Nơi tạo nguồn nhân lực
Trường Cao đẳng nghề Du lịch thương mại Nghệ An có chức năng đà
Trường Cao đẳng nghề Du lịch thương mại Nghệ An có chức năng đào tạo nghề ở 3 trình độ: Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng nghề với 13 ngành khác nhau. Trong đó, ngành du lịch giữ vị trí chủ đạo với nhiều chuyên ngành như: lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ nhà hàng, quản trị khách sạn, lữ hành...tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung.
Với mục tiêu "Đào tạo ra các sinh viên có tay nghề cao, vững; có kỹ năng và đáp ứng được nhu cầu xã hội". Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, Trường đã đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo, trong đó vấn đề chất lượng đội ngũ giảng viên được xem là "mấu chốt". Hiện toàn trường có 100 giáo viên, riêng khoa Du lịch có 60 giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có 30% giáo viên có trình độ thạc sỹ, nghiên cứu sinh.
Nhằm khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ, ngoài chế độ giáo viên khi đi học được hưởng theo qui định còn được nhà trường hỗ trợ thêm 35 triệu đồng đối với giáo viên học Thạc sỹ và 70 triệu đồng đối với giáo viên làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ. Vấn đề mà nhà trường đặc biệt quan tâm là việc bồi dưỡng cho giáo viên năng lực thực tế, căn cứ vào nhu cầu đào tạo của xã hội để điều chỉnh giáo án, chương trình dạy phù hợp thực tiễn.
Sản phẩm của sinh viên khoa Chế biến món ăn |
Nhằm nâng cao "chuẩn" đầu ra của sinh viên, ngoài việc tiến hành thi cử, đánh giá nghiêm túc chất lượng sinh viên, thì vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc, cọ xát với thực tiễn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hệ thống phòng học thực hành (trên 30 phòng) của khoa du lịch được đầu tư xây dựng đồng bộ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại: buồng, bàn, bar, lễ tân, nhà bếp... theo tiêu chuẩn của khách sạn 4 sao. "Học đi đôi với hành", thời gian thực hành chiếm khoảng 65% thời gian đào tạo, và kinh phí giành cho thực hành chiếm 60% kinh phí đào tạo.
Đặc biệt, nhà trường đã liên kết với các cơ sở phục vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, trung tâm lữ hành...gửi sinh viên đến thực tập, thực tế. Trung bình mỗi năm, sinh viên có 3 tháng đi thực tế, kết thúc mỗi khoá thực tế, nhà trường phát phiếu thăm dò chất lượng sinh viên, bản thân các sinh viên phải viết báo cáo thực tế, kiến nghị với khoa, với trường về chương trình đào tạo...
Đặc biệt, những năm gần đây, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp, các công ty thuộc lĩnh vực du lịch tiến hành đào tạo sinh viên theo địa chỉ. Về phía nhà trường cam kết đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra, hằng năm cung cấp nhân lực cho các cơ sở tuyển dụng, cử sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp, công ty; về phía các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập; tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thầy Đậu Tín Nghĩa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây là hình thức để khoa giữ mối liên hệ với các nhà tuyển dụng, để nắm được các ý kiến đánh giá của họ đối với sinh viên về kỹ năng, trình độ, phương pháp, tác phong làm việc để rút kinh nghiệm trong quá trình điều chỉnh chương trình, phương pháp đào tạo. Đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc trong tương lai, dần rèn luyện kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm..."
Trung bình mỗi năm nhà trường có 5.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, trong đó có 60% sinh viên chuyên ngành du lịch. Khoảng 80% sinh viên khoa Du lịch sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay. Hiện nay, nhân lực ngành du lịch đang thiếu hụt, để đáp ứng nhu cầu xã hội, thời gian tới, trường sẽ nâng chỉ tiêu tuyển sinh, đa dạng các loại hình đào tạo, nhận đào tạo trực tiếp, đào tạo lại cho các đơn vị có yêu cầu...
Thanh Phúc