Nơi viết tiếp ước mơ cho những học trò đặc biệt
Với những người bình thường, hành trình lớn lên, trưởng thành và có một nghề để tự nuôi sống bản thân đã là một điều khó khăn. Thế nhưng, với những đứa trẻ kém may mắn đó là điều thực sự gian nan, vất vả.
Đồng hành cùng con trẻ
Một ngày cuối tháng 3, những thành viên đầu tiên ở Câu lạc bộ Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP (địa chỉ tại 59, Ngô Văn Sở, thành phố Vinh) đã nhận được những bì thư đầu tiên với nội dung “Lương tháng 3”. Số tiền trong từng phong thư không lớn nhưng là thành quả lao động sau những ngày miệt mài, chăm chút, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, từng đường kim, mũi chỉ.
Nhận lương, đâu chỉ các thành viên của câu lạc bộ mà cô giáo, các bố, các mẹ cũng nao nao, xúc động. Niềm vui này, tuyệt vời lắm!
Trước đó, mất một quãng thời gian khá dài, dưới bàn tay khéo léo của Hưng, của Nguyệt, của Phú... rất nhiều sản phẩm được làm thủ công, mang dấu ấn cá nhân đã ra đời.
.jpg)
Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đón nhận những chiếc túi được vẽ tay, những cuốn sổ nhỏ nhỏ, xinh xinh được đóng bìa vải, những bức tranh được vẽ bằng màu nước, màu acrylic... rất nhiều người đã không khỏi trầm trồ.
Gần đây, hưởng ứng kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các bạn ở câu lạc bộ ra mắt sản phẩm là những chiếc túi cói vẽ cờ đỏ sao vàng và các dòng chữ "Độc lập - Tự do", "Việt Nam - Hạnh Phúc" cũng nhận được sự chú ý. Sau mỗi sản phẩm được người mua đón nhận, nhóm lại có thêm một khoản thu nhập và dành lại một phần để trả lương cho các thành viên.
Hưng, Phú, Dũng và Nguyệt... đều là những đứa trẻ đặc biệt. Gần 18 năm trước, khi mới sinh ra các em đều khỏe mạnh và có gương mặt thông minh, sáng sủa. Nhưng rồi, 6 tháng, 12 tháng và đến 15 tháng sau khi sinh ra, bố mẹ các em bắt đầu nhận thấy được sự bất thường của con mình.
.jpg)
Mẹ của Nguyệt là một cô giáo dạy THCS và khi bắt đầu thấy con có những biểu hiện ít nói, ngại giao tiếp, chậm đi, chậm nói hơn so với các trẻ cùng trang lứa chị đã rất lo lắng.
Những năm qua, nhờ có mẹ đồng hành, cô bé Nguyệt 18 tuổi, vẫn được đến trường, học hòa nhập cùng trang lứa. Tuy nhiên, ở ngưỡng cửa mới của cuộc đời, chị mong con sẽ có một nơi để được ghi nhận, được làm việc và được sinh hoạt như những người bình thường. Chị tìm đến với Câu lạc bộ Gia An cũng vì lẽ đó.
Phú cũng là cậu bé đặc biệt khi từ năm 2 tuổi, em đã được bác sĩ chẩn đoán có các biểu hiện tăng động, giảm chú ý. Vì không muốn con thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa nên gia đình đã sớm đưa Phú đi can thiệp, học hòa nhập với các bạn cho đến hết lớp 9. Song song với đó, Phú cũng đã theo học ở Trường Cao đẳng văn hóa, nghệ thuật tỉnh ở cả 2 chuyên ngành là Hội họa và Âm nhạc. Hiện tại, dù được nhận xét là ít nói, nhưng Phú là một cậu bé tình cảm, vẽ đẹp, đàn hay và có khá nhiều tài lẻ.
.jpg)
Để con có thể phát huy được các sở trường, hiện gia đình đã gửi Phú đến Câu lạc bộ Gia An, vì ở đó Phú có cô giáo hỗ trợ, có những người bạn cùng trang lứa. Ở đây, các em cũng được tham gia các hoạt động khác như hướng nghiệp dạy nghề, dạy kỹ năng sống, dạy vẽ và nhiều hoạt động trải nghiệm. Sau mỗi giờ học, các em lại làm các sản phẩm thủ công theo đơn đặt hàng...
Nhân lên những hy vọng
Chúng tôi hiểu bạn!. Chúng tôi ở bên bạn!. Chúng tôi tin vào con bạn! Chúng tôi tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện, đó là thông điệp mà Câu lạc bộ Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP hướng tới khi bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là câu lạc bộ dành riêng cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển được hoạt động dưới mô hình hướng nghiệp đầu tiên ở thành phố Vinh.
Người khởi xướng và xây dựng dự án này ở Hà Nội là Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, công tác tại Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội). Thực tế, trước đây không chỉ ở Nghệ An mà ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, các dự án, trung tâm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển thường hoạt động ở hình thức dạy trẻ độc lập. Trong khi đó, đến tuổi trưởng thành, điều mà các em cần và gia đình mong muốn đó là các em có một nơi để học nghề, để được sinh hoạt và được lao động.

Chị Thu Phương là người đem mô hình về hoạt động tại Nghệ An và cũng là người hơn ai hết hiểu nỗi lòng của những ông bố, bà mẹ có con bị hội chứng phổ tự kỷ và chậm phát triển.
Trường Hưng, cậu con trai thứ 2 của chị sinh năm 2006 từng được phát hiện “không bình thường” khi mới gần 2 tuổi. Nhiều năm qua đồng hành cùng con, sau những đêm dài thức trắng và trăn trở chị nhận ra “không thể có một phép màu để làm thay đổi” mà chính mình phải thay đổi vì con. Mình không thể trốn chạy, không giấu giếm mà phải giúp mọi người có cái nhìn khác về những đứa con đặc biệt, để chúng được tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương.

Vì thế, để con mạnh mẽ hơn chị đã cố gắng để giúp Trường Hưng hòa nhập với mọi người. Cậu bé này, 6 tuổi vào lớp 1, 12 tuổi bắt đầu học hệ Trung cấp Hội họa ở Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Cùng con tham gia các hoạt động thể thao, hoạt động cộng đồng và các hoạt động hòa nhập khác... Bước sang tuổi 18, Hưng và mẹ đã bắt đầu bước đi đầu tiên ở Câu lạc bộ Gia An với vai trò là một thành viên.
.jpg)
Chia sẻ thêm về quyết định của mình, chị Thu Phương cho biết: Đối với các gia đình có con tự kỷ, rất nhiều gia đình có thể đồng hành, chu cấp cho các con một cuộc sống đầy đủ, nhưng điều đó dường như không phải là tất cả. Các con cần được học kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp với xã hội... Bên cạnh đó, các con có nhu cầu được lao động, được tạo ra giá trị của cuộc sống như những người bình thường... Vậy nên, khi sinh hoạt ở câu lạc bộ này, các con sẽ được trao cơ hội và niềm tin để thể hiện khả năng đó.
.jpg)
Hiện nay, chúng ta đang có nhiều địa điểm hỗ trợ, giáo dục, can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ nhỏ tuổi. Tuy nhiên, những bạn lớn cần phát hiện khả năng và định hướng công việc thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thực tế những năm qua, Việt Nam hiện có hàng trăm nghìn người mắc chứng tự kỷ, trong đó, nhiều người ở tuổi lao động nhưng chỉ rất ít người tìm được việc làm phù hợp.
Một điều quan trọng nữa mà các bạn tự kỷ lớn cần phải học đó là học kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự bảo vệ, chống xâm hại…
Câu lạc bộ Gia An ra đời với mong muốn được trao cơ hội và niềm tin để giúp các con thể hiện được khả năng bản thân và quan trọng nhất là xóa bỏ định kiến người tự kỷ là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Chị Thu Phương
Do đây là một mô hình hoàn toàn mới ở Nghệ An nên quá trình triển khai chị Thu Phương cho rằng, thành công không thể đến sớm trong ngày một, ngày hai. Ngược lại, bằng sự kiên trì, nhẫn nại, chị và các cô giáo ở đây đang mỗi ngày nỗ lực để các cậu bé, cô bé có nhiều trải nghiệm ý nghĩa.

Ở đây, các bạn nhỏ không chỉ được học kỹ năng, được học làm việc, mà còn được chơi, được thể hiện bản thân qua âm nhạc, vận động, nghệ thuật…
Là giáo viên có gần 10 năm kinh nghiệm trong giáo dục học sinh bị hội chứng phổ tự kỷ, cô giáo Nguyễn Thị Thủy cho biết: Rất nhiều người nghĩ rằng, đây là những học sinh đặc biệt, nhưng tôi xem các em như những học sinh bình thường khác, mỗi người có một cá tính, một bản sắc riêng và mỗi chúng tôi đều tôn trọng sự khác biệt của trẻ. Dạy các em, giáo viên không chỉ cần kiến thức, kỹ năng mà hơn hết là tình yêu thương và chia sẻ. Thành quả học tập chính là sự tiến bộ của các em mỗi ngày và đây là nguồn động lực lớn để chúng tôi tin vào hành trình của mình.

Nói về Câu lạc bộ Gia An - Hướng nghiệp nghề của VIP, chị Thu Phương cũng cho biết, chị và các cậu bé, cô bé ở đây cũng đã sẵn sàng bước sang một hành trình mới, hành trình của tình yêu, sự thấu hiểu và hy vọng. Hơn thế, các chị tin rằng, dù những đứa trẻ ở đây không giống như những đứa trẻ khác, nhưng khi các con được sinh ra, được lớn lên, các con vẫn là những đứa trẻ kỳ diệu - theo cách của riêng mình.