cũng mang lại những giây phút ngập tràn niềm vui, hạnh phúc khi nối lại được liên lạc với anh em, gia đình...”.
Năm 1947, dù mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Nhan vẫn đăng ký nhập ngũ với khát vọng đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương. Ông được bổ sung vào Trung đoàn 812, địa bàn hoạt động khá rộng lớn, từ Nha Trang vào đến Vũng Tàu. Với vóc dáng nhỏ, tuổi còn ít, lại nhanh nhẹn, hoạt bát nên chiến sỹ Nguyễn Văn Nhan được giao nhiệm vụ làm liên lạc, công việc hàng ngày là hóa trang thành trẻ chăn trâu đi dạo khắp nơi để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của địch. Ba năm sau kể từ ngày nhập ngũ, ông được cầm súng ra chiến trường, tham gia những trận đánh ác liệt với quân Pháp. Chiến thuật của quân ta lúc bấy giờ chủ yếu là đánh du kích, tập kết bất ngờ vào các đồn bốt, doanh trại để tiêu diệt và thu vũ khí, khí tài chiến đấu của địch. Cách đánh này đã khiến quân Pháp phải mất ăn, mất ngủ, luôn sống trong tình trạng căng thẳng và lo sợ. Cứ thế, cuộc chiến kéo dài đến 1954, với trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết là một bước ngoặt lớn của đất nước, cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời người chiến sỹ Nguyễn Văn Nhan. Theo quy định, vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia nước ta thành 2 vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Cụ Hồ tập trung về phía Bắc; chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp tập kết về phía Nam. Năm 1956 sẽ tổ chức Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam - Bắc. Chiến sỹ Nguyễn Văn Nhan nằm trong đoàn quân từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Ông vẫn còn nhớ như in ngày ấy, tại cảng Vũng Tàu, người mẹ thân yêu đã xuống tiễn ông lên đường. Mẹ ôm chặt lấy con trai, người lính can trường, rắn rỏi kinh qua nhiều trận mạc, động viên: “Má đừng khóc nữa, con ra Bắc 2 năm sau lại về. Thời gian trôi nhanh lắm, má ráng giữ sức khỏe, đừng làm lụng quá nhiều...”. Con tàu vang lên hồi còi giục giã rồi nhổ neo rời cảng. Tàu đã ra xa, ông Nhan đưa mắt nhìn về phía xuất phát vẫn thấy mẹ còn đứng đó, mắt dõi theo về phía con tàu, khóe mắt người lính chợt thấy cay cay.
“Đơn xin tìm anh là bộ đội” của ông Nguyễn Qua trên bì thư gửi về Mỏ than Khe Bố. |
Nhưng rồi, nước Mỹ tìm cách thế chân ở miền Nam Việt Nam, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã tìm cách từ chối Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền. Vậy là quân đội và nhân dân Việt Nam lại bắt đầu một cuộc chiến mới, một cuộc trường chinh đầy gian khổ và hy sinh. Những người lính miền Nam tập kết ra Bắc vẫn chưa thể trở về quê hương, vẫn sống trong cảnh bom rơi đạn nổ, “ngày Bắc, đêm Nam”. Đơn vị của ông Nhan hoạt động và chiến đấu ở miền Bắc, đến 1962, ông được chuyển ngành, lên Tương Dương làm thợ lò tại mỏ than Khe Bố. Cũng từ đây, cuộc đời của một người con đất Bình Thuận gắn bó với miền Tây Nghệ An, với dòng sông Lam trong xanh, hiền hòa. Là một thợ lò nhưng ông luôn dõi theo những dòng tin chiến sự, ngóng tin tức quê hương, hướng về miền Nam và mong chờ ngày được sum vầy.
Ngày 30/4/1975, cũng như bao người con nước Việt, ông Nhan vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và thống nhất đất nước, tất cả ngỡ như một giấc mơ. Cứ ngỡ chỉ 2 năm sẽ trở về đoàn tụ, ngờ đâu chuyến đi ấy kéo dài dằng dặc đến 21 năm, một quãng thời gian không ít đối với một đời người, một quãng thời gian chứa đựng bao nỗi ngóng trông, khắc khoải. Trong năm ấy, ông sắp xếp về thăm quê, 21 năm cùng với cuộc chiến tranh tàn khốc, quê hương đã thay đổi quá nhiều. Các bậc sinh thành đều đã về với tổ tiên từ nhiều năm trước, làng quê xưa nay hoang vắng, anh em phiêu tán khắp nơi, hầu hết đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm dồn vào các ấp chiến lược, phải tìm mất mấy ngày mới gặp được nhau. Chừng ấy năm cách xa, lòng không khỏi bồi hồi, xúc động khi được trở về nơi chôn rau cắt rốn, được gặp lại những người ruột thịt và được chứng kiến niềm vui, hạnh phúc của bà con quê hương. 2 năm sau, ông Nhan lại trở về thăm quê, lần trở về này ông tính chuyện tìm hiểu tình hình để vài năm tới nghỉ hưu sẽ về quê sinh sống. Nhưng những vùng ấp chiến lược của chế độ cũ quá chật chội, thiếu đất ở nên quyết định sống phần đời còn lại ở mảnh đất Tương Dương.
Sau chuyến thăm quê lần thứ 2, ông Nguyễn Văn Nhan nhiều lần viết thư vào cho các em nhưng đều không nhận được hồi âm. Trong lòng xiết bao lo lắng, không hiểu nguyên do gì nhưng công việc bận rộn, lúc về hưu tiền lương khá ít ỏi nên chưa thể sắp xếp trở về. Rồi tuổi già ập đến lúc nào không hay, sức khỏe vơi dần nên dự định kia lại càng chưa thể. Ở nơi xa xôi, lòng ông luôn hướng về quê hương Bình Thuận, nơi các anh chị em đang sinh sống nhưng bặt vô âm tín, cho dù đất nước đã hòa bình.
Một ngày cuối năm 2011, ông Nguyễn Văn Nhan bất ngờ nhận được một bức thư do người bảo vệ của Công ty cổ phần than Khe Bố (cơ quan cũ của ông) mang đến tận nhà. Thấy ngoài bì thư ghi người gửi là Nguyễn Qua, địa chỉ Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, ông Nhan vui trào nước mắt, vì đó là tên của một người em trai. Địa chỉ ông Qua gửi đến là thủ trưởng Mỏ than Khe Bố. Bàn tay ông Nhan run run khi mở bức thư, thật bất ngờ, đó là lá thư đề “Đơn xin tìm anh là bộ đội”. Nội dung như sau: “Tôi tên Nguyễn Qua, sinh năm 1941, hiện cư trú tại Khu phố 9, Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Trân trọng gửi lên quý cơ quan xin được cứu xét, xác minh và giúp đỡ cho tôi một việc như sau:
Nguyên tôi có người anh ruột tên là Nguyễn Văn Nhang, sinh năm 1929, tham gia kháng chiến chống Pháp kể từ năm 1945 ở tại địa phương liên tục, đến năm 1954 được tập kết ra Bắc, phục vụ mãi đến năm 1976. Vì thời điểm đất nước được hoàn toàn giải phóng, anh tôi có về quê hương thăm gia đình, lúc về anh đi cùng ông tên là chính trị viên tiểu đoàn, người gốc Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có cùng ở lại nhà tôi chơi khoảng thời gian 15 ngày, rồi cùng trở lại đơn vị ngoài Bắc. Trong lúc đi gởi lại 2 tấm ảnh của 2 người . Mãi đến tháng 5/2004 gia đình tôi có nhận được 1 giấy Quyết định số 478/QĐ-CT đề ngày 10/5/2004 của BTL Quân khu 7, có kèm theo số tiền 2 triệu đồng thì kể từ đó đến nay bặt tin tức, không còn liên lạc được, cũng không thấy anh tôi về gì cả.
Vậy nay tôi làm đơn này kính gửi lên quý cơ quan, yêu cầu xin được giúp đỡ, báo tin cho tôi được biết, nếu còn sống thì ở đâu? Hoặc có chết thì chết trong trường hợp nào? Ngày tháng năm nào? Ở đâu và mồ mả ra sao? Báo tin cho gia đình tôi được biết…
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của quý cơ quan, gia đình tôi xin chân thành biết ơn!”
Nhận được đơn, ông Nguyễn Văn Nhan mừng như bắt được vàng, lập tức cầm bút hồi âm theo địa chỉ trong đó. Và chỉ vài tuần sau, người em trai đã gửi thư về. Nguồn cơn sự thất lạc mấy chục năm qua suy cho cùng cũng bởi cuộc chiến tranh đã làm mọi thứ xáo trộn. Các em ở quê gửi thư cho anh trai đều ghi địa chỉ Mỏ than Khe Bố ở tỉnh Hà Tĩnh nên cũng chẳng bao giờ đến được tay ông Nhan. Vậy là 2 bên bặt tin nhau, cho dù đất nước đã hòa bình, thống nhất. May sao, ngoài bì thư của lá đơn kể trên của ông Nguyễn Qua có thêm dòng chữ ai đó ghi “Fs Nghệ An, Tương Dương” nên mới về đến Mỏ than Khe Bố và có người đưa đến tận nhà.
Cất những lá thư vào chiếc ba lô cũ, kỷ vật từ thời chống Pháp, nét mặt ông Nguyễn Văn Nhan như giãn ra, có lẽ chiếc ba lô ấy đang gói chặt bao kỷ niệm cuộc đời. Ông chia sẻ: “Cuộc đời tôi đã trải qua bao xa cách, nhớ thương và chờ đợi, chịu không ít những thiệt thòi nhưng tôi không hề oán trách. Vì cuộc đời cũng đem tới cho tôi những niềm vui, hạnh phúc, đặc biệt là niềm hạnh phúc khi chắp nối được sợi dây liên lạc, sợi dây tình cảm với những người thân yêu, ruột thịt và với cả quê hương…”!
Công Kiên - Hồ Phương